Sau 50 năm,
Thế giới đang bước vào thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), còn gọi là kỷ nguyên AI, khi các công nghệ AI đang được tích hợp rộng rãi trên nhiều khía cạnh của xã hội và kinh tế.
Nhiều quốc gia và tập đoàn công nghệ lớn đang chạy đua đầu tư phát triển AI khi thị trường này được dự báo có thể lên tới hàng nghìn tỉ USD. Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua này?
Tại TP Tân An, tỉnh Long An, việc phạt nguội vi phạm an toàn giao thông được cơ quan công an triển khai từ tháng 10-2023 với hơn 100 camera được lắp đặt tại 22 vị trí giao thông trọng điểm. Các camera này đều được tích hợp nền tảng nhận diện hình ảnh bằng AI VNPT SmartVision của Tập đoàn VNPT.
Các camera tự động ghi nhận hình ảnh vi phạm, truyền về trung tâm giám sát camera của Công an Tân An toàn bộ dữ liệu các hành vi, vi phạm như vượt đèn đỏ, lấn làn, quá tốc độ, dừng đậu xe sai quy định, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm và các hành vi vi phạm khác...
Từ đó công an sẽ xử lý các hành vi vi phạm và thông báo cho chủ xe hoặc người lái xe để giải quyết. Kết quả chỉ sau sáu tháng, Công an Tân An cho biết việc chấp hành pháp luật an toàn giao thông tốt hơn, số lượng vi phạm giảm đến 80%.
TP Tân An (Long An) lắp đặt 121 camera ứng dụng AI cho 22 vị trí giao thông trên các tuyến đường, giúp giảm 80% số vụ vi phạm giao thông - Ảnh: MAI HỒNG
Ngay cả người dân cũng cảm nhận được hiệu quả của camera. Chị Võ Thu Phương (TP Tân An) chia sẻ: "Từ khi có camera giám sát, ý thức của người đi đường được nâng cao.
Trước đây ai ra đường chạy xe muốn dừng, muốn đậu xe ở đâu là tấp vào, rồi cứ quay đầu xe tùy ý... Giờ ai cũng ý thức, nhắc nhở nhau. Nếu không sẽ bị camera ở đâu đó ghi lại rồi nhận quyết định phạt nguội nên ai cũng sợ mà chấp hành".
Trong khi đó, những người dân sống trong nhiều chung cư hiện đại thường được phát thẻ từ để ra vào khu vực chung cư hay đi thang máy. Đây là một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, tránh người lạ ra vào chung cư. Tuy nhiên một bất cập là cư dân luôn phải mang theo thẻ bên mình, rất dễ bị thất lạc...
Trước thực trạng này, Công ty VinBigdata đã phát triển giải pháp kiểm soát ra vào bằng khuôn mặt có tên Vizone Access. Cư dân chỉ cần đăng ký khuôn mặt với ban quản lý là có thể thoải mái ra vào cổng an ninh, dùng thang máy mà không cần phải khư khư đem theo thẻ từ trong người.
Đây là một giải pháp thuộc bộ giải pháp phân tích hình ảnh thông minh ứng dụng công nghệ AI và thị giác máy tính Vizone do chính các kỹ sư VinBigdata phát triển.
VinDr (VinBigdata) trở thành sản phẩm AI cho chẩn đoán X-quang tuyến vú đầu tiên tại Việt Nam được FDA công nhận - Ảnh: ĐỨC HOÀNG
Một ứng dụng AI khác cũng đã được triển khai và có hiệu quả rõ rệt trong cơ quan nhà nước là Hệ thống thông tin báo cáo trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) do Trung tâm dịch vụ dữ liệu và AI Viettel (Viettel AI) phát triển.
Hệ thống mới đã giúp các sở thông tin và truyền thông giảm tải số lượt báo cáo từ 132 báo cáo/năm còn 12 báo cáo/năm, tương đương cắt giảm 7.560 lượt báo cáo/năm.
