Nước Nga kế thừa truyền thống tốt đẹp để vững bước trên đường phát triển

() - Nước Nga xây dựng nền kinh tế dựa trên công nghệ cao, phục hồi và phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng, đưa Nga trở thành một trong những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Những thiệt hại trong chiến tranh

Phát xít Đức tấn công Liên Xô vào đúng ngày thành phố Pêtrograd (Sank - Peterburg) có "đêm trắng" 22/6/1941. Chỉ trong vòng 4 tháng, quân phát xít đã tiến sâu vào nội địa hàng nghìn km. Vùng bị phát xít Đức chiếm đóng là một vùng rộng lớn, với 88 triệu dân (chiếm 45% dân số Liên Xô khi đó).

Đây là vùng có nền kinh tế công - nông nghiệp phát triển. Về công nghiệp, sản lượng than chiếm 63% sản lượng toàn Liên Xô, riêng than cốc chiếm 74%; xi măng 52%, gang 68%, thép 58%...

Về nông nghiệp, diện tích gieo trồng chiếm 47% tổng diện tích toàn Liên Xô, sản lượng lúa mì chiếm 38%, đàn lợn chiếm 60%; đại gia súc chiếm hơn 38%...

Nước Nga kế thừa truyền thống tốt đẹp để vững bước trên đường phát triển - 1

Hồng quân Liên Xô bảo vệ Moskva năm 1941 (Ảnh: RIA Novosti).

Phát xít Đức đã phá hủy 1.710 thành phố, thị trấn, 70.000 làng mạc, 6 triệu ngôi nhà, khiến 25 triệu người không còn chỗ ở.

Tổn thất công nghiệp (bị phá hủy hoặc bị vận chuyển về Đức): 31.850 nhà máy, 175.000 máy cắt gọt kim loại, 62 cơ sở luyện kim (gang, thép), 213 lò mác-tanh, 45.000 máy dệt các loại...

Tổn thất về nông nghiệp (bị cướp bóc, phá hủy): 1.876 nông trường quốc doanh (40% tổng số nông trường), 98.000 nông trang tập thể (hơn 50% tổng số nông trang), 3.000 trạm máy kéo, 49.000 máy gặt đập liên hợp…

Hệ thống giao thông, bưu điện, cơ sở hạ tầng, bệnh viện, trường học bị phá hủy nghiêm trọng.

Tổng thiệt hại tính bằng giá trị (đồng rúp cũ, giá năm 1941) là 679 tỷ rúp. Các khoản mất mát về lợi nhuận do chiến tranh gây ra lên tới con số khổng lồ 1.890 tỷ rúp (giá năm 1941).

Tính chung 2/3 tổng tài sản của Liên Xô bị phát xít Đức phá hủy hoặc vận chuyển về nước Đức. Hơn 20 triệu sinh linh đã ngã xuống.

Liên Xô phục hồi kinh tế sau chiến tranh

Ngay sau khi phát xít Đức đầu hàng (9/5/1945), Liên Xô đã đặt ra nhiệm vụ khẩn thiết khôi phục, hàn gắn lại vết thương chiến tranh. Khôi phục kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu được thực hiện ở từng vùng đã được giải phóng với tốc độ cao.

Tháng 3/1946, Xô Viết tối cao Liên Xô thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ 4 (1946 - 1950) về khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân, mà trọng tâm là những vùng bị tàn phá nặng nề; khôi phục và phát triển công nghiệp vượt mức trước chiến tranh với 15 nội dung chủ yếu:

- Phải bảo đảm khôi phục và phát triển nhanh chóng công nghiệp nặng và vận tải đường sắt.

- Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng để nâng cao mức sống vật chất của nhân dân và tạo ra một tình hình dồi dào về hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

- Bảo đảm tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng, không ngừng trong các ngành kinh tế quốc dân.

- Hoàn thành việc cải tổ nền kinh tế quốc dân, tận dụng sản xuất công nghiệp quốc phòng để không ngừng tăng cường sức mạnh kinh tế của đất nước.

- Tăng cường khả năng phòng thủ và trang bị cho các lực lượng vũ trang Liên Xô những vũ khí tối tân nhất.

- Bảo đảm tốc độ tích lũy cao cho những công trình đầu tư của trung ương để khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân trong kế hoạch 5 năm và huy động vào sản xuất những nhà máy đã được cải tạo hoặc xây dựng mới.

- Cải tạo và xây dựng mới đô thị và nông thôn, tăng nhanh số nhà ở, tổ chức quy mô rộng lớn việc sản xuất các nhà lắp ghép, giúp đỡ công nhân, nông dân và trí thức tự xây nhà riêng.

- Vượt mức trước chiến tranh về thu nhập quốc dân và về mức tiêu dùng của dân cư.

- Tăng cường lực lượng lao động cho công nghiệp và vận tải bằng cách cải tiến tổ chức lao động, bảo đảm các điều kiện lao động tốt, tăng thêm cán bộ kỹ thuật có trình độ cao.

- Tăng năng suất lao động bằng cách sử dụng đầy đủ thời gian lao động, thực hiện cơ giới hóa.

