Chính quyền ông Trump trong guồng quay đàm phán với các nước về thuế quan

() - Mỹ và các nước đang chạy đua với thời gian để đàm phán với hi vọng đạt được thỏa thuận thương mại trước thời hạn 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng.

Chính quyền ông Trump trong guồng quay đàm phán với các nước về thuế quan - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Hai tuần sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng cao với các nước và khẳng định sẽ đạt được hàng loạt thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày, đàm phán giữa Mỹ và các nước đang diễn ra với những sắc thái khác nhau ở hậu trường.

Cuộc "cân não" Mỹ - Trung

Sau các đòn đáp trả lẫn nhau, Mỹ hiện áp thuế 145% với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp thuế 125% với hàng hóa Mỹ.

Trong một dấu hiệu xoa dịu căng thẳng, Tổng thống Trump gần đây liên tiếp khẳng định ông tin Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận. Ông cũng cho biết sẽ cân nhắc giảm đáng kể thuế quan đối với Bắc Kinh.

Theo các nguồn thạo tin, một số quan chức Mỹ thừa nhận việc áp thuế cao với Trung Quốc là không bền vững và họ đã vạch ra chiến lược nhằm giảm thuế quan giữa hai nước.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent bác bỏ suy đoán rằng Tổng thống Trump đang cân nhắc đơn phương hạ mức thuế đã áp đặt đối với Bắc Kinh trước bất kỳ cuộc đàm phán nào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông nhấn mạnh bất kỳ động thái nào nhằm giảm căng thẳng thương mại đều cần phải có sự tham gia của cả hai bên.

"Tôi nghĩ hai bên đều tin rằng mức thuế quan hiện tại là không bền vững. Điều này tương đương với lệnh cấm vận, và việc hai nước ngừng giao thương không phù hợp với lợi ích của bất kỳ ai", ông nói.

Mặc dù vậy, Trung Quốc tuyên bố chỉ đàm phán trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

"Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán, họ nên ngừng đe dọa và ép buộc, và tham gia đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi. Nói về việc đạt được thỏa thuận với Trung Quốc trong khi liên tục gây áp lực tối đa lên Trung Quốc không phải là cách đúng đắn để đối phó với Trung Quốc và sẽ không hiệu quả", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun cho biết.

Bắc Kinh cũng phủ nhận đang đàm phán thương mại với Washington. "Trung Quốc và Mỹ chưa tiến hành bất kỳ cuộc tham vấn hay đàm phán nào liên quan đến thuế quan, chứ chưa nói đến việc đạt được thỏa thuận", ông Guo nói.

Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng lại cho biết một số cuộc gặp trực tiếp cấp thấp, cũng như một cuộc điện đàm giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc, đã diễn ra trong tuần này. Tổng thống Trump cũng khẳng định Mỹ và Trung Quốc đang "tích cực" tiến hành các cuộc đàm phán thương mại.

Tuyên bố trái ngược từ Mỹ và Trung Quốc càng cho thấy sự khó đoán định trong quan hệ song phương của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Guồng quay đàm phán với các nước khác

Chính quyền ông Trump trong guồng quay đàm phán với các nước về thuế quan - 2

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (Ảnh: AFP).

Cảnh báo áp thuế của ông Trump khiến chính phủ nhiều nước khẩn trương thúc đẩy đàm phán với Mỹ về việc xóa bỏ thuế quan và các rào cản thương mại khác.

Theo Nhà Trắng, hơn 100 quốc gia đã tiếp cận chính quyền để cố gắng đàm phán các thỏa thuận trong thời gian tạm dừng 90 ngày.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết chính quyền Trump đã nhận được 18 đề xuất bằng văn bản và đội ngũ phụ trách vấn đề thương mại của Mỹ "đã họp với 34 quốc gia chỉ trong tuần này".

"Đang có rất nhiều tiến triển. Thay mặt cho người lao động Mỹ và người dân Mỹ, chúng tôi đang hành động nhanh chóng để đảm bảo những thỏa thuận này được thực hiện", bà Leavitt nói.

Khi được hỏi liệu thuế quan có thực sự hiệu quả không, bà trả lời: "Hãy kiên nhẫn rồi bạn sẽ thấy". Tuy nhiên, việc đàm phán nhiều thỏa thuận cùng lúc đặt ra những thách thức đáng kể cho chính quyền của ông Trump.

Theo một số nguồn thạo tin đàm phán, một trở ngại nữa là các chính phủ nước ngoài nói họ không biết chính xác chính quyền ông Trump thực sự muốn gì. Với những yêu cầu thất thường của ông Trump, họ không chắc rằng các trợ lý của ông có đủ thẩm quyền để đạt được thỏa thuận với họ.

