Ấn Độ triển khai tàu sân bay tới gần Pakistan

() - Ấn Độ đã triển khai tác chiến tàu sân bay và tàu ngầm tới gần Pakistan, sau khi hai bên đồng ý với lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian.

Ấn Độ triển khai tàu sân bay tới gần Pakistan - 1

Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ (Ảnh: PTI).

Hải quân Ấn Độ ngày 11/5 thông báo đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu nổi, tàu ngầm và tiêm kích tới phía bắc biển Ả rập nhằm buộc Pakistan "ở thế phòng thủ".

"Lực lượng hải quân Ấn Độ vẫn được triển khai tiền phương tại phía bắc biển Ả Rập trong trạng thái răn đe và ngăn chặn, để sẵn sàng hành động và duy trì khả năng tấn công các mục tiêu được xác định trên biển và trên đất liền, buộc các đơn vị hải quân và không quân Pakistan phải ở thế phòng thủ trong các cảng hoặc gần bờ biển của họ", hải quân Ấn Độ tuyên bố.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố "giành chiến thắng" sau khi một lệnh ngừng bắn được công bố vào ngày 10/5, giúp hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thoát khỏi bờ vực chiến tranh.

Lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào tối 10/5, sau nhiều ngày leo thang căng thẳng, đỉnh điểm là việc cả hai bên phóng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các căn cứ quân sự trọng yếu của đối phương, mức độ căng thẳng nhất trong nhiều thập niên qua.

Ông chủ Nhà Trắng ngày 11/5 tiếp tục gửi lời chúc mừng tới hai quốc gia vì đã "có đủ sức mạnh, sự khôn ngoan và ý chí để nhận thức rõ rằng đã đến lúc chấm dứt hành vi thù địch, vốn có thể dẫn tới thương vong và tàn phá nghiêm trọng".

Mỹ đóng vai trò lớn trong việc làm trung gian cho lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Marco Rubio và Phó Tổng thống JD Vance được cho là đã trực tiếp tham gia 48 giờ đàm phán ngoại giao căng thẳng với hai quốc gia, cuối cùng thuyết phục được họ hạ vũ khí vào ngày 10/5. Các nước khác như Ả rập Xê út và Anh cũng được ghi nhận đã góp phần trong tiến trình này.

Trước đó, ông Vance từng tuyên bố rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào tình hình leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan, cho rằng đây là chuyện không liên quan. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, quan điểm này đã thay đổi sau khi cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo rằng cuộc xung đột có nguy cơ leo thang thành mối đe dọa hạt nhân toàn diện.

Vai trò chủ động của Mỹ trong lệnh ngừng bắn, bao gồm cả các cuộc điện đàm trực tiếp từ Tổng thống Trump, được cho là đã khơi dậy sự quan tâm đặc biệt của ông đối với tiểu lục địa Nam Á, và ông cam kết sẽ tăng cường đáng kể thương mại với cả Ấn Độ và Pakistan.

Ấn Độ, Pakistan đều tuyên bố chiến thắng

Ấn Độ triển khai tàu sân bay tới gần Pakistan - 2

Một nhà dân ở Ấn Độ bị hư hại do giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan (Ảnh: Reuters).

Ấn Độ và Pakistan đều coi lệnh ngừng bắn là một "chiến thắng", làm bùng lên làn sóng chủ nghĩa dân tộc ở cả hai bên biên giới.

Tại Pakistan, các cuộc diễu hành đã được tổ chức gần biên giới để rải hoa lên người các binh sĩ. Thủ tướng Shehbaz Sharif đã gọi ngày 11/5 là "ngày ghi nhận sự đáp trả của lực lượng vũ trang trước hành vi gây hấn gần đây từ phía Ấn Độ".

Trên báo Dawn của Pakistan, nhà bình luận Baqir Sajjad gọi lệnh ngừng bắn là một "chiến thắng có tính toán" của Pakistan, khi "kiên quyết bác bỏ ưu thế quân sự cũng như quyền kiểm soát câu chuyện ngoại giao mà một Ấn Độ mạnh hơn tìm cách áp đặt".

Các bữa tiệc ăn mừng và mít tinh đã được tổ chức trên khắp đất nước, đặc biệt là tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, nơi từng là tuyến đầu của nhiều tuần pháo kích xuyên biên giới căng thẳng.

Ông Raja Farooq Haider Khan, cựu lãnh đạo khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, đã dẫn đầu một cuộc tuần hành ăn mừng gần biên giới tranh chấp ở Kashmir. "Hôm nay, chúng tôi tôn vinh lòng dũng cảm của lực lượng vũ trang, những người đã bảo vệ chúng tôi," ông nói.

Ông cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổng thống Donald Trump vì đã giúp giải quyết xung đột. "Lần này, chúng tôi đã rất gần với chiến tranh, sự can thiệp của ông ấy là điều rất đáng hoan nghênh. Nhưng chúng tôi cũng phải nói rằng nếu vấn đề Kashmir không được giải quyết một cách lâu dài, hòa bình sẽ không thể bền vững trong khu vực", ông nhấn mạnh.