Dịch vụ định danh khách hàng điện tử Viettel eKYC giải quyết nhanh, tiết kiệm thời gian định danh khách hàng và đảm bảo an toàn, chính xác về dữ liệu - Ảnh: ĐỨC THỌ
Tại hội nghị GenAI Summit 24 được tổ chức ở Việt Nam tháng 8-2024, rất nhiều chuyên gia đầu ngành cả trong và ngoài nước đánh giá Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển AI, nhờ vào thị trường, nguồn nhân lực và hệ sinh thái khởi nghiệp.
"Việt Nam đang ở một vị trí đặc biệt để dẫn đầu sự đổi mới AI trong khu vực Đông Nam Á và hơn thế nữa", ông Nguyễn Đức Toàn, giám đốc quốc gia Google Cloud, nhận định về những lợi thế độc đáo của Việt Nam so với trên thế giới và khu vực.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim dự lễ công bố thành lập Văn phòng AI quốc gia tháng 12-2024 - Ảnh: BERNACCA
Về chính sách hỗ trợ, thị trường Việt Nam đang đón nhận sự trợ lực rất lớn từ Chính phủ, các tập đoàn trong nước như Viettel, Vingroup để có thể đón sóng AI đang "nóng".
TS Lê Viết Quốc, chuyên gia cấp cao từ Google, cho biết: "Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư vào công nghệ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp AI phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế".
Về hệ sinh thái, theo thống kê, Việt Nam đã thu hút được hơn 1 tỉ USD đầu tư vào các start-up công nghệ trong năm 2023.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp đã ở mức trưởng thành tương đương Singapore và Malaysia, cho thấy tiềm năng đổi mới và khả năng tạo ra các giải pháp AI đột phá.
Về nguồn nhân lực tài năng, Việt Nam được nhận định có truyền thống giáo dục tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học và khoa học, tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ke Yong nghe thuyết minh về các sáng kiến AI trong lĩnh vực y tế tại Triển lãm AI trong công nghệ y tế tháng 11-2024 - Ảnh: Reuters
Theo nhận xét của TS Lương Minh Thắng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind: "Sinh viên Việt Nam có niềm đam mê mạnh mẽ với toán học, điều này giúp họ có vị thế tốt để vượt trội trong kỷ nguyên mới của lý luận do AI thúc đẩy".
Sinh viên Việt Nam cũng thường xuyên đạt thành tích cao trong các kỳ thi toán học quốc tế, chứng tỏ khả năng tư duy logic và giải quyết vấn đề - những kỹ năng cần thiết cho việc phát triển AI.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam có sự hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Google cam kết dành 40.000 học bổng Google Career Certificates hay đào tạo 200 công ty khởi nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến AI thông qua chương trình Google AI Startups Masterclass, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp AI.
Việc này không chỉ giúp xây dựng một lực lượng lao động chất lượng cao mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI.
Đặc biệt, TS Vũ Duy Thức, người lấy bằng TS về AI tại Đại học Stanford (Mỹ) và nhà sáng lập OhmniLabs, "bật mí" một lợi thế vô cùng lớn về con người, nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI của Việt Nam là ở các tập đoàn lớn trên thế giới đều đang có người Việt nắm giữ các vị trí quan trọng.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong xây dựng cơ sở hạ tầng AI, thu hút nhân tài đặc biệt trong lĩnh vực toán học và khoa học. Bà Wendy Uyên Nguyễn, đồng sáng lập và chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Rethink Healthcare Foundation, nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo và giáo dục về AI một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nơi AI có thể tạo ra tác động đáng kể.
Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên số với những bứt phá rõ rệt về kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Nhiều thành tựu của một Việt Nam Digital (Việt Nam số) đã được ghi dấu trên bản đồ công nghệ thế giới.
Nguồn: Báo cáo kỹ thuật số của We Are Social công bố tháng 2-2025
Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/dinh-vi-viet-nam-trong-ky-nguyen-ai-viet-nam-digital-a325140.html