Greta Peisch, một cựu viên chức thương mại hiện là đối tác tại công ty luật Wiley Rein, cho biết mốc thời gian eo hẹp đặt ra câu hỏi về việc liệu bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết trong vài tháng tới có "mang tính thử nghiệm hay mang tính tham vọng" hơn là các thỏa thuận thương mại thực tế hay không. Bà cũng cho biết lợi ích kinh tế có thể bị hạn chế.

"Khi bạn nhìn vào một số mối quan hệ thương mại này, việc chỉ đơn thuần xóa bỏ các rào cản thương mại có thể sẽ không tạo ra nhiều thay đổi đáng kể về mặt thay đổi dòng chảy thương mại trong thời gian tới", bà phân tích.

Mặc dù chính quyền ông Trump cho biết một số thỏa thuận có thể được hoàn tất nhanh chóng, song các cuộc họp ban đầu cho thấy đàm phán có thể phức tạp hơn, đặc biệt là với các đối tác thương mại lớn như Nhật Bản. Hai quốc gia có tranh chấp thương mại kéo dài hàng thập niên về các ngành công nghiệp như thép và phụ tùng ô tô.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent cho hay, các cuộc đàm phán với Nhật Bản sẽ bao gồm nhiều yếu tố như "thuế quan, rào cản thương mại phi thuế quan, thao túng tiền tệ và trợ cấp của chính phủ cho lao động và đầu tư vốn cố định", nhưng sẽ không bao gồm các mục tiêu cụ thể cho tỷ giá hối đoái USD - yên.

Một số thỏa thuận đang được thảo luận - ví dụ, một dự án mà Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có thể đầu tư vào đường ống xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Alaska - có thể mất ít nhất 5 năm mới có thể đi đến kết quả.

"Tokyo muốn duy trì liên minh và giữ hòa khí với ông Trump nhưng không từ bỏ lợi ích của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng tăng đầu tư vào Mỹ và mua thêm hàng hóa của họ nhưng sẽ không bị thúc ép và ép buộc vào các thỏa thuận không cân xứng", ông Daniel Russel, phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định.

Các quan chức Hàn Quốc cũng có vẻ sẵn sàng thảo luận về mất cân bằng thương mại, cũng như mua thêm khí đốt tự nhiên và đầu tư vào ngành đóng tàu Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent bày tỏ sự lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Hàn Quốc.

"Chúng tôi đã có một cuộc họp song phương rất thành công với Hàn Quốc ngày hôm nay. Các cuộc đàm phán diễn ra nhanh hơn tôi nghĩ. Chúng tôi sẽ thảo luận về các điều khoản kỹ thuật sớm nhất vào tuần tới", ông Bessent nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục.

Tuy nhiên, không rõ chính phủ Hàn Quốc có đủ khả năng đàm phán tích cực để đạt được thỏa thuận hay không, vì tổng thống nước này đã bị luận tội và cuộc bầu cử phải đến ngày 3/6 mới diễn ra.

Tại châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves cho biết nước này không có kế hoạch vội vàng ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Bà nhấn mạnh bà muốn giảm rào cản thương mại giữa Anh và các nước khác, nhưng có những ranh giới cứng rắn mà chính phủ Anh sẽ không vượt qua, như thay đổi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hoặc ô tô.

Với các đối tác thương mại lớn hơn, như Liên minh châu Âu, các cuộc thảo luận có vẻ khó khăn hơn. Các quan chức châu Âu đã bày tỏ sự thất vọng về việc thiếu các mục tiêu rõ ràng từ chính quyền ông Trump.

"Chúng tôi mong muốn có sự rõ ràng hơn về kỳ vọng", Valdis Dombrovskis, ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế, cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế thế giới Semafor trong tuần này.

Ông cho biết các quan chức châu Âu đã đưa ra "những đề xuất cụ thể", chẳng hạn như mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng và áp dụng thuế quan bằng 0 đối với hàng hóa công nghiệp, nhưng Mỹ cần làm rõ hơn về những gì họ mong muốn.

"Chúng tôi đang cố gắng tìm ra giải pháp và cách thức tiến về phía trước. Nhưng chúng tôi cũng đã chỉ ra rằng nếu không có giải pháp, chúng tôi cũng sẵn sàng bảo vệ các công ty của mình", ông nhấn mạnh.

EU đã lập ra danh sách các sản phẩm của Mỹ mà họ có thể áp dụng thuế quan riêng để trả đũa và đang nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói, bà đã có "vô số cuộc đàm phán với các nguyên thủ quốc gia và chính phủ trên khắp thế giới muốn hợp tác với EU về trật tự mới", trong đó có Iceland, New Zealand, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ, Mexico...

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/chinh-quyen-ong-trump-trong-guong-quay-dam-phan-voi-cac-nuoc-ve-thue-quan-a324755.html