Phản ứng quốc tế khi Nga đề xuất đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine

() - Đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Nga và Ukraine nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Phản ứng quốc tế khi Nga đề xuất đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/5 đề nghị bắt đầu các cuộc đàm phán vô điều kiện với Ukraine ngay ngày 15/5 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ nhân Điện Kremlin cho biết, Moscow "quyết tâm đàm phán nghiêm túc" với Kiev và đặt mục tiêu loại bỏ tận gốc nguyên nhân gây ra xung đột để đạt được hòa bình lâu dài.

"Chúng tôi đang chuẩn bị đàm phán nghiêm túc với Ukraine. Mục tiêu là loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và đạt được hòa bình lâu dài theo quan điểm lịch sử", ông Putin cho biết.

Ông cũng nói thêm rằng: "Chúng tôi không loại trừ khả năng trong quá trình đàm phán này, chúng tôi sẽ có thể nhất trí về một số loại lệnh ngừng bắn mới. Một lệnh ngừng bắn thực sự sẽ được Nga và cả phía Ukraine tuân thủ và sẽ là bước đầu tiên, hướng tới một nền hòa bình lâu dài, bền vững, thay vì là khúc dạo đầu cho cuộc xung đột vũ trang tiếp theo sau khi lực lượng vũ trang Ukraine đã được tái vũ trang, tái trang bị và đào chiến hào và thành trì mới".

Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Chúng tôi đã đưa ra đề xuất. Quyết định hiện tùy thuộc vào chính quyền Ukraine và những người bảo trợ của họ... Tôi xin nhắc lại: Nga sẵn sàng đàm phán mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tổ chức cuộc đàm phán tiềm năng giữa Nga và Ukraine trong những ngày tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hối thúc Ukraine "ngay lập tức" chấp thuận đề xuất đàm phán trực tiếp vô điều kiện do Nga.

Theo ông, các cuộc đàm phán trực tiếp được đề xuất ít nhất sẽ giúp làm rõ lập trường của các bên trong cuộc xung đột và cho thấy liệu có thể đạt được thỏa thuận hay không.

"Tổng thống Nga Putin không muốn thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine mà muốn gặp nhau vào ngày 15/5 tại Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán về khả năng chấm dứt xung đột. Ukraine nên đồng ý ngay lập tức", ông bình luận trên mạng xã hội Truth Social.

Ông nhấn mạnh: "Nếu rõ ràng là không thể đạt được thỏa thuận, các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ sẽ biết mọi thứ đang ở đâu và sẽ hành động tùy theo tình hình"

Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tái khẳng định Ukraine mong đợi một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và lâu dài từ Nga bắt đầu từ ngày 12/5 và tuyên bố rằng ông sẽ đích thân chờ Tổng thống Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5 để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng.

Về phía châu Âu, các nước ủng hộ Ukraine khẳng định không có cuộc đàm phán nào có thể bắt đầu nếu không có lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện.

"Để đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi, Nga đã đề xuất các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu từ ngày 15/5. Tuy nhiên, thế giới đang chờ đợi một quyết định rõ ràng về lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện. Ukraine đã sẵn sàng. Không còn nạn nhân nào nữa!", Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã viết trên mạng xã hội.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết: "Hôm qua tại Kiev, chúng tôi và các đối tác kêu gọi ngừng bắn trong 30 ngày để tạo không gian cho các cuộc đàm phán. Ukraine đã đồng ý mà không có nếu hoặc nhưng. Chúng tôi hy vọng Moscow sẽ đồng ý ngừng bắn. Điều này là cần thiết trước khi bắt đầu một cuộc đối thoại thực sự. Các cuộc đàm phán không thể bắt đầu cho đến khi vũ khí ngừng triển khai".

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Keith Kellogg, cũng nói rằng: "Như Tổng thống Trump đã nhiều lần nói, hãy chấm dứt sự chết chóc. Trước tiên là ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày và trong thời gian đó, tiến tới các cuộc thảo luận hòa bình toàn diện. Không phải ngược lại".

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/phan-ung-quoc-te-khi-nga-de-xuat-dam-phan-hoa-binh-truc-tiep-voi-ukraine-a326653.html