Anh thắt chặt các quy định về nhập cư

() - Anh sẽ tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng nhập cư, trong đó có việc yêu cầu người lớn đi cùng lao động nước ngoài phải vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh.

Anh thắt chặt các quy định về nhập cư - 1

Thủ tướng Anh Keir Starmer (Ảnh: Reuters).

Chính quyền của Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 12/5 dự kiến sẽ công bố Sách trắng về nhập cư, trong đó nói rằng người nhập cư cần cam kết học ngôn ngữ, đồng thời vạch kế hoạch cải tổ một "hệ thống đã đổ vỡ" vốn khuyến khích doanh nghiệp "thuê lao động có mức lương thấp".

Theo đó, mỗi người lớn đi cùng lao động nước ngoài đến nước này sẽ phải vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh trực tuyến trình độ A1, yêu cầu hiểu cách diễn đạt hàng ngày và trả lời các câu hỏi đơn giản về thông tin cá nhân .

Nếu người lao động xin gia hạn visa (thị thực), người phụ thuộc của họ sẽ phải vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh cấp độ A2. Trong trường hợp xin định cư, họ sẽ phải đạt trình độ B2, yêu cầu khả năng hiểu các văn bản phức tạp cả về chủ đề cụ thể và trừu tượng, cũng như "giao tiếp ở mức độ trôi chảy và tự nhiên".

Các nguồn tin cho biết yêu cầu về trình độ tiếng Anh ở mọi tuyến nhập cư sẽ được nâng cao trong tương lai, điều này đồng nghĩa với việc một số người đến từ vùng chiến sự có thể phải trải qua bài kiểm tra ngôn ngữ trước khi được cấp phép nhập cảnh.

Chính phủ đồng thời sẽ chấm dứt quyền tự động xin định cư tại Anh của lao động nước ngoài sau 5 năm, thay vào đó kéo dài thời gian chờ đợi lên 10 năm. "Chúng tôi sẽ siết chặt mọi lĩnh vực của hệ thống nhập cư, bao gồm lao động, gia đình và học tập, nhằm tăng cường khả năng kiểm soát", Thủ tướng Starmer dự kiến nói trong bài phát biểu.

Ông Starmer sẽ tuyên bố rằng, sách trắng "đảm bảo việc định cư tại quốc gia này là một đặc quyền cần phải đạt được, chứ không phải quyền đương nhiên… Và khi ai đó đến đất nước chúng ta, họ cũng cần cam kết hội nhập và học ngôn ngữ của chúng ta".

Những tuyên bố trên nằm trong sách trắng về nhập cư mà Công đảng đã mong đợi từ lâu, dự kiến trình Quốc hội vào ngày 12/5, sau thành công của đảng Cải cách do ông Nigel Farage lãnh đạo trong các cuộc bầu cử địa phương vào tháng này.

Bà Yvette Cooper, Bộ trưởng Nội vụ Anh, ngày 11/5 cho biết theo đề xuất trong sách trắng, thị thực dành cho nhân viên chăm sóc sẽ bị ngừng cấp cho việc tuyển dụng từ nước ngoài. 

Khi được truyền thông hỏi về việc các viện dưỡng lão sẽ tuyển dụng nhân viên từ đâu, bà Cooper cho hay họ nên tuyển dụng từ nhóm người đã đến Anh làm việc trong ngành chăm sóc với thiện chí nhưng bị các chủ lao động thiếu đạo đức bóc lột.

"Các công ty chăm sóc nên tuyển từ nguồn lao động đó. Họ cũng có thể gia hạn thị thực hiện có. Họ cũng có thể tuyển từ nhóm người sở hữu các loại thị thực khác và đang cư trú tại đây. Nhưng chúng tôi cho rằng đã đến lúc chấm dứt việc tuyển dụng nhân viên chăm sóc từ nước ngoài", bà nói thêm.

Bà Cooper từ chối đưa ra con số mục tiêu cụ thể cho di cư ròng, chênh lệch giữa số người đến và rời Vương quốc Anh, song cho biết chính phủ tin rằng các thay đổi với một số loại thị thực có thể giúp "giảm tới 50.000 thị thực lao động kỹ năng thấp" trong vòng một năm tới.

Tính đến tháng 6/2024, số liệu di cư ròng của Anh vào khoảng 728.000 người trong 12 tháng. Dưới thời chính phủ Bảo thủ trước đó, con số này từng vượt ngưỡng 900.000.

Một số đề xuất khác

Kế hoạch mới của chính phủ Anh còn đề xuất trục xuất thêm tội phạm nước ngoài, yêu cầu các nhà tuyển dụng phải đào tạo nhân sự trong nước, và quy định người lao động tay nghề cao đến Anh phải có bằng cấp.

Hiện tại, chỉ những tội phạm nước ngoài bị kết án tù mới bị báo cáo lên Bộ Nội vụ, và thông thường chỉ những người bị kết án ít nhất một năm mới bị xem xét trục xuất.

Tuy nhiên, theo các quy định mới, Bộ Nội vụ sẽ được thông báo về mọi công dân nước ngoài bị kết án, bất kể họ có bị phạt tù hay không, đồng thời được trao quyền mở rộng để trục xuất cả những người phạm các tội nhẹ hơn, bao gồm hành động nhanh chóng với những người mới nhập cảnh nhưng đã vi phạm pháp luật.

Bộ Nội vụ cũng sẽ đưa ra quy định rằng mọi công dân nước ngoài bị đưa vào danh sách tội phạm tình dục, bất kể mức án ra sao, đều sẽ bị coi là đã phạm "tội nghiêm trọng" và không còn quyền được bảo vệ tị nạn tại Anh.

Không chỉ vậy, theo đề xuất mới, các công ty không tuyển dụng nhân viên trong nước mà liên tục tuyển lao động từ nước ngoài có thể tước quyền bảo trợ lao động nước ngoài. Các ngành như kỹ thuật và công nghệ thông tin sẽ nằm trong diện bị chú ý.

Thị thực lao động cũng sẽ bị giới hạn nghiêm ngặt về thời hạn đối với hầu hết các công việc không yêu cầu trình độ từ đại học trở lên.

Sinh viên nước ngoài sau khi học xong đại học tại Anh sẽ phải đối mặt với quy định khắt khe hơn về quyền lưu trú sau tốt nghiệp.

Các bộ trưởng cũng dự định thành lập Nhóm tư vấn về bằng chứng thị trường lao động, gồm đại diện các cơ quan ngành nghề, kỹ năng, cũng như chính phủ và Hội đồng Cố vấn Di cư. Nhóm này sẽ giúp xác định ngành nghề nào đang phụ thuộc quá mức vào lao động nước ngoài và đề xuất giải pháp đầu tư vào kỹ năng nội địa.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh đảng Cải cách Anh, với cam kết gần như "đóng băng" hầu hết hình thức nhập cư, đang dẫn đầu các cuộc khảo sát dư luận toàn quốc, và mới giành quyền kiểm soát 10 hội đồng địa phương hôm 1/5.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/anh-that-chat-cac-quy-dinh-ve-nhap-cu-a326706.html