Cách Trung Quốc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện

() - Sử dụng xe điện từ chỗ là chiến lược quốc gia của Trung Quốc đã dần trở thành lựa chọn của người dân.
Cách Trung Quốc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện - 1

Trung Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu về xe điện (Ảnh: Bloomberg).

“Tôi lái xe điện vì tôi nghèo”, Lu Yunfeng, một tài xế taxi công nghệ, nói khi đang đỗ tại một trạm sạc ở ngoại ô Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc.

Đứng gần đó, Sun Jingguo đồng tình: “Chi phí chạy xe xăng quá đắt đỏ. Tôi tiết kiệm được nhiều tiền khi lái xe điện. Và nó cũng bảo vệ môi trường”.

Tại nhiều quốc gia, xe điện vẫn được coi là món hàng xa xỉ, nhưng ở Trung Quốc, nơi gần một nửa số ô tô bán ra năm ngoái là xe điện, đây chỉ là thực tế bình thường.

Từ “vương quốc xe đạp” thành “vương quốc xe điện”

Đầu thế kỷ này, giới lãnh đạo Trung Quốc đã vạch ra kế hoạch để thống trị các công nghệ của tương lai. Từng là “vương quốc xe đạp”, Trung Quốc giờ đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xe điện.

Ở Quảng Châu, thành phố hơn 18 triệu dân, âm thanh giờ tan tầm đã chuyển từ tiếng gầm rú động cơ thành tiếng rì rầm nhẹ nhàng.

“Khi nói đến xe điện, Trung Quốc đang đi trước thế giới 10 năm và làm tốt hơn gấp 10 lần bất cứ nước nào”, chuyên gia phân tích ngành ô tô Michael Dunne nhận xét.

Hiện nay, BYD của Trung Quốc đã vượt Tesla Mỹ để dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu. Doanh số của BYD được thúc đẩy nhờ thị trường nội địa khổng lồ hơn 1,4 tỷ dân và nay hãng hướng tới xuất khẩu mạnh mẽ hơn. Nhiều công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc cũng đang chen chân vào thị trường quốc tế, cung cấp các mẫu xe giá rẻ.

Để lý giải sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện, giới phân tích thường nhắc đến Wan Gang, kỹ sư được đào tạo tại Đức, trở thành Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc năm 2007.

Khi đó, các thương hiệu Trung Quốc không thể cạnh tranh nổi về chất lượng hay uy tín với xe châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, vốn đã có lợi thế khổng lồ trong xe chạy xăng, dầu. Tuy nhiên, Trung Quốc lại có sẵn nguồn lực dồi dào, lực lượng lao động có tay nghề và chuỗi cung ứng ngành ô tô hoàn chỉnh. Vì vậy, ông Wan đã quyết định “đổi luật chơi, chuyển sang xe điện”.

Dù xe điện đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Trung Quốc từ 2001, nhưng phải tới thập niên 2010, Bắc Kinh mới bắt đầu tung ra các khoản trợ cấp khổng lồ để nuôi dưỡng ngành này

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, từ năm 2009 tới cuối 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 231 tỷ USD để phát triển ngành xe điện.

Từ người tiêu dùng, các hãng xe, tới nhà cung cấp điện, pin, ai ở Trung Quốc cũng được nhận hỗ trợ về xe điện.

Chính phủ Trung Quốc khuyến khích BYD chuyển từ sản xuất pin điện thoại thông minh sang xe điện. CATL (thành lập năm 2011) hiện cung cấp 1/3 tổng sản lượng pin xe điện toàn cầu cho Tesla, Volkswagen, Ford.

Trung Quốc kiểm soát được các chuỗi cung ứng then chốt về pin. Họ cũng xây dựng mạng lưới trạm sạc công cộng lớn nhất thế giới, tập trung tại các thành phố lớn, giúp tài xế chỉ mất vài phút để tìm trạm gần nhất.

“Chính phủ Trung Quốc cũng làm điều tương tự châu Âu, Mỹ, tức là chính sách hỗ trợ, khuyến khích tiêu dùng, phát triển hạ tầng. Nhưng tôi nghĩ Trung Quốc đã làm việc đó nhất quán và theo cách tạo nên môi trường cạnh tranh bậc nhất thế giới”, Brian Gu, Chủ tịch hãng xe điện XPeng, nói.

XPeng chỉ mới tồn tại hơn một thập niên, chưa có lãi, nhưng đã lọt top 10 hãng xe điện lớn nhất thế giới.

Lựa chọn của người dân

Ngoài đam mê công nghệ, người tiêu dùng Trung Quốc còn được hưởng hàng loạt ưu đãi. CSIS cho biết họ nhận trợ cấp khi đổi xe xăng lấy xe điện, được miễn thuế, sạc công cộng giá rẻ.

Ông Lu nói hai năm trước đã chuyển sang xe điện vì lý do này. Trước đây, ông tốn 200 tệ (gần 28 USD) để chạy 400km, nay chỉ tốn 1/4. Biển số ông cũng được miễn phí.

“Người giàu đi xe xăng vì họ có tiền. Với tôi, xe điện là hợp lý”, ông nói.

Daisy, một chủ xe điện ở Thượng Hải, không cần sạc mà chỉ đổi pin ở các trạm tự động mất chưa đến 3 phút, rẻ hơn đổ xăng.

Liên Hợp Quốc coi xe điện là “mấu chốt” để tránh thảm họa khí hậu. Dù xe điện giúp bảo vệ môi trường, vẫn có lo ngại về công nghệ Trung Quốc. Cựu lãnh đạo MI6 của Anh, Richard Dearlove, gọi xe điện Trung Quốc là “máy tính trên bánh xe”, có thể “bị điều khiển từ Bắc Kinh”.