Một tiêm kích F-35 tàng hình (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Chỉ một tháng sau khi khởi động "Chiến dịch Rough Rider" không kích quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu của Houthi tại Yemen, quân đội Mỹ đã chịu tổn thất tương đối lớn, New York Times dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ, cho biết.
Theo nguồn tin, nhiều tiêm kích F-16 và một chiếc F-35 từng "suýt trúng đạn" từ hệ thống phòng không của Houthi trong những ngày đầu chiến dịch.
Dù Mỹ đã loại bỏ một số thủ lĩnh cấp cao và tấn công hơn 1.000 mục tiêu, họ vẫn chưa thể giành được ưu thế trên không. Ít nhất 7 máy bay không người lái MQ-9 Reaper bị bắn rơi, 2 tiêm kích F/A-18 Super Hornet bị phá hủy khi lao xuống biển, và chi phí tác chiến vượt mốc 1 tỷ USD chỉ trong vòng một tháng, nguồn tin cho biết.
Tình hình khiến Tổng thống Donald Trump sốt ruột và yêu cầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), đứng đầu là Tướng Michael Kurilla, đẩy nhanh tiến độ kế hoạch kéo dài 8-10 tháng.
Tuy nhiên, áp lực ngày càng lớn từ nguy cơ mất vũ khí và binh sĩ, đặc biệt là vụ việc F-16 và F-35, dường như đã khiến Nhà Trắng quyết định ngừng chiến dịch vào ngày 5/5.
Một trong những điểm gây chú ý là việc tiêm kích tàng hình hàng đầu F-35, vốn được coi là "bất khả xâm phạm" trước các hệ thống phòng không lạc hậu, lại suýt bị Houthi bắn hạ.
Vấn đề nằm ở chỗ: F-35 có thể "ẩn mình" trước radar, nhưng vẫn để lộ dấu vết nhiệt. Và Houthi, dường như với sự hậu thuẫn của Iran, đã tiếp cận được các loại tên lửa hiện đại có đầu dò hồng ngoại tiên tiến, thậm chí là loại "camera nhiệt" có thể phân biệt máy bay thật với mồi bẫy.
Không chỉ vậy, các tên lửa phòng không tầm trung do Liên Xô thiết kế được hoán cải từ loại không đối không như R-27, R-73 và R-77 có lẽ cũng được Iran chuyển giao, tạo nên mối đe dọa lớn với bất kỳ phi cơ nào, kể cả khi có máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler hộ tống.
Những hệ thống này có thể khai hỏa ngay cả khi Mỹ đang tiến hành chiến dịch áp chế phòng không đối phương (SEAD), đẩy nguy cơ đối đầu lên cao.
Trước khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn do Oman làm trung gian, Mỹ đã huy động một lượng lớn oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit tới căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương để yểm trợ hai tàu sân bay đang tham chiến. Tuy nhiên, chỉ có 4 nhà chứa đặc biệt tại đây đủ khả năng bảo quản loại máy bay có lớp phủ siêu nhạy, khiến nhiều chiếc phải để ngoài trời trong thời gian dài.
Sau khi ngừng chiến dịch, B-2 được rút về căn cứ Whiteman ở Mỹ. Thay vào đó, Washington điều động 4 oanh tạc cơ B-52H Stratofortress - loại dễ bị tổn thương hơn - nhưng được trang bị vũ khí tấn công tầm xa như tên lửa hành trình AGM-158 JASSM. Sự hiện diện của B-52 có thể nhằm gửi tín hiệu răn đe tới Iran, trong bối cảnh khu vực vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát giao tranh.
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Mỹ và lực lượng Houthi không ngăn được các đợt tấn công vào các mục tiêu không thuộc Mỹ, bao gồm cả Israel. Hiện chưa rõ liệu các hành động này có nằm ngoài phạm vi thỏa thuận hay không.
Trong khi đó, khả năng phòng không hiệu quả bất ngờ của Houthi đã khiến giới quan sát chú ý. Dù chưa có máy bay Mỹ nào bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không trong chiến dịch này, nhưng sự kiện F-35 suýt trúng đạn đã khiến giới hoạch định chiến lược Mỹ buộc phải thừa nhận: Tàng hình không đồng nghĩa với bất khả chiến bại.
Việc F-35 thoát nạn, trong khi F-16 bị nhiều tên lửa bám đuổi, có thể phản ánh ưu thế công nghệ của máy bay thế hệ 5. Tuy nhiên, nó cho thấy một điều rõ ràng: Ngay cả các loại máy bay tối tân nhất vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị bắn hạ trong môi trường xung đột hiện đại, đặc biệt khi đối phương sở hữu công nghệ tiên tiến.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/bao-my-tiem-kich-f-35-khong-the-tang-hinh-suyt-bi-ten-lua-houthi-ban-ha-a326873.html