Phái đoàn Nga và Ukraine hòa đàm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3/2022 (Ảnh: Reuters).
Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 12/5, ông Vladimir Dzhabarov, phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga, hay còn gọi là Thượng viện Nga, nhấn mạnh rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine ở Istanbul vào tháng 3/2022. Do vậy, các điều kiện hòa bình mà Moscow đưa ra trong cuộc đàm phán tiềm năng sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khắt khe hơn.
"Tôi nghĩ điều kiện chúng ta đưa ra có thể sẽ khó khăn hơn so với tháng 3/2022. Tình hình đã thay đổi đáng kể từ đó khi Nga đã giành được các vùng lãnh thổ mới, trở thành một phần của Liên bang Nga theo như hiến pháp của chúng ta. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ có thêm các điều kiện", ông nói.
Theo thượng nghị sĩ, các điều khoản hòa bình của Nga sẽ bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi Donbass và Novorossia (thuật ngữ Nga dùng để đề cập đến tỉnh Kherson và Zaporizhia của Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập).
Ngoài ra, theo ông, điều kiện cũng gồm rút toàn bộ lính đánh thuê nước ngoài khỏi lãnh thổ Ukraine và đưa ra các đảm bảo bằng văn bản về việc Ukraine không gia nhập NATO và không triển khai quân đội NATO tại Ukraine.
Ông cho biết, Nga cũng có thể sẽ thảo luận lập một vùng đệm an ninh trong lãnh thổ Ukraine.
Bình luận về đề nghị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ông Dzhabarov lưu ý: "Tôi nghĩ ông ấy đang đánh giá quá cao vai trò của mình. Tôi không nghĩ rằng sẽ có ai đó gặp ông ấy".
Hôm 11/5, Tổng thống Putin đã đề nghị nối lại đàm phán trực tiếp Nga - Ukraine mà không cần điều kiện tiên quyết vào ngày 15/5 tại Istanbul.
Ukraine cũng như các đối tác châu Âu ủng hộ đàm phán trực tiếp với Nga, nhưng nhấn mạnh Moscow phải ngừng bắn hoàn toàn trước bất cứ cuộc đàm phán tiềm năng nào.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông hy vọng một "kết quả tốt đẹp" từ các cuộc đàm phán trực tiếp tiềm năng giữa Moscow và Kiev.
"Tôi nghĩ cuộc họp vào ngày 15/5 tới sẽ có kết quả tốt. Tôi tin rằng hai nhà lãnh đạo sẽ ở đó. Tôi đã nghĩ đến việc bay đến đó. Tôi có rất nhiều cuộc họp, nhưng tôi đã nghĩ đến việc bay đến Istanbul", ông nói.
Tuy nhiên, đến nay Moscow vẫn im lặng về đề xuất đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine.
Điện Kremlin cũng bác bỏ "tối hậu thư" của phương Tây. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, Nga sẵn sàng nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine ở Istanbul nhưng phản đối bất cứ điều kiện tiên quyết nào, bao gồm cả yêu cầu ngừng bắn.
"Chúng tôi đã nghe cảnh báo này từ hôm trước và chúng cũng được đưa ra dưới dạng tối hậu thư. Nhưng ngôn ngữ tối hậu thư này không thể chấp nhận được đối với Nga, không phù hợp. Họ không thể nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ như vậy", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với phóng viên hôm 12/5.
Trước đó, người phát ngôn của chính phủ Đức Stefan Kornelius tuyên bố Nga có thời gian đến hết ngày 12/5 để đồng ý ngừng bắn ở Ukraine, đồng thời cảnh báo nếu không chấp thuận, Moscow sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt mới từ Đức.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/nhung-dieu-kien-nga-co-the-dua-ra-khi-dam-phan-truc-tiep-voi-ukraine-a326794.html