- Khôi phục và mở rộng hệ thống giáo dục từ sơ học đến đại học, cải tiến việc đào tạo nhân lực bằng cách tăng cường đội ngũ công nhân hậu bị và bảo đảm dạy nghề cho các lớp công nhân mới.

- Cải tiến tổ chức công tác bảo vệ sức khỏe, bảo đảm không ngừng nâng cao nền văn hóa nghệ thuật xô viết.

- Tăng dự trữ vật tư, dự trữ nhà nước trong nền kinh tế quốc dân để chấm dứt tình trạng giảm sút sản xuất theo thời vụ và khắc phục những khó khăn khác.

- Củng cố lưu thông tiền tệ và tín dụng, đề cao vai trò của lãi suất và hạch toán kinh tế trong nền kinh tế quốc dân.

- Phát huy tính chủ động của các nước cộng hòa liên bang trong việc cải tạo và phát triển lực lượng sản xuất; tăng cường và phát triển nền kinh tế quốc dân của các nước cộng hòa liên bang trong hệ thống kinh tế quốc dân Liên Xô.

Mặc dù bị tổn thất vô cùng to lớn về người và của trong chiến tranh thế giới thứ 2 do phát xít Đức gây ra, nhưng sau khi hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ 4, Liên Xô đã căn bản phục hồi được nền kinh tế bằng và cao hơn trước chiến tranh.

Đời sống của dân cư được nâng cao, tổng diện tích nhà ở khu vực thành thị đạt 513 triệu mét vuông, nhiều hơn năm 1940 tới 92 triệu mét vuông.

Nước Nga kế thừa truyền thống tốt đẹp để vững bước trên đường phát triển - 2

Quảng trường đỏ ở Moscow, Nga (Ảnh: Sputnik).

Nước Nga vững mạnh ngày nay

Những khó khăn của thập niên cuối cùng của thế kỷ XX với nước Nga là vô cùng lớn. Tổng sản phẩm quốc nội năm 1990 giảm 2 lần so với khi bắt đầu cải tổ - năm 1985, ngành chế tạo máy giảm 60%, công nghiệp nhẹ giảm 70%, thu nhập quốc dân giảm 2,5 lần. Nhiều ngành sản xuất, nhất là các xí nghiệp công nghệ cao có nguy cơ hoàn toàn bị phá hủy...

Nhưng nước Nga cũng bắt đầu hồi sinh từ đây. Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, nước Nga đã đạt được những thành tựu to lớn. Nước Nga đã xây dựng nền kinh tế dựa trên công nghệ cao và tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao trong nền kinh tế đã chiếm 1/3 GDP vào năm 2018.

Nước Nga kế thừa truyền thống tốt đẹp để vững bước trên đường phát triển - 3

Quân nhân, khí tài Nga diễn tập cho lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 - 9/5/2025) (Ảnh: Reuters).

Liên bang Nga đã phục hồi và phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng do nhà nước quản lý trên cơ sở 50 công ty công nghiệp quốc phòng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu, chế tạo và sản xuất các loại vũ khí, trang bị hiện đại nhất.

Công nghiệp quốc phòng không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Nga mà còn xuất khẩu, đưa Nga trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu và có uy tín nhất thế giới.

Nga đã xuất khẩu vũ khí cho 65 quốc gia và ký hiệp định hợp tác kỹ thuật quân sự với 89 quốc gia khác.

Nga đã trở thành nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới với nhiều dự án lớn, xuất khẩu năng lượng, như "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", "Dòng chảy phương Bắc-2" xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, "Dòng chảy Siberi" xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Nước Nga đã xây dựng thành công và đưa vào sử dụng các nhà máy điện nguyên tử với công nghệ an toàn nhất thế giới...

Nước Nga kế thừa truyền thống tốt đẹp để vững bước trên đường phát triển - 4

Kinh tế Nga lọt top thứ 4 thế giới (Ảnh: AFP).

Với sự bứt tốc ngoạn mục, toàn diện của nền kinh tế và nền quốc phòng vững mạnh - hiện đại, trong báo cáo Triển vọng kinh tế Thế giới, ngày 22/10/2024, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã xếp hạng nước Nga là nền kinh tế ở vị trí thứ 4 thế giới dựa trên sức mua tương đương (PPP).

 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2024 đã chiếm 3,55% GDP toàn cầu theo PPP, vượt lên Nhật Bản, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Một nước Nga kế thừa truyền thống tốt đẹp của lịch sử đã tiến bước vững mạnh và hùng cường.

TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

Tư liệu sử dụng trong bài viết:

Kinh tế quốc dân Liên Xô 50 năm 1922-1972

Lịch sử Liên Xô trên ảnh (Thông tấn No-vốt-ni 1984).

Thông tin những vấn đề lý luận (phục vụ cán bộ lãnh đạo), số 19 năm 1995.

Tạp chí Cộng sản Điện tử, ngày 16/9/2019.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/nuoc-nga-ke-thua-truyen-thong-tot-dep-de-vung-buoc-tren-duong-phat-trien-a326485.html