Kế hoạch sống còn của Ukraine nếu Mỹ rút viện trợ

() - Nếu Mỹ không tiếp tục chuyển giao vũ khí, Ukraine sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng - một kịch bản mà họ cần sẵn sàng đối phó.

Kế hoạch sống còn của Ukraine nếu Mỹ rút viện trợ - 1

Binh sĩ Ukraine bốc dỡ vũ khí do Mỹ viện trợ (Ảnh minh họa: AFP).

Nguy cơ Mỹ chấm dứt viện trợ

Vào một buổi chiều đầy nắng gần mặt trận phía Đông, một đội pháo binh Ukraine đang trưng bày kho dự trữ pháo D-30 của họ. Đạn là loại 152mm, cỡ nòng của Liên Xô, nhưng nhà sản xuất không phải Liên Xô. Các vỏ đạn hoàn toàn mới.

Khi Mỹ đóng băng viện trợ quân sự mới cho Ukraine, Kiev đã tự sản xuất và mua vũ khí, đôi khi là do chính họ thực hiện, đôi khi là nhờ sự hậu thuẫn của các đồng minh, để chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho ngày mà nguồn viện trợ quân sự quan trọng của Mỹ chấm dứt.

Với các gói viện trợ cuối cùng của Mỹ được phê duyệt từ thời cựu Tổng thống Joe Biden dự kiến hết hạn trước mùa hè, kịch bản đó đang dần trở thành hiện thực.

Nhiều người coi thỏa thuận khoáng sản bị trì hoãn từ lâu được ký kết trong tuần này giữa Kiev và Washington là một con đường tiềm năng để mở khóa nguồn cung vũ khí mới của Mỹ. Nhưng thỏa thuận này không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào về an ninh hay viện trợ từ Mỹ.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo với quốc hội về ý định phê duyệt xuất khẩu vũ khí trị giá ít nhất 50 triệu USD cho Ukraine, nhưng Ukraine và các đồng minh châu Âu biết rằng sự hỗ trợ của Mỹ sẽ không kéo dài mãi mãi.

Mykola Bielieskov, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia có trụ sở tại Kiev, nói với Telegraph: "Tôi đoán rằng có một điều mà mọi người bỏ qua khi thảo luận về viện trợ của Mỹ hiện nay".

Chuyên gia này lập luận: "Trong mọi kịch bản, cuối cùng Mỹ cũng sẽ chấm dứt viện trợ, ngay cả khi Ukraine chấp nhận khuôn khổ hòa bình của Mỹ. Vậy thì việc đồng ý với một thỏa thuận (khoáng sản) như vậy có ý nghĩa gì nếu không còn viện trợ nữa?"

Nếu Mỹ không tiếp tục chuyển giao vũ khí, Ukraine sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Mức độ nghiêm trọng chính xác vẫn là ẩn số lớn. Đây là một phương trình phức tạp mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các trợ lý của ông đã nỗ lực giải quyết kể từ năm 2023.

Kế hoạch sống còn­ của Ukraine

Sau cuộc phản công mùa hè thất bại và sự tấn công của Nga từ Avdiivka, Kiev đã đưa ra quyết định: dựa vào chính mình. Điều này đặt nền móng đầu tiên cho một chiến lược được xây dựng để sinh tồn. Không giống các đối tác phương Tây, Ukraine đặt mục tiêu vào dài hạn.

 "Chiến trường thay đổi sau mỗi 6 tháng, đó là điều khiến cuộc chiến này khác biệt so với những cuộc chiến khác. Tốc độ đổi mới giúp chúng ta có lợi thế hơn đối phương", Oleksandr Yarmak, một trung sĩ trong lực lượng hệ thống không người lái của quân đội Ukraine, cho biết. 

Súng và đạn pháo của Mỹ vẫn quan trọng, nhưng không còn quyết định cuộc chiến nữa. Máy bay không người lái của Ukraine đã thay thế phần lớn vị trí của chúng.

Năm ngoái, Ukraine đã sản xuất hơn 2 triệu máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất và hàng nghìn chiếc khác được thiết kế để tấn công các mục tiêu có giá trị cao bao gồm kho dự trữ đạn dược và kho dầu ở khoảng cách lên tới 1.700km tương đương khoảng cách từ London (Anh) đến Warsaw (Ba Lan).

Sử dụng kho vũ khí mới gồm các phương tiện không người lái, Ukraine đang xây dựng một vùng sát thương dọc theo tiền tuyến, làm tê liệt hậu cần của Nga và làm chậm bước tiến của họ. Đây là một trong những lý do tại sao lực lượng tấn công của Nga gần đây ở miền Đông Ukraine đã chững lại.

Tuy nhiên, một thách thức lớn với Ukraine là làm thế nào để duy trì nguồn tài chính cho các hoạt động quân sự.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, vào năm 2024, khoảng 30% sản lượng quốc phòng của Ukraine do Mỹ tài trợ, 30% do châu Âu và phần còn lại do chính Ukraine tài trợ.

Khi chính sách của Nhà Trắng ngày càng trở nên khó đoán, Kiev và các đồng minh cần phải hành động.

Châu Âu ưu tiên tìm kiếm cho Ukraine nguồn cung tên lửa và hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, Washington đang cản trở việc mua sắm quân sự, do đó, cơ hội mua sắm thực tế của Kiev là rất thấp.

Các giải pháp thay thế là hệ thống của Pháp và Italy cần radar tốt hơn để giúp Ukraine bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc tấn công của Nga.

Nhưng chỉ tăng cường phòng không là chưa đủ. Các nước đồng minh quyết định giải quyết vấn đề thông qua "mô hình Đan Mạch": tài trợ trực tiếp cho hoạt động sản xuất quốc phòng trong nước của Ukraine.

Một số nước đã đưa ra kế hoạch sử dụng tài sản đóng băng của Nga để hỗ trợ duy trì hoạt động của ngành quốc phòng Ukraine.

Rẻ hơn, nhanh hơn và không qua trung gian, mô hình này cho phép Kiev mở rộng quy mô sản xuất trong nước với tốc độ mà không nhà cung cấp phương Tây nào có thể sánh kịp

Dữ liệu gần đây cho thấy Kiev hiện sản xuất 36 pháo tự hành mỗi tháng, gấp 3 lần trước kia. Khoảng 85% linh kiện của các pháo tự hành này được sản xuất tại Ukraine.

Một chiến lược khác của Ukraine là đưa các công ty quốc phòng nước ngoài trực tiếp vào nước này, biến chiến trường thành công xưởng.

Công ty BAE Systems của Anh hiện sửa chữa xe bọc thép và lựu pháo cho Ukraine. Công ty Rheinmetall của Đức, nơi sản xuất nhiều đạn pháo 155mm trên toàn cầu hơn cả nước Mỹ, cũng có kế hoạch mở các cơ sở mới tại Ukraine để bảo dưỡng xe tăng Leopard và các hệ thống pháo của Đức.

Mặc dù vậy, các đồng minh châu Âu vẫn khó lấp đầy khoảng trống nếu Mỹ chấm dứt hoàn toàn hỗ trợ Ukraine, đặc biệt ở lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo và phòng không.

Sự phụ thuộc của Ukraine vào các loại đạn dược tầm xa khan hiếm và đắt tiền cũng là một hạn chế. Kiev đang chạy đua để chế tạo một thế hệ tên lửa nội địa mới, nhưng họ "chưa sẵn sàng" cho một chiến dịch dài hạn, bền vững.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/ke-hoach-song-con-cua-ukraine-neu-my-rut-vien-tro-a325958.html