Sahad, một cư dân ở thung lũng Neelum thuộc khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, cho biết những ngày qua là quãng thời gian đáng sợ nhất trong cuộc đời cô. "Không ai có thể vui hơn chúng tôi, những người sống dưới bóng các đồn biên phòng và hứng chịu đạn pháo từ phía Ấn Độ. Ai cũng vui mừng khi cuộc sống bình thường quay trở lại", cô chia sẻ.

Phía biên giới của Ấn Độ cũng diễn ra các hoạt động ăn mừng. Người dân sống gần khu vực tranh chấp cho biết dù lệnh ngừng bắn là điều đáng hoan nghênh, tuy nhiên, nó không giải quyết được gốc rễ của cuộc xung đột đẫm máu kéo dài giữa Ấn Độ và Pakistan về vùng Kashmir, vốn bắt nguồn từ cuộc chia tách Ấn Độ vào năm 1947.

Ông Lal Din, 55 tuổi, cư dân ở Poonch, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất dọc biên giới Kashmir thuộc Ấn Độ, nơi hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy và hàng chục người thiệt mạng do đạn pháo xuyên biên giới, cho biết người dân Kashmir đã quá quen với tình cảnh này, những lệnh ngừng bắn tạm thời do các cường quốc thế giới làm trung gian.

"Vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết, binh lính vẫn chĩa súng và xe tăng vào nhau. Hôm nay là một cuộc xung đột, ngày mai lại là một cuộc khác, và tiếng súng sẽ lại vang lên, giam hãm những người dân như tôi trong làn đạn. Chúng tôi chỉ là những con số trong sự đối đầu giữa hai quốc gia hạt nhân. Tôi cầu xin cả hai bên hãy giải quyết bất đồng, sống trong hòa bình, và để chúng tôi được sống", ông tha thiết bày tỏ.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tuyên bố "tiếng gầm của lực lượng vũ trang Ấn Độ đã vang tới Rawalpindi, trụ sở của quân đội Pakistan".

Ông cho biết chiến dịch quân sự, có tên là Chiến dịch Sindoor, "không chỉ là một hành động quân sự mà còn là biểu tượng cho ý chí chính trị, xã hội và chiến lược của Ấn Độ".

Trong cuộc họp báo hôm 11/5, quân đội Ấn Độ cho biết họ đã gửi thông điệp qua "đường dây nóng" với Pakistan, nhấn mạnh nếu còn xảy ra hành vi khiêu khích xuyên biên giới, họ sẽ đáp trả một cách quyết liệt và rõ ràng.

Cũng trong buổi họp báo, phát ngôn viên quân đội Ấn Độ đã cung cấp thêm thông tin về cuộc tấn công nhằm vào Pakistan và tuyên bố chính Pakistan là bên đầu tiên đề nghị ngừng bắn.

Ấn Độ cho biết 5 binh sĩ của họ đã thiệt mạng do hỏa lực từ phía Pakistan, đồng thời khẳng định Pakistan đã mất khoảng 40 binh sĩ trong các đợt giao tranh dọc đường kiểm soát. Ngoài ra, phía Ấn Độ còn tuyên bố đã tiêu diệt 100 phần tử khủng bố đang cư trú ở bên kia biên giới. Tuy nhiên, các con số này chưa được xác minh.

Ấn Độ cũng cho biết thêm đã "bắn rơi một số máy bay của Pakistan", song không đưa ra thêm chi tiết. 

Khi được hỏi về các tuyên bố từ Pakistan, vốn đã được các chuyên gia xác minh qua mảnh vỡ, rằng tên lửa Pakistan đã bắn rơi ít nhất 3 máy bay chiến đấu của Ấn Độ hôm 7/5, trong đó có cả chiến đấu cơ Rafale trị giá hàng triệu USD mua từ Pháp, phía Ấn Độ đáp rằng "tổn thất là một phần của xung đột" và tất cả các phi công của họ đã trở về an toàn.

Trước đó, sau nhiều tuần căng thẳng leo thang, các cuộc tấn công đã bắt đầu vào ngày 7/5, khi tên lửa Ấn Độ đánh trúng 9 địa điểm tại Pakistan, khiến 31 người thiệt mạng. 

Ấn Độ tuyên bố các đòn tấn công nhắm vào "cơ sở hạ tầng khủng bố và các trại huấn luyện khủng bố" để trả đũa một vụ tấn công tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào cuối tháng trước. Vụ việc khiến 25 du khách theo đạo Hindu và một hướng dẫn viên thiệt mạng mà Ấn Độ cáo buộc do các phần tử cực đoan được Pakistan hậu thuẫn thực hiện.

Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi Ấn Độ cáo buộc Pakistan thực hiện hai đêm liên tiếp tấn công bằng máy bay không người lái.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/an-do-trien-khai-tau-san-bay-toi-gan-pakistan-a326673.html