Khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, dự kiến sẽ có hàng nghìn trụ sở công dôi dư . Theo ông, nên xử lý khối tài sản công như thế nào để tránh lãng phí và thất thoát?
-Theo tôi, cần thành lập một cơ quan chuyên trách - có thể là một Ủy ban hoặc Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, được trao quyền rõ ràng bởi Thủ tướng Chính phủ - để rà soát và đưa ra phương án xử lý toàn bộ tài sản công dôi dư.
Ủy ban này có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đề xuất giải pháp cụ thể cho từng trường hợp. Quan trọng là cơ chế ra quyết định phải nhanh, rõ ràng, đảm bảo không để tài sản nằm phơi mưa, phơi nắng, xuống cấp nghiêm trọng như đã từng xảy ra.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Xử lý vấn đề trụ sở dôi dư, cần phải có rà soát cụ thể xem nơi nào có thể tiếp tục được sử dụng, nơi nào có thể chuyển đổi mục đích sử dụng và nơi nào cần bán đấu giá. Với thực tế hiện nay, nếu thiếu một đầu mối điều phối, rất dễ dẫn đến tình trạng “ cha chung không ai khóc ”.
Với những trụ sở đang xây dựng dở, nếu còn phù hợp thì tiếp tục hoàn thiện để sử dụng. Ngược lại, không phù hợp, không còn nhu cầu sử dụng thì xem xét chuyển đổi công năng cho các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, y tế, hoặc tổ chức đấu giá.
Có một thực tế trong việc sắp xếp đất công thời gian qua là chỗ nào có sức hấp dẫn đối với các đơn vị tư nhân để chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở thì được thực hiện rất nhanh, còn không chuyển đổi được thì lại thường rơi vào tình trạng bỏ hoang .
Vì vậy, cần có cơ chế rõ ràng và quyết liệt trong việc sắp xếp trụ sở công dôi dư. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải ý thức rằng, tài sản công cũng cần được quản lý như tài sản của chính mình: phải được khai thác, duy tu, tận dụng để sinh lời hoặc phục vụ xã hội.
Có một thực tế là, nhiều trụ sở của tỉnh Hà Tây sau khi sáp nhập vào Hà Nội, rồi chuyển giao cho các cơ quan trung ương quản lý đến giờ vẫn bỏ hoang. Ông bình luận sao về việc này?
- Đây là một trong những nghịch lý lớn trong quản lý đất công hiện nay. Cơ quan trung ương sử dụng đất, nhưng thẩm quyền quản lý lại thuộc về địa phương - dẫn đến “lệnh không nghe, việc không chạy”.
Chính quyền tỉnh không thể yêu cầu “mạnh” cơ quan trung ương trả lại trụ sở bỏ hoang để thành phố bố trí sử dụng vào mục đích khác. Muốn giải quyết triệt để vấn đề này, cần sự can thiệp từ cấp cao hơn - cụ thể là Chính phủ hoặc các cơ quan trung ương có quyền ra quyết định trực tiếp. Chỉ như vậy, việc sắp xếp mới thực sự hiệu quả.
Đấu giá trụ sở dôi dư, tạo nguồn vốn phục vụ phát triển

Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương
Với việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện và sáp nhập cấp xã, dự kiến số lượng trụ sở công dôi dư rất lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu sắp xếp sử dụng hiệu quả các trụ sở này thì sẽ có thêm nguồn lực lớn để phát triển. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Có thể nói, sắp xếp trụ sở công dôi dư không đơn thuần là xử lý bất động sản, mà là cơ hội để “khai thông” một nguồn lực to lớn phục vụ phát triển quốc gia.
Cụ thể, vừa rồi, tôi có dự một cuộc thảo luận về sắp xếp các đơn vị hành chính, theo tính toán của các chuyên gia, tổng giá trị từ trụ sở công, đất công lớn lắm, nếu tổ chức đấu giá bán cho tư nhân, có khi dư thừa nguồn lực để làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hay xây dựng thêm những công trình như sân bay Long Thành. Đây là những hạ tầng mà chúng ta mong muốn từ lâu, nhưng bố trí nguồn lực để thực hiện rất khó khăn.
Do đó, thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính là cơ hội để chúng ta sắp xếp lại nguồn lực tài sản công, từ đó đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Xin cảm ơn ông!