Tiêm kích J-10C của Pakistan (bên trái) và chiến đấu cơ Rafale Ấn Độ (Ảnh minh họa: Jetline Marvel).
Trận không chiến chưa từng có
"Cuộc không chiến" giữa máy bay chiến đấu Pakistan và Ấn Độ, mà các quan chức Pakistan cho biết đã bắn hạ 5 chiếc của Ấn Độ, là một trong những cuộc "lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử không quân gần đây", một nguồn tin an ninh cấp cao của Pakistan nói với CNN.
Tổng cộng 125 chiến đấu cơ đã quần nhau kịch liệt trong hơn 1 giờ, không máy bay bên nào rời khỏi không phận của mình, các cuộc đấu tên lửa không đối không diễn ra ở khoảng cách đôi khi xa hơn 160km.
Không bên nào sẵn sàng cho phi công của mình vượt qua biên giới vì một cuộc không chiến nhỏ hơn nhiều vào năm 2019. Khi đó, một phi công của Không quân Ấn Độ đã bị bắn hạ trên lãnh thổ Pakistan và bị phát trên TV trước khi được trao trả về Ấn Độ.
Skynews dẫn tuyên bố của Trung tướng Ahmed Sharif, người phát ngôn quân đội Pakistan, cho biết, lực lượng không quân nước này đã bắn hạ 5 máy bay tiêm kích thế hệ 4 rất hiện đại của Ấn Độ. Phía Pakistan tuyên bố, trong đó có 3 chiếc Rafale do Pháp sản xuất cùng 1 Su-30MKI và 1 MiG-29, đều do Nga chế tạo.
Ấn Độ không bình luận về những tuyên bố của Pakistan, nói rằng New Dehli vẫn đang đánh giá tình hình. Tuy nhiên, trước đó giới chức Ấn Độ thừa nhận họ đã mất 3 máy bay nhưng không nêu rõ loại nào.
Theo các nguồn tin, 3 chiến đấu cơ đã rơi xuống các ngôi làng ở vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát và đã có một cuộc đấu súng dữ dội giữa hai bên.
Cảnh sát và người dân cho biết các mảnh vỡ từ một máy bay đã nằm rải rác khắp làng Wuyan ở ngoại ô thành phố chính Srinagar của Kashmir, bao gồm cả một trường học và một khu nhà thờ Hồi giáo.
Một chiếc máy bay khác rơi xuống một cánh đồng trống ở làng Bhardha Kalan. Cư dân địa phương xác nhận nghe thấy những tiếng nổ lớn và nhìn thấy một quả cầu lửa khổng lồ.
"Chúng tôi tìm thấy hai phi công bị thương ở một khoảng cách khá xa. Họ là phi công Ấn Độ và binh lính đã đưa họ đi", ông nói thêm.
Máy bay tiêm kích Rafale của Không quân Ấn Độ (Ảnh: IAF).
"Ngôi sao" nào trên bầu trời Pakistan?
Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Ishaq Dar tiết lộ Không quân Pakistan (PAF) hôm 7/5 đã bắn hạ thành công 5 máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ (IAF), trong đó máy bay chiến đấu J-10C do Trung Quốc chế tạo bắn hạ 3 chiếc Rafale hiện đại bằng tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn PL-15E.
"Lực lượng của chúng tôi có thể đã hạ gục 10 hoặc 12 máy bay. Nhưng có một lệnh nghiêm ngặt, chỉ tấn công những máy bay đã khai hỏa", ông nói.
Tuyên bố của ông Dar đánh dấu sự thừa nhận chính thức cấp cao nhất của chính phủ Pakistan về những gì được mô tả là thành công không chiến lịch sử trong những giờ đầu của cuộc xung đột quân sự leo thang nhanh chóng giữa hai đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân.
CNN cho biết, một quan chức tình báo cấp cao của Pháp đã xác nhận việc bắn hạ ít nhất 1 tiêm kích Rafale do Không quân Ấn Độ vận hành. Sự cố này đánh dấu tổn thất chiến đấu đầu tiên của 1 chiếc Rafale trong bất kỳ cuộc xung đột nào, một "vết đen lớn" trong hồ sơ chiến đấu vốn không tì vết của dòng chiến đấu cơ này.
Cho đến nay, New Delhi vẫn chưa bình luận về cáo buộc mất 5 chiến đấu cơ, bao gồm cả những viên ngọc quý của phi đội máy bay chiến đấu của mình.
Các nguồn tin tình báo Pháp chia sẻ với CNN cũng chỉ ra rằng Paris đang tích cực xem xét các tuyên bố rằng có thể có hơn 1 máy bay Rafale của Ấn Độ đã bị vô hiệu hóa trong cuộc giao tranh.
Trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh được cho là mô tả xác máy bay Rafale bị bắn hạ, với một hình ảnh cụ thể cho thấy mảnh vỡ được đánh dấu bằng số sê-ri BS-001 được phát hiện tại khu vực Aklian Kalan của Bathinda, Punjab trên lãnh thổ Ấn Độ. Phi công của máy bay bị bắn hạ được cho là đã nhảy dù và sống sót, sau đó được đưa đến một cơ sở y tế địa phương.
Đáng chú ý, Bathinda là nơi đóng quân của một trong những phi đội Rafale Ấn Độ, làm tăng thêm độ tin cậy cho tuyên bố rằng máy bay đã hoạt động từ căn cứ đó trong suốt cuộc giao tranh. Đặc biệt hơn, chiếc Rafale mang số sê-ri BS-001 là máy bay đầu tiên được giao cho Ấn Độ theo thỏa thuận năm 2016 với Pháp.
