Các cuộc xung đột trên toàn cầu đã thúc đẩy các nước tăng chi tiêu quân sự (Ảnh minh họa: Reuters).
Báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 28/4 cho biết chi tiêu quân sự tăng mạnh trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu và Trung Đông, trong bối cảnh các cuộc chiến và căng thẳng leo thang thúc đẩy nhu cầu chi tiêu.
Nhiều quốc gia châu Âu đã chứng kiến mức tăng "chưa từng có tiền lệ" trong ngân sách quốc phòng, theo ghi nhận của báo cáo.
Tính theo giá trị thực, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng 9,4% so với năm 2023, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp chi tiêu quốc phòng toàn cầu gia tăng.
"Đây thực sự là điều chưa từng thấy", nhà nghiên cứu Xiao Liang từ Chương trình Chi tiêu Quân sự và Sản xuất Vũ khí của SIPRI cho biết với AFP.
"Đây là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh", ông nói thêm.
Hơn 100 quốc gia, bao gồm toàn bộ 15 nước có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, đã tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2024.
"Điều này phản ánh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng", ông Liang nhận định. Việc chi tiêu quân sự leo thang được dự báo sẽ "gây ra những tác động xã hội, kinh tế và chính trị sâu rộng".
"Các quốc gia buộc phải đưa ra những lựa chọn đánh đổi trong quyết định ngân sách. Ví dụ, nhiều nước châu Âu đã cắt giảm các khoản chi khác như viện trợ quốc tế để dành ngân sách cho quốc phòng, đồng thời phải tăng thuế hoặc vay nợ để tài trợ", ông nói.
Khu vực châu Âu, bao gồm cả Nga, đóng góp lớn nhất vào mức tăng này, với tổng chi tiêu đạt 693 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước.
Toàn bộ các quốc gia châu Âu, trừ Malta, đều tăng chi tiêu quốc phòng, "đẩy tổng chi tiêu quân sự của châu Âu vượt mức ghi nhận vào cuối Chiến tranh Lạnh", SIPRI cho biết.
Chi tiêu quân sự của Nga đạt 149 tỷ USD năm 2024, tăng 38% so với năm 2023 và gấp đôi so với năm 2015.
Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của Ukraine tăng 2,9%, đạt 64,7 tỷ USD. Tuy nhiên, khoản chi này chỉ tương đương 43% so với ngân sách quốc phòng của Nga, nhưng lại chiếm tới 34% GDP của Ukraine, tỷ trọng cao nhất thế giới.
Chi tiêu quốc phòng của Đức tăng 28%, đạt 88,5 tỷ USD, vượt qua Ấn Độ để trở thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ 4 toàn cầu.
"Đức đã trở thành quốc gia chi tiêu lớn nhất tại Trung và Tây Âu lần đầu tiên kể từ sau khi thống nhất", ông Liang cho biết.
Mỹ, quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, đã tăng 5,7% ngân sách quốc phòng, đạt 997 tỷ USD, chiếm 37% tổng chi tiêu toàn cầu và 66% tổng chi tiêu của các nước NATO.
Tổng chi tiêu quân sự của 32 nước thành viên NATO đạt 1.500 tỷ USD khi tất cả các thành viên đều tăng ngân sách.
"Trong năm 2024, có 18/32 nước NATO đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng bằng 2% GDP, mức cao nhất kể từ khi liên minh được thành lập", ông Liang cho biết.
Một phần sự gia tăng này đến từ viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng cũng phản ánh lo ngại về khả năng Mỹ giảm cam kết với NATO trong tương lai.
"Đã có sự chuyển biến trong chính sách quốc phòng châu Âu, với các kế hoạch mua sắm vũ khí quy mô lớn sẽ diễn ra trong những năm tới", ông Liang giải thích.
Chi tiêu quân sự tại Trung Đông cũng tăng mạnh, ước tính đạt 243 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023.
Tại Israel, trong bối cảnh chiến dịch quân sự ở Gaza tiếp diễn, chi tiêu quốc phòng tăng vọt 65% lên 46,5 tỷ USD trong năm 2024. SIPRI lưu ý đây là "mức tăng hàng năm cao nhất kể từ sau Chiến tranh 6 ngày năm 1967".
Trung Quốc, nước chi tiêu quân sự lớn thứ 2 thế giới, đã tăng ngân sách thêm 7%, đạt khoảng 314 tỷ USD, đánh dấu 30 năm liên tiếp gia tăng.
Trung Quốc, với các chương trình hiện đại hóa quân đội, phát triển năng lực tác chiến mạng và mở rộng kho vũ khí hạt nhân, chiếm một nửa tổng chi tiêu quân sự của khu vực châu Á - châu Đại Dương.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/chi-tieu-quan-su-toan-cau-tang-ky-luc-ke-tu-sau-chien-tranh-lanh-a325030.html