
Từ trái qua: TS Mai Mỹ Duyên, NSƯT Ca Lê Hồng; PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, NSND Trần Minh Ngọc; NSND Trần Ngọc Giàu - Ảnh: HỒ LAM
Sáng 8-7, tại Đường sách TP.HCM, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức buổi ra mắt sách
Bà Ca Lê Hồng và ông Trần Minh Ngọc đều nhấn mạnh giá trị chuyên môn của sách Sân khấu cải lương TP.HCM - Ảnh: HỒ LAM
81 bài viết, một tập đại thành của sân khấu cải lương
Sách Sân khấu cải lương TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025 có thể được xem là một công trình chuyên khảo quy mô, có giá trị mà theo bà Ca Lê Hồng "đây không chỉ là công trình nghiên cứu về sân khấu cải lương cho riêng TP.HCM mà còn là cho cả nước".
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đạo diễn Trần Minh Ngọc cho biết ông làm chủ biên cuốn sách trong tâm thế khá lo lắng vì ông xuất thân từ sân khấu kịch nói. Thế nhưng chính sự đóng góp của 81 bài viết tâm huyết từ các nhà nghiên cứu, nhà báo, nghệ sĩ... có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sân khấu cải lương đã khiến ông an tâm.
"Có thể nói, nội dung các bài viết trong sách rất trau chuốt. Chúng tôi gần như không phải sửa chữa gì mà chỉ cần đọc, cảm nhận", ông Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, nối tiếp công trình biên khảo Cải lương Sài Gòn 1955 - 1975, sách Sân khấu cải lương TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025 sẽ tập trung vào các mảng: dàn dựng, biểu diễn, hoạt động sân khấu và lý luận.
Có thể kể đến một số bài viết như: Nửa thế kỷ nhìn lại sân khấu cải lương TP.HCM ở chặng đường bước vào thời kỳ lịch sử mới (1975-2025); Từ giải Thanh Tâm đến giải Trần Hữu Trang; Nghệ sĩ Thành Được - Út Bạch Lan: Cặp đôi tài danh của sân khấu cải lương...
Ở góc nhìn học thuật, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng cho rằng sách có thể xem là một "tập đại thành" cho cả sân khấu cải lương Việt Nam nói riêng và nền nghệ thuật sân khấu nói chung.
Nghệ sĩ Thanh Hằng ca cải lương trong buổi giao lưu ra mắt sách - Video: HỒ LAM
Muốn đổi mới cần hiểu rõ những giá trị truyền thống
Dưới góc nhìn của một người làm nghề hơn 40 năm, NSND Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh:
"Nếu không có sân khấu cải lương thì trong nền sân khấu Việt Nam chúng ta sẽ không có một loại hình nào có thể phản ánh được hình ảnh con người đương thời - tóc ngắn, mặc áo đầm, đi giày tây - trên sân khấu một cách chân thật và sống động. Đó là sáng tạo thông minh của thế hệ trước".
Theo ông Giàu, cải lương là loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, kế thừa tinh thần đờn ca tài tử, hòa trộn với hình thức kể chuyện và trình diễn ca kịch, rồi dần hình thành nên một loại hình sân khấu mới: sân khấu dân tộc phản ánh được con người thời đại.

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng nhấn mạnh cải lương trong thời đại mới cần song hành cùng sự phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh: HỒ LAM
"Trên nền tảng đó, cải lương buộc phải giải quyết hàng loạt vấn đề: kỹ thuật biểu diễn, âm nhạc thế nào? Cảnh trí sân khấu ra sao? Làm sao để dung hòa giữa yếu tố truyền thống và ảnh hưởng từ sân khấu phương Tây?
Đó chính là những đề tài cần tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc, chuyên sâu. Muốn đổi mới cải lương, phải biết, hiểu rõ giá trị truyền thống là gì", ông Giàu nói.
Ông Giàu nói quyển sách này hướng đến chuyện lý luận loại hình mà "hiện nay sân khấu cải lương của chúng ta chưa làm được điều đó": "Có chăng phải phục hồi lại trung tâm nghiên cứu và phát triển sân khấu cải lương, vì các đoàn hiện nay chỉ thiên về biểu diễn mà thiếu phần lý luận nền tảng".
Bên cạnh phát triển các điều kiện về vật chất, thiết bị, ông Huỳnh Quốc Thắng đề xuất đưa cải lương vào chuỗi sản phẩm du lịch - văn hóa của TP, xây dựng những sân khấu biểu diễn chuẩn mực, gắn với dịch vụ đi kèm để phục vụ du khách quốc tế.

Sách Sân khấu cải lương TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025 - Ảnh: HỒ LAM
'Tôi sinh ra ở Bình Định, sống nhờ cải lương'
NSƯT Lê Thiện, nguyên phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, kể bà là người con của vùng đất võ Bình Định, nhưng trưởng thành, được khán giả biết đến là nhờ cải lương.
Bà cũng có những trăn trở nhất định khi quan sát đời sống cải lương hiện tại: "Ngày xưa, chỉ cần nhắm mắt lại nghe là biết ngay ai đang ca. Với thế hệ tụi tôi, điều này rất có giá trị".
Nhưng theo bà Lê Thiện, hiện nay một số nghệ sĩ trẻ ca rất trẻ, nhiều nhạc đệm, nhưng thiếu sự rỉ rả, sâu sắc của cách hát cải lương thực thụ.
