Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Bà Karin Kneissl, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Áo và là người đứng đầu Trung tâm quan sát địa chính trị về các vấn đề then chốt của Nga (GORKI), một trung tâm nghiên cứu tại Đại học bang St. Petersburg, cho rằng đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với chính quyền Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ là một sự nhượng bộ, phản ánh bản chất của ngoại giao thực sự, chứ không phải sự cưỡng ép.
Trước đó, Tổng thống Putin đề nghị Ukraine tái khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ mà Kiev đã đơn phương từ bỏ vào năm 2022. Nhà lãnh đạo Nga muốn gặp phía Ukraine tại Istanbul vào ngày 15/5, đồng thời cho biết Moscow sẵn sàng quay lại bàn đàm phán mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, hai nước đã tiến hành đàm phán tại Belarus vào tháng 3/2022, sau đó là cuộc họp tại Istanbul vào ngày 29/3/2022.
Trong các cuộc đàm phán tại Istanbul, các phái đoàn đã ký tắt một dự thảo thỏa thuận, trong đó nêu rõ cam kết của Ukraine về vị thế trung lập, không liên kết và cam kết không triển khai vũ khí nước ngoài, bao gồm vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, Ukraine đã đơn phương dừng các cuộc đàm phán. Người đứng đầu phái đoàn Ukraine, David Arakhamia, sau đó thừa nhận điều này xảy ra theo đề xuất của Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson.
Liên quan tới đề xuất đàm phán mới nhất, chủ nhân Điện Kremlin cho biết, Moscow "quyết tâm đàm phán nghiêm túc" với Kiev và đặt mục tiêu loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây ra xung đột để đạt được hòa bình lâu dài.
Bà Kneissl đề cập đến những nỗ lực của các nhà bình luận phương Tây nhằm mô tả đề xuất đàm phán của Tổng thống Putin là phản ứng đối với "tối hậu thư do liên minh các nước tự nguyện" đưa ra trong cuộc họp tại Kiev vào ngày 10/5.
"Không có "ngoại giao cưỡng ép". Chỉ có một hình thức ngoại giao: đó là đối thoại trực tiếp bất chấp mọi khó khăn. Đó là những gì Moscow đề xuất. Đó là một sự nhượng bộ khi nói chuyện với giới lãnh đạo chính trị hiện tại của Ukraine, những người đã hết nhiệm kỳ cách đây một thời gian. Và những người không bao giờ muốn đối thoại với giới lãnh đạo Nga", bà Kneissl nhấn mạnh.
Đồng thời, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Áo lưu ý rằng cả lệnh trừng phạt quy mô lớn hay việc NATO cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine đều không thể "đánh bại Nga và phá hủy nền kinh tế của nước này".
Trước khi Tổng thống Putin đưa ra đề xuất đàm phán, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã tập trung tại Kiev vào ngày 10/5 để tham gia các cuộc họp cấp cao với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Sau đó, Tổng thống Zelensky thông báo các lãnh đạo tham gia cuộc họp đã nhất trí rằng lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện phải bắt đầu vào thứ Hai, ngày 12/5, và kéo dài ít nhất 30 ngày.
Ông Zelensky cảnh báo nếu Moscow từ chối lệnh ngừng bắn, các lệnh trừng phạt mạnh hơn sẽ được áp dụng đối với các lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Nga.
Năm 2022, Tổng thống Zelensky đã ban bố sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Putin. Moscow liên tục lên án quyết định này của Kiev, cho rằng chính sắc lệnh này đã cản trở cơ hội hòa đàm, chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.
Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình bất cứ lúc nào. Moscow cũng khẳng định đang tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột, chứ không phải là giải pháp tạm thời. Nga phản đối đề xuất ngừng bắn 30 ngày của Ukraine vì lo ngại Kiev sẽ sử dụng lệnh ngừng bắn này để tái vũ trang và tập hợp lại quân đội.
Phái đoàn Nga, Ukraine đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3/2022 (Ảnh: Getty).
