Không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan: J-10C tạm dẫn trước Rafale

() - Rạng sáng 7/5 đã xảy ra trận không chiến lịch sử giữa không quân Ấn Độ và Pakistan. Trọng tâm của cuộc đối đầu này là 2 trong số những tiêm kích thế hệ 4,5 tiên tiến nhất ở Nam Á: Rafale và J-10C.

Không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan: J-10C tạm dẫn trước Rafale - 1

Tiêm kích Rafale Ấn Độ (bên trái) đọ sức với chiến đấu cơ J-10C Pakistan (Ảnh: Indomiliter).

"Cuộc không chiến" giữa máy bay chiến đấu Pakistan và Ấn Độ, mà các quan chức Pakistan cho biết đã bắn hạ 5 chiếc của Ấn Độ, là một trận đọ sức "lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử không quân gần đây".

Tổng cộng 125 chiến đấu cơ đã quần nhau kịch liệt trong hơn 1 giờ, không máy bay bên nào rời khỏi không phận của mình, các cuộc đấu tên lửa không đối không diễn ra ở khoảng cách đôi khi xa hơn 160km.

Trọng tâm của cuộc đối đầu này là 2 trong số máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 tiên tiến nhất ở Nam Á: Dassault Rafale do Pháp chế tạo và Chengdu J-10C xuất xứ từ Trung Quốc. Mỗi máy bay đại diện cho một triết lý riêng biệt trong không chiến hiện đại. Trong đó, J-10C của Pakistan được cho là đang tạm dẫn 3-0 trước Rafale của Ấn Độ.

Rafale, hai động cơ và cánh tam giác, được tối ưu hóa cho hiệu suất đa nhiệm. Nó được trang bị hai động cơ phản lực Snecma M88-2, đạt tốc độ lên tới Mach 1,8, có bán kính chiến đấu vượt quá 1.850km.

Điểm mạnh của máy bay nằm ở hệ thống hợp nhất cảm biến và khả năng sống sót, đặc biệt là radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) RBE2-AA và bộ tác chiến điện tử SPECTRA, cung cấp khả năng phát hiện mối đe dọa và các biện pháp đối phó 360 độ. Rafale cũng được trang bị tên lửa MBDA Meteor, một loại vũ khí không đối không ngoài tầm nhìn (BVR) nguy hiểm nhất thế giới, với tầm bắn hơn 150km.

Đối đầu với nó là J-10 - cái tên nổi bật trong nỗ lực hiện đại hóa gần đây của Pakistan. Máy bay chiến đấu đa năng một động cơ này, được trang bị động cơ WS-10B, đạt tốc độ Mach 2 và có hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số.

Không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan: J-10C tạm dẫn trước Rafale - 2

Tiêm kích Rafale Ấn Độ (bên trái) đọ sức với chiến đấu cơ J-10C Pakistan (Ảnh: Dailypakistan).

J-10C kết hợp radar AESA KLJ-7A và tương thích với tên lửa không đối không tiên tiến nhất của Trung Quốc: PL-15.

J-10C không chỉ là máy bay chiến đấu tấn công hạng nhẹ mà còn là nền tảng được thiết kế để đánh bại các đối thủ ở ngoài tầm nhìn với phương thức dẫn đường bằng radar.

Tên lửa PL-15 đã trở thành trọng tâm của cuộc tranh luận xung quanh cuộc giao tranh này.

Được phát triển bởi Viện nghiên cứu quang điện tử Lạc Dương, tên lửa PL-15 được trang bị động cơ nhiên liệu rắn và được cho là có phạm vi hoạt động từ 200 đến 300km. Nó có một đầu dò radar chủ động để dẫn đường pha cuối và dẫn đường quán tính với các bản cập nhật liên kết dữ liệu giữa hành trình.

Thiết kế của nó nhấn mạnh vào việc vô hiệu hóa mọi biện pháp đối phó điện tử tinh vi và bắn hạ các vũ khí trên không có giá trị cao, chẳng hạn như máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS).

Các nhà phân tích coi sự tồn tại của PL-15 là phản ứng trực tiếp đối với các mối đe dọa từ tên lửa BVR của phương Tây như AIM-120D và Meteor, và về mặt lý thuyết, nó có thể sánh ngang hoặc vượt trội hơn về tầm bắn.

Nếu một chiếc J-10C được trang bị PL-15 thực sự vô hiệu hóa được một chiếc Rafale trong chiến đấu, thì ý nghĩa mà nó mang lại là rất đáng kể, không chỉ cho thấy sự thay đổi về ưu thế trên không chiến thuật mà còn là sự sắp xếp lại rộng hơn về động lực quyền lực trong khu vực.

Trong khi Ấn Độ triển khai một lực lượng không quân đa dạng và vượt trội về số lượng - bao gồm Su-30MKI, MiG-29, Mirage 2000 và máy bay chiến đấu Tejas nội địa - thì các khoản đầu tư tập trung của Pakistan vào tác chiến điện tử và phạm vi tên lửa có thể đã tạo ra khả năng thách thức lợi thế công nghệ của Ấn Độ.

Một kịch bản như vậy cũng báo hiệu sự chuyển đổi của chiến tranh trên không thành một lĩnh vực mà tác chiến điện tử, phạm vi radar và tên lửa quan trọng hơn khả năng không chiến truyền thống.

Giữa bối cảnh đó, tính ưu việt của Rafale về khả năng cơ động và khả năng sống sót khi cận chiến có thể không đủ trong một kịch bản mà phát bắn đầu tiên, khai hỏa từ khoảng cách xa hơn 100km, sẽ quyết định kết quả.

Mặc dù câu chuyện vẫn chưa được chính thức xác nhận, nhưng sự tồn tại của nó trên phương tiện truyền thông là đáng chú ý. Cho đến khi tìm thấy xác máy bay, nhật ký radar được công bố hoặc lời kể của nhân chứng xuất hiện, sự thật về số phận của Rafale vẫn chỉ là suy đoán, bởi đến nay phía Ấn Độ vẫn phủ nhận thông tin do Pakistan công bố.

Tuy nhiên, vụ việc này - có thật hay không - cho thấy sự cạnh tranh công nghệ đang phát triển nhanh chóng giữa Ấn Độ và Pakistan, và cách những chiến đấu cơ như Rafale và J-10C, được trang bị vũ khí như Meteor và PL-15, đang định nghĩa lại ý nghĩa của sự thống trị trên không ở Nam Á thế kỷ 21.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/khong-chien-giua-an-do-va-pakistan-j-10c-tam-dan-truoc-rafale-a326259.html