Binh sĩ Ấn Độ, Pakistan tại trạm kiểm soát chung ở biên giới Wagah, gần Lahore, Pakistan vào năm 2019 (Ảnh minh họa: Reuters).
Ấn Độ đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào những mục tiêu mà nước này mô tả là "cơ sở hạ tầng khủng bố" tại Pakistan và các khu vực do Pakistan kiểm soát ở Kashmir vào rạng sáng 7/5.
Chính phủ Ấn Độ tuyên bố các đòn tấn công là hành động đáp trả vụ tấn công khủng bố tại Pahalgam (vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát) hồi tháng 4 khiến 26 dân thường thiệt mạng, phần lớn là người Ấn Độ. New Delhi cáo buộc chính quyền Pakistan đứng sau vụ việc, điều mà Islamabad mạnh mẽ bác bỏ.
Chiến dịch của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng những căng thẳng leo thang suốt nhiều tuần giữa hai quốc gia có thể bùng phát thành xung đột vũ trang.
Pakistan đã đáp trả bằng pháo binh và tuyên bố bắn hạ một số chiến đấu cơ của Ấn Độ. Vậy cuộc đụng độ giữa hai cường quốc hạt nhân này sẽ đi về đâu?
Theo chuyên gia Srujan Palkar, học giả nghiên cứu về Ấn Độ tại Hội đồng Đại Tây Dương, hiệp ước về nguồn nước có thể là lối thoát cho 2 quốc gia.
Theo ông Palkar, đây không phải là một cuộc tấn công bất ngờ. Trong các chiến dịch quân sự như vậy, tính dự đoán và quy luật là yếu tố quan trọng.
Ấn Độ đã thông báo trước với các nhà ngoại giao từ Nhóm G20 và các nước khác. Ngay sau các vụ tấn công, Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định không có ý định leo thang. Với lịch sử hành động có tính toán và các cuộc vận động ngoại giao dày đặc trong hai tuần sau vụ khủng bố, khả năng Ấn Độ tiếp tục leo thang hay huy động quân sự quy mô lớn là rất thấp.
Phản ứng của giới lãnh đạo Pakistan, gọi hành động của Ấn Độ là tuyên chiến, cũng nằm trong kịch bản quen thuộc, chuyên gia trên nhận định, dựa vào những diễn biến đã xảy ra trong những cuộc đụng độ trước đó giữa 2 nước.
Ông cho rằng, Mỹ có thể đóng vai trò trung gian để giúp 2 nước đối thoại.
Một cách tiếp cận cụ thể là đàm phán lại Hiệp ước Nước sông Indus ký từ năm 1960, vốn không tính đến thực trạng biến đổi khí hậu và công nghệ hiện đại. Hiệp ước này không có điều khoản rút lui hay cơ chế tái đàm phán, nên cần sự thiện chí từ cả hai bên. Nếu được tái khởi động, vấn đề nước có thể từ mối căng thẳng trở thành cơ hội đối thoại.
Hiệp ước Nước sông Indus là một thỏa thuận song phương được ký kết năm 1960 giữa Ấn Độ và Pakistan, dưới sự trung gian của Ngân hàng Thế giới, nhằm phân chia việc sử dụng nguồn nước từ hệ thống sông Indus, một mạng lưới sông lớn và quan trọng ở Nam Á, chảy qua cả hai nước.
Trong khi đó, chuyên gia Manal Fatima từ Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng xung đột giữa 2 nước cho thấy mức độ mong manh và bất ổn trong an ninh khu vực Kashmir.
Bà cho rằng, các cuộc đụng độ trong quá khứ và hiện tại gây ảnh hưởng tới quyền lợi và điều kiện sống của người dân ở Kashmir.
Bà cảnh báo, một cuộc chiến toàn diện sẽ không đem lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Pakistan sẽ bị áp lực bởi tình hình kinh tế, còn Ấn Độ, đang muốn vươn lên như cường quốc kinh tế, không thể chấp nhận bất ổn.
Trong một khu vực có vũ khí hạt nhân, mọi leo thang, dù cố ý hay vô tình, đều có hậu quả khó lường.
Bà nhận định, Mỹ đang thể hiện vai trò trung gian khá tích cực. Ngoại trưởng Marco Rubio đã liên lạc với cả New Delhi và Islamabad để kêu gọi hạ nhiệt.
Bà cho rằng, Mỹ cần sử dụng mọi công cụ ngoại giao, cùng với Anh, Ả rập Xê út và các nước có ảnh hưởng trong khu vực, để giải quyết cuộc khủng hoảng tiềm ẩn này.
Trong khi đó, ông Alex Plitsas của Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft, dự đoán, khả năng xung đột tiếp tục leo thang là "thấp" sau các cuộc tấn công có kiểm soát.
Ông nhận định, 2 bên tới nay vẫn chọn cách tiếp cận tương đối kiềm chế, ngăn rủi ro có thể làm cho xung đột bùng nổ. Ông cho rằng, với sự tác động từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Liên hợp quốc cả hai bên đều có mong muốn không đẩy sự việc đi quá xa. Các kênh ngoại giao vẫn mở, và lịch sử cho thấy các vụ tấn công tương tự như vậy có thể được hạ nhiệt bằng các biện pháp chính trị - ngoại giao sau đó.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/cang-thang-an-do-pakistan-leo-thang-kich-ban-co-the-xay-ra-tiep-theo-a326109.html