Trước khi đưa ra đề xuất đàm phán trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin đã tuyên bố 3 lệnh ngừng bắn, bao gồm lệnh ngừng bắn 30 ngày đối với các cơ sở hạ tầng năng lượng vào tháng trước, lệnh ngừng bắn vô điều kiện dịp lễ Phục sinh và lệnh ngừng bắn 72 giờ dịp Ngày Chiến thắng vừa mới hết hạn. Phía Nga cho rằng đây là hành động thiện chí, nhưng cáo buộc Ukraine liên tiếp vi phạm các lệnh ngừng bắn này.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/5 cho biết, đề xuất của Tổng thống Putin về việc tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với chính quyền Kiev đã cho thấy ý định thực sự của Moscow là tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Đây là một đề xuất rất nghiêm túc, xác nhận ý định thực sự là tìm ra giải pháp hòa bình", ông Peskov nói thêm.
"Một nền hòa bình lâu dài chỉ có thể đạt được thông qua các cuộc đàm phán nghiêm túc, và sự sẵn sàng cho các cuộc đàm phán này đã được tổng thống Nga thể hiện và chứng minh", người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.
Theo ông Peskov, giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine là một quá trình phức tạp và đòi hỏi nhiều hơn so với việc ký kết một văn bản.
"Giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine là một việc rất khó khăn. Điều này không chỉ đơn thuần là ký vào một văn bản và tuyên bố đó là một thỏa thuận. Đó là một quá trình giải quyết xung đột với đầy đủ các chi tiết nhỏ nhất. Và mỗi chi tiết này đều vô cùng quan trọng đối với cả Nga và Ukraine", ông Peskov nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC News.
Ông Vladimir Yakushev, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang, Tổng thư ký Hội đồng của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất, nhận định đề xuất của Tổng thống Putin về việc nối lại đàm phán với Kiev tiếp tục hướng tới mục tiêu loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Đề xuất của tổng thống chúng tôi về việc nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine theo hình thức ở Istanbul - mà không có bất kỳ điều kiện bổ sung nào - tiếp tục hướng tới mục tiêu loại bỏ toàn diện các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine. Và phần lớn thế giới đánh giá cao đề xuất của nhà lãnh đạo Nga", ông Yakushev cho biết.
Theo ông Yakushev, sáng kiến hòa bình của Tổng thống Nga đã được đưa ra kịp thời và thông điệp của sáng kiến này rất đơn giản - Nga không tìm kiếm "một nền hòa bình tạm thời" và sẵn sàng thực hiện các biện pháp đảm bảo chắc chắn mà Moscow mong đợi từ những bên tham gia khác trong tiến trình này.
Ông nói thêm rằng Nga thể hiện rõ sự sẵn sàng hành động hướng tới mục tiêu đạt được hòa bình bền vững, không phải bằng lời nói mà thông qua thực tiễn và lựa chọn cách tiếp cận khách quan để giải quyết vấn đề.
Đề xuất đàm phán của Tổng thống Putin đã nhận được sự ủng hộ và hoan nghênh từ nhiều nhà lãnh đạo thế giới.
Sau đề xuất của Tổng thống Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tái khẳng định Ukraine mong đợi một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và lâu dài từ Nga bắt đầu từ ngày 12/5, đồng thời tuyên bố rằng ông sẽ đích thân chờ Tổng thống Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5 để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hối thúc Ukraine "ngay lập tức" chấp thuận đề xuất đàm phán trực tiếp vô điều kiện do Nga đưa ra.
Theo ông Trump, các cuộc đàm phán trực tiếp được đề xuất ít nhất sẽ giúp làm rõ lập trường của các bên trong cuộc xung đột và cho thấy liệu có thể đạt được thỏa thuận hay không.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tổ chức cuộc đàm phán tiềm năng giữa Nga và Ukraine trong những ngày tới.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/ong-putin-de-xuat-dam-phan-nuoc-co-ngoai-giao-thao-ngoi-xung-dot-ukraine-a326655.html