Chiến hạm Triều Tiên gặp sự cố, ông Kim Jong-un nói "không thể tha thứ"

() - Một tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trong lễ hạ thủy khu trục hạm mới của hải quân Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gọi sự cố này là một "hành vi phạm tội".
Chiến hạm Triều Tiên gặp sự cố, ông Kim Jong-un nói không thể tha thứ - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: KCNA).

Trong buổi lễ hạ thủy khu trục hạm 5.000 tấn mới tại thành phố cảng Chongjin ở miền Đông vào ngày 21/5, "một tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra", hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin hôm 22/5.

KCNA cho biết, vụ việc xảy ra khi tàu được hạ thủy trước sự chứng kiến của ông Kim, nguyên nhân được quy cho "sự thiếu kinh nghiệm trong chỉ huy và sự cẩu thả trong vận hành", khiến "một số phần ở dưới đáy tàu bị nghiền nát".

Sự cố này đã làm mất cân bằng tàu chiến, KCNA cho biết thêm.

Ông Kim đã trực tiếp chứng kiến toàn bộ vụ việc và tuyên bố đây là một "hành vi phạm tội do sự bất cẩn hoàn toàn", đồng thời cảnh báo rằng "không thể dung thứ cho điều này".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng những "sai lầm vô trách nhiệm" của các quan chức có liên quan sẽ được "xử lý tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động dự kiến triệu tập vào tháng tới".

Trước đó một tháng, Bình Nhưỡng đã ra mắt một khu trục hạm lớp 5.000 tấn khác mang tên Choe Hyon. Truyền thông nhà nước khi đó đăng tải hình ảnh ông Kim cùng con gái Ju Ae tham dự buổi lễ.

Triều Tiên tuyên bố con tàu được trang bị "những loại vũ khí mạnh mẽ nhất" và sẽ "bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm sau". Một số nhà phân tích cho rằng con tàu có thể được trang bị tên lửa chiến thuật tầm ngắn có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, dù đến nay Triều Tiên chưa chứng minh được khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào tên lửa.

Quân đội Hàn Quốc cho rằng khu trục hạm Choe Hyon có thể được phát triển với sự trợ giúp từ Nga. Quan hệ giữa Nga và Triều Tiên đã trở nên gần gũi hơn trong thời gian qua khi 2 nước đã tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng.

Gần đây, Nga và Triều Tiên thông báo đã bắt đầu xây dựng cây cầu đường bộ đầu tiên nối hai quốc gia láng giềng này.

Hồi tháng 3, ông Kim từng đi thị sát một dự án đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, khẳng định rằng việc "tăng cường mạnh mẽ" hải quân là trụ cột then chốt trong chiến lược phòng vệ quốc gia.

Ông kêu gọi hiện đại hóa toàn diện các lực lượng hải quân trên mặt nước và dưới nước, bao gồm việc phát triển thêm các loại tàu chiến. Trước đó, Bình Nhưỡng cũng từng tuyên bố đang phát triển các loại vũ khí không người lái có khả năng tấn công hạt nhân dưới nước.

Về phía Mỹ, đồng minh an ninh chủ chốt của Hàn Quốc, Washington trong những năm gần đây đã tăng cường các cuộc tập trận chung và triển khai nhiều khí tài chiến lược, bao gồm tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân, tới khu vực nhằm răn đe Triều Tiên.

Bình Nhưỡng nhiều lần tuyên bố nước này là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân "không thể đảo ngược". Họ thường xuyên lên án các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là hành động khiêu khích, dẫn tới các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong thời gian qua.