Đọ sức đặc nhiệm Ấn Độ và Pakistan: "Kẻ tám lạng, người nửa cân"

() - Khu vực đang xảy ra giao tranh giữa không quân Ấn Độ và Pakistan có địa hình chủ yếu là núi cao nên nếu xung đột lan rộng trên bộ, các đơn vị biệt kích, nhất là đặc nhiệm sơn cước sẽ rất hữu dụng.

Đọ sức đặc nhiệm Ấn Độ và Pakistan: Kẻ tám lạng, người nửa cân - 1

Đặc nhiệm Ấn Độ và Pakistan đọ sức, ai sẽ giành chiến thắng? (Ảnh minh họa: Dr M Azam Raza Tabassum).

Đặc nhiệm là đội quân tinh nhuệ được đào tạo bài bản với nhiều kỹ năng chuyên biệt, có khả năng tác chiến mạnh mẽ, để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt về chính trị, quân sự của quốc gia.

Họ được chuyên môn hóa theo cách có thể độc lập ứng phó mọi mối đe dọa và thực hiện nhuần nhuyễn các hành động tác chiến, sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị, bao gồm cả khả năng mạng, trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái và một số công nghệ hiện đại để hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao phó.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang, không loại trừ khả năng xảy ra cuộc chiến cục bộ ở khu vực Kashmir có địa hình chủ yếu là núi cao và khí hậu lạnh giá. Với điều kiện khắc nghiệt như vậy, rất có thể các đơn vị biệt kích, nhất là đặc nhiệm sơn cước của quân đội cả hai bên sẽ là những người tham chiến đầu tiên. Cuộc đối đầu chắc chắn sẽ nảy lửa.

Đặc nhiệm quân đội Pakistan

Trong biên chế quân đội Pakistan, lực lượng nổi tiếng nhất là Bộ tư lệnh Tác chiến đặc biệt (SSG) được thành lập vào năm 1955, trụ sở chính nằm ở Tarbela thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa. 

Trong thành phần SSG có một đơn vị sơn cước chuyên tác chiến ở vùng cao, thời tiết lạnh như sông băng Siachen. Ngoài ra, Trường Sơn cước của quân đội Pakistan (AHAS) có trụ sở tại Rattu Cantonment cũng đào tạo chuyên biệt về các hoạt động tác chiến trong môi trường đặc thù này.

Đặc nhiệm sơn cước Pakistan nói riêng và SSG nói chung thường được so sánh với các đơn vị tinh nhuệ như Lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ và SFSG của quân đội Anh.

Các chiến đấu viên của họ sở hữu kỹ năng cận chiến hoàn hảo bằng tay không hoặc tấn công có vũ trang, sử dụng thành thạo hầu hết mọi loại vũ khí để bắn nhanh và chính xác khi làm nhiệm vụ sâu trong hậu phương của đối thủ, đảm bảo rằng chỉ cần một nhóm nhỏ cũng đủ để gây ra thiệt hại lớn.

Họ thường mặc quân phục ngụy trang theo họa tiết rừng của Mỹ, tuy nhiên, có thể tùy biến theo từng nhiệm vụ và địa hình khác nhau.

Qua thử lửa trong Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1965, lực lượng đặc nhiệm Pakistan đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Nhiều sĩ quan tinh nhuệ của SSG được đào tạo bởi đặc nhiệm Mỹ từ những năm 1960, mối quan hệ hợp tác này vẫn tiếp tục trong suốt Chiến tranh Lạnh và sau đó là trong Chiến tranh Afghanistan.

Nhờ kinh nghiệm dày dặn từ các cuộc xung đột với Ấn Độ, các hoạt động trên sông băng Siachen, sự tham gia vào Chiến tranh Afghanistan và các nỗ lực chống khủng bố, SSG được công nhận rộng rãi là một trong những đơn vị lực lượng đặc biệt tốt nhất thế giới.

Việc đào tạo của SSG rất nghiêm ngặt, đặc biệt chú trọng vào việc trang bị cho các chiến đấu viên khả năng chủ động độc lập. Các quân nhân thuộc SSG đều là những người tình nguyện từ các đơn vị quân đội Pakistan khác. Các sĩ quan phải có ít nhất 2 năm phục vụ trong quân đội và nếu được chọn, họ sẽ được phân công làm việc trong 3 năm tại SSG.

Những người lính nhập ngũ, bao gồm cả sĩ quan chỉ huy, sẽ phục vụ lâu dài tại SSG miễn là họ có thể theo kịp chế độ luyện tập thể chất khắc nghiệt.

Tất cả các học viên đều trải qua khóa đào tạo cơ bản kéo dài 9 tháng tại Cherat. Nhưng không nhiều người trụ lại được đến khi tốt nghiệp bởi phần lớn bị "rơi rụng" do chế độ luyện tập có cường độ cao và yêu cầu nghiêm ngặt.

Khóa học SSG cơ bản nhấn mạnh vào việc rèn luyện thể chất khắc nghiệt, bao gồm các cuộc hành quân 58km bắt buộc (sau các bài tập), phải hoàn thành trong 12 giờ. Các ứng viên SSG cũng phải chạy 8km trong vòng chưa đầy 40 phút với đầy đủ trang thiết bị.

Vào cuối khóa học kéo dài 9 tháng này, tất cả các ứng viên SSG phải tham gia và vượt qua khóa đào tạo nhảy dù kéo dài 4 tuần tại trường huấn luyện không quân ở Peshawar. Sau đó, các thành viên SSG sẽ nhận được chiếc mũ nồi màu nâu đỏ đầy vinh quang.

Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu, bởi sau khi hoàn thành khóa đào tạo cơ bản, những người mới được tuyển dụng sẽ trải qua khóa đào tạo nâng cao, kéo dài thêm 25 tuần. Chỉ khi kết thúc hai giai đoạn khắc nghiệt này họ mới chính thức trở thành thành viên không thể thiếu của SSG.

Đối với đặc nhiệm sơn cước, các chiến đấu viên sẽ được đào tạo chuyên sâu để thực hiện các nhiệm vụ trên sông băng Siachen.

Tóm lại nhờ được đào tạo nghiêm ngặt về cả chiến thuật chiến tranh quy ước và phi truyền thống, các chiến đấu viên SSG trải qua quá trình rèn luyện thể chất và tinh thần chuyên sâu, đảm bảo họ luôn ở đỉnh cao của sự sẵn sàng.

Hơn nữa, với lịch sử phong phú bắt nguồn từ việc tham gia vào các hoạt động bí mật trong cuộc xung đột Kashmir, SSG đã liên tục điều chỉnh và mở rộng năng lực của mình.

Đọ sức đặc nhiệm Ấn Độ và Pakistan: Kẻ tám lạng, người nửa cân - 2

Quân đội hai nước Ấn Độ và Pakistan đang đứng trước nguy cơ đối đầu trực tiếp quy mô lớn (Ảnh minh họa: Defencexp).

Các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất Ấn Độ

Lực lượng đặc nhiệm Ấn Độ luôn đóng vai trò chính ngay từ đầu các cuộc chiến tranh. Họ có danh sách dài các nhiệm vụ và kinh nghiệm hoạt động thành công khi họ tiếp tục thích nghi với các xu hướng toàn cầu mới nổi, tập trung vào chiến tranh phi chính quy, nhấn mạnh vào các hoạt động chung, sử dụng công nghệ tiên tiến và cung cấp hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Có 3 lực lượng đặc nhiệm hàng đầu thuộc quân đội Ấn Độ, gồm:

Lực lượng đặc nhiệm thủy quân lục chiến (MARCOS)

MARCOS, là một trong những Lực lượng đặc nhiệm hàng đầu tại Ấn Độ, được Hải quân Ấn Độ thành lập vào năm 1987. Họ trải qua hoạt động trinh sát đặc biệt, chiến tranh đổ bộ, hành động trực tiếp và chống khủng bố.

Họ trải qua khóa đào tạo nghiêm ngặt trong 3 tuần sau khi các binh sĩ hoàn tất chương trình đào tạo cơ bản kéo dài 10 tuần.

Sau đó, các chiến binh được đào tạo nâng cao, nơi họ học các kỹ năng đặc biệt, chẳng hạn như sử dụng vũ khí, chiến đấu trên các địa hình khác nhau để thực hiện các nhiệm vụ hoạt động đặc biệt chống khủng bố, trinh sát và giám sát đặc biệt, hỗ trợ các hoạt động đổ bộ và các hoạt động lặn và các hoạt động bí mật khác trong lãnh thổ của đối phương.

Trung đoàn đặc nhiệm dù (PARA-SF)

PARA-SF được thành lập vào tháng 6/1966 và là đơn vị Lực lượng đặc biệt lớn nhất của Ấn Độ. Trung đoàn dù được huấn luyện bài bản này chuyên triển khai binh lính nhanh chóng để họ có thể tấn công đối phương từ phía sau, thực hiện một số nhiệm vụ, bao gồm: giải cứu con tin, chống khủng bố - nổi loạn, trinh sát, tiến hành các hoạt động đặc biệt và hành động trực tiếp bất cứ khi nào cần thiết.

Lực lượng biệt kích Garud thuộc không quân

Đây là một đơn vị khác xứng đáng được nhắc đến trong danh sách Lực lượng đặc biệt hàng đầu tại Ấn Độ, có khả năng đa nhiệm lớn hơn so với đặc nhiệm PARA và Thủy quân Lục chiến.. Đơn vị này thuộc Bộ tư lệnh Không quân Ấn Độ (IAF), được thành lập vào năm 2004 chuyên thực hiện các hoạt động cứu hộ trong thảm họa, đảm bảo các nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động trên không và bảo vệ các căn cứ sân bay quan trọng.

Các ứng viên đủ điều kiện phải trải qua khóa đào tạo cơ bản kéo dài 52 tuần. Trong khóa đào tạo này, họ sẽ được huấn luyện về khả năng sinh tồn, đào tạo hoạt động đặc biệt, đào tạo không quân cơ bản và nhiều kỹ năng khác.

Lực lượng Garud thực hiện các nhiệm vụ thời bình bao gồm, bảo vệ các căn cứ không quân và các mục tiêu dễ bị tấn công khác khỏi các cuộc tấn công khủng bố; giải cứu con tin, chống không tặc và chống khủng bố; chế áp phòng không của đối phương; Thực hiện kiểm soát chiến đấu, phá hủy radar và hỗ trợ tên lửa và đạn dược là những vai trò quan trọng mà họ thực hiện trong thời chiến.

Ngoài ra, họ còn đảm bảo viện trợ trong các thảm họa thiên nhiên; giải cứu các phi công bị bắn rơi ở lãnh thổ đối phương, cung cấp dịch vụ quản lý không lưu cho các căn cứ không quân và xây dựng các căn cứ không quân ở các khu vực thù địch.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/do-suc-dac-nhiem-an-do-va-pakistan-ke-tam-lang-nguoi-nua-can-a326143.html