Thất bại của dòng máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trong biên chế Không quân Ấn Độ đã khiến các khách hàng phải xem xét lại khả năng sống sót trên chiến trường của Rafale, đặc biệt là sau khi máy bay này chứng kiến nhu cầu tăng vọt trong những năm gần đây trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông, nơi nó được quảng bá mạnh mẽ.
Liệu sự cố này có ảnh hưởng đến đà tăng trưởng doanh số và tiếp thị quốc tế của Dassault Aviation hay không vẫn còn phải chờ xem.
Ngay sau các tuyên bố thắng lợi của Pakistan, cổ phiếu của Chengdu Aircraft Corporation (CAC) - công ty hàng không vũ trụ Trung Quốc sản xuất J-10C - đã tăng vọt 20%, cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư về thành tích không chiến của dòng máy bay tiêm kích này.
Tiêm kích J-10C của Không quân Pakistan (Ảnh: AFP)
CAC cũng là nhà sản xuất chiến đấu cơ JF-17 "Thunder" hợp tác với Pakistan Aeronautical Complex (PAC), một máy bay đóng vai trò trung tâm trong chương trình phát triển sức mạnh không quân nội địa của Islamabad.
Ngược lại, giá cổ phiếu của Dassault Aviation đã giảm khoảng 1,40% sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rộng rãi về những tổn thất chiến đấu được cho là của Rafale.
Thỏa thuận năm 2016 của Ấn Độ mua 36 máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp có giá trị ước tính là 8,8 tỷ USD, tương đương khoảng 91 triệu đô la Mỹ cho mỗi chiếc.
Khi tính đến các sửa đổi theo yêu cầu của Ấn Độ, các gói vũ khí tiên tiến, phụ tùng dự trữ và gói hỗ trợ 5 năm, chi phí cho mỗi máy bay được dự kiến vào khoảng 218 triệu USD.
Điều chỉnh theo lạm phát tính đến năm 2025, các nhà phân tích ước tính rằng chi phí thực tế cho mỗi chiếc hiện vọt lên tới 289 triệu USD, đặt ra câu hỏi về giá trị hiệu suất trong bối cảnh tổn thất trên chiến trường.
Trong khi đó, Pakistan đã đưa vào biên chế lô máy bay chiến đấu J-10C đầu tiên do Trung Quốc chế tạo vào ngày 4/3/2022, với 6 máy bay đến Căn cứ Không quân Minhas ở Kamra và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 11/3 năm đó.
Những máy bay này thuộc biên chế phi đội "Cobras" số 15 và đại diện cho một yếu tố quan trọng trong phản ứng chiến lược của Pakistan đối với việc mua Rafale của Ấn Độ.
J-10C là máy bay phản lực chiến đấu đa năng, được đánh giá đạt chuẩn thế hệ 4,5, có trang bị radar quét mảng pha chủ động (AESA), hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số, bộ tác chiến điện tử tiên tiến và khả năng triển khai tên lửa PL-15 và PL-15E tối tân.
PL-15E là biến thể xuất khẩu của tên lửa không đối không PL-15 có khả năng cao, với tầm bắn giảm khoảng 145km, so với tầm bắn 300km của bản nội địa được Không quân Trung Quốc sử dụng.
Mặc dù thông số kỹ thuật đã giảm đôi chút, PL-15E vẫn được coi là vũ khí không đối không ngoài tầm nhìn thay đổi cuộc chơi, đặc biệt là chống lại các đối thủ vận hành máy bay không có tên lửa tầm xa tương đương.
PL-15 nguyên bản, được cho là có khả năng đạt tốc độ Mach 4, tích hợp một đầu dò radar AESA nhỏ gọn để dẫn đường pha cuối, cho phép nó tự động theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu trên không ngoài tầm nhìn (BVR).
PL-15 được coi rộng rãi là một trong những tên lửa BVR tiên tiến, cạnh tranh với AIM-120D AMRAAM do Mỹ sản xuất và tên lửa Meteor của châu Âu.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng PL-15 và PL-15E mang lại cho Pakistan lợi thế giao tranh tầm xa, đặc biệt là ở các không phận có tranh chấp.
Ưu thế này buộc các đối thủ như Ấn Độ phải hiệu chỉnh lại chiến thuật trên không của các phi đội Su-30MKI, Rafale và Mirage 2000 của họ để tránh bị tiêu hao sớm trong không chiến.
Sự kết hợp giữa radar AESA, liên kết dữ liệu hai chiều và động cơ nhiên liệu rắn cho phép tên lửa bay tốc độ cao trên toàn bộ hành trình, cải thiện khả năng bắn trúng các mục tiêu giá trị cao và có khả năng cơ động phức tạp.
Khả năng liên kết dữ liệu kép của nó cho phép thay đổi mục tiêu giữa hành trình, mang lại cho máy bay sự linh hoạt để thích ứng với các điều kiện chiến đấu đang thay đổi theo thời gian thực.
Với chiều dài khoảng 4m, khối lượng 200kg và tốc độ tối đa cực nhanh, PL-15 đại diện cho một bước tiến đáng kể trong công nghệ tên lửa đang định hình lại động lực của chiến tranh trên không trên khắp châu Á.
Trong một diễn biến có khả năng làm gia tăng mối quan ngại của Ấn Độ, PAF gần đây đã công bố hình ảnh chính thức về máy bay chiến đấu JF-17 "Thunder" được trang bị tên lửa PL-15 lần đầu tiên - báo hiệu ý định chuẩn hóa các khả năng BVR tiên tiến trên toàn bộ đội bay chiến đấu của mình.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/he-lo-cuoc-khong-chien-cua-125-tiem-kich-pakistan-ha-5-may-bay-an-do-a326216.html