Chủ tịch nước Lương Cường và Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng - Ảnh: ĐĂNG HUY
Chủ tịch nước Lương Cường bắt tay Đức Pháp chủ Thích Trí Quảng - Ảnh: ĐĂNG HUY
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trò chuyện cùng phó pháp chủ, chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Thiện Nhơn - Ảnh: ĐĂNG HUY
Đoàn kết, bao dung
Tại lễ khai mạc, đại lão hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đọc thông điệp Phật đản Vesak.
Thông điệp có đoạn: "Trong Đại lễ Vesak năm nay, chúng ta vô cùng diễm phúc được cung thỉnh
Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Trí Quảng - Ảnh: GIÁC NGỘ ONLINE
Trong giáo lý của Phật giáo, triết lý đoàn kết và bao dung là hai yếu tố cốt lõi thể hiện tinh thần từ bi, trí tuệ và hướng đến hạnh phúc an lạc chung của cộng đồng, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc.
Đoàn kết - Sammagga được xem là nền tảng trong sự phát triển và tồn tại của cộng đồng nhân loại. Trong kinh Tăng chi bộ (Anguttara Nikaya), Đức Phật dạy rằng một tập thể đoàn kết, không chia rẽ, biết lắng nghe và hành động trên tinh thần đồng thuận thì sẽ trường tồn và thịnh vượng.
Giáo hội chúng ta và cộng đồng Phật giáo thế giới được xây dựng trên nguyên tắc sống lục hòa tạo nên một tập thể tăng đoàn thanh tịnh, một cộng đồng sống an vui và vững mạnh.
Bao dung - Ksanti hay Khanti là nhẫn nhục, tha thứ, là một biểu hiện của từ bi và trí tuệ. Phật giáo không cổ súy sự phán xét hay thù hận, mà khuyên răn con người biết tha thứ, cảm thông, thấu hiểu người khác, ngay cả khi họ sai lầm.
Kinh Pháp cú số 5 dạy rằng "lấy hận thù diệt hận thù, đời này không thể có. Lấy tình thương diệt hận thù, là điều muôn thuở đúng".
Đoàn kết và bao dung không chỉ là học thuyết đạo đức Phật giáo, mà còn mãi là kim chỉ nam cho những suy nghĩ, lời nói, và hành động của con người để xây dựng xã hội an hòa, ít xung đột, tràn ngập thương yêu".
Tôn trọng tự do, tín ngưỡng của người dân
Trong phát biểu chào mừng, Chủ tịch nước Lương Cường nêu chủ đề Đại lễ Vesak năm nay có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn, càng có ý nghĩa sâu sắc vì diễn ra sau lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Ông nói nhà nước luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2025 - Ảnh: BTC
"Với vai trò là nước chủ nhà, chúng tôi mong và tin Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại Việt Nam lần này sẽ thành công tốt đẹp; các đại biểu sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích, tham gia đóng góp tích cực đối với các nội dung theo chủ đề của đại lễ; đồng thời có những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Đức Phật dạy, hòa bình thật sự đến từ nội tâm thanh tịnh, vì vậy chỉ có vun đắp hòa bình thông qua sự chuyển hóa niềm tin của từng cá nhân, từ đó dẫn đến chuyển hóa niềm tin của toàn xã hội.
Tôi đề nghị, chúng ta cần đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần vô ngã - vị tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng" - Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu dự lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc lần thứ 20 - Ảnh: ĐĂNG HUY
Trong lễ khai mạc, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - phó pháp chủ, chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc gia Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 - phát biểu chào mừng.
"Nhìn lại chặng đường lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam tự hào đã góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với ngọn lửa trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức và biết bao các thế hệ tăng ni, phật tử đã dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chặng đường lịch sử hào hùng 50 năm qua cho chúng ta thấy rõ con đường phát triển mà dân tộc Việt Nam đang đi là con đường của sự đoàn kết, của sự bao dung và của một xã hội mà mỗi người đều được sống trong hòa bình, hạnh phúc và an lạc" - hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc PhraBrahmapundit đánh giá cao công tác tổ chức của Việt Nam. Hòa thượng cho rằng ICDV tổ chức Đại lễ Vesak hằng năm để cùng nhau bàn về các vấn đề nội tại của thế giới, khuyến khích các cộng đồng Phật giáo thế giới gắn kết, học hỏi lẫn nhau, cùng phát triển.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/chu-tich-nuoc-du-khai-mac-dai-le-vesak-2025-de-cao-tinh-than-vo-nga-vi-tha-a325900.html