Ấn Độ thu chiến lợi phẩm đặc biệt từ Pakistan sau cuộc đối đầu trên không

() - Ấn Độ đã thu giữ được một tên lửa PL-15 gần như còn nguyên vẹn từ Pakistan, cơ hội để New Delhi giải mã công nghệ của Trung Quốc.

Ấn Độ thu chiến lợi phẩm đặc biệt từ Pakistan sau cuộc đối đầu trên không - 1

Xác tên lửa PL-15 gần như còn nguyên vẹn (Ảnh: Eurasian Times).

Giữa lúc căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang, phần xác được cho là của tên lửa PL-15 có nguồn gốc từ Trung Quốc đã được phát hiện tại Hoshiarpur, bang Punjab, Ấn Độ hôm 9/5.

Đáng chú ý, Pakistan trước đó tuyên bố đã dùng tên lửa PL-15 để bắn hạ các chiến đấu cơ của Ấn Độ, bao gồm cả tiêm kích Rafale.

Đây là lần thứ 2 mà xác của loại tên lửa này được tìm thấy trên lãnh thổ Ấn Độ kể từ khi chiến dịch "Sindoor" được New Delhi triển khai. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên phần xác của PL-15 được tìm thấy trong tình trạng gần như nguyên vẹn.

Tên lửa có thể được phóng từ tiêm kích J-10C hoặc JF-17 của Không quân Pakistan (PAF), vốn tương thích với loại vũ khí này. Với tầm bắn hơn 100km, nhiều khả năng tên lửa rơi xuống cánh đồng ở Hoshiarpur sau khi không phát nổ.

Cựu phi đội trưởng Không quân Ấn Độ Vijainder K. Thakur nhận định đây là một "món quà công nghệ" vì tên lửa không tự hủy như thiết kế. "Đây là cơ hội để các kỹ sư Ấn Độ mổ xẻ từng phần, nghiên cứu công nghệ mới nhất của Trung Quốc trong vũ khí không chiến", ông nói.

Việc thu giữ tên lửa có thể cho phép Ấn Độ phân tích hệ thống động cơ, đầu dò dùng công nghệ mảng pha điện tử quét chủ động AESA, phương pháp liên kết dữ liệu và cách chống nhiễu điện tử của Trung Quốc.

Ông Thakur cho rằng đầu dò AESA và động cơ đẩy kép của PL-15 có thể đặc biệt thu hút sự quan tâm của Tổ chức Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), dù DRDO cũng đã có những bước tiến riêng.

Với chiến lợi phẩm này, Ấn Độ có thể tăng tốc phát triển các loại vũ khí không chiến ngoài tầm nhìn (BVRAAM) tiên tiến hơn.

Không chỉ Pakistan, Trung Quốc cũng sử dụng PL-15 trên nhiều dòng chiến đấu cơ hiện đại, bao gồm J-10C, J-15, J-16, J-11B và cả tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20.

Trong bối cảnh tranh chấp biên giới Trung - Ấn luôn tiềm ẩn rủi ro xung đột, việc thu giữ một trong những vũ khí chủ lực của Không quân Trung Quốc có thể giúp New Delhi hiểu rõ hơn về đối phương.

Một số chuyên gia thậm chí không loại trừ khả năng Mỹ sẽ được mời tham gia giám định tên lửa, giống như cách Trung Quốc từng được cho là đã tiếp cận xác trực thăng tàng hình Black Hawk của Mỹ sau chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan năm 2011.

Tuy nhiên, những nhận định trên mới chỉ dừng lại ở mức độ phỏng đoán.

Tên lửa PL-15 do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) phát triển, có radar chủ động AESA, động cơ nhiên liệu rắn và liên kết dữ liệu hai chiều, cho phép điều hướng chính xác và chỉnh hướng giữa hành trình.

Biến thể mới nhất - PL-15E với thiết kế cánh gập gọn hơn cũng được Trung Quốc giới thiệu tại Triển lãm hàng không Chu Hải cuối năm 2024. Tên lửa được cho là đạt tốc độ Mach 4, tầm bắn từ 200-300km.

Một cựu quan chức Pakistan từng tuyên bố rằng radar AESA và PL-15 của J-10CE vượt trội so với radar RBE2 AESA và tên lửa Meteor của tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/an-do-thu-chien-loi-pham-dac-biet-tu-pakistan-sau-cuoc-doi-dau-tren-khong-a326717.html