Mới đây, thương hiệu thời trang nội địa Edini (TPHCM) thông báo dừng bán các sản phẩm thương mại phổ thông sau 12 năm kinh doanh.
Đại diện của thương hiệu này cho biết, quyết định đóng cửa là không dễ dàng, nhưng cần thiết với lý do: "Không thể tiếp tục chạy theo sự thay đổi chóng vánh, giảm chất lượng sản phẩm để cạnh tranh giá hay tham gia vào những chiêu trò từ các kênh trung gian".
Thay vì tiếp tục thích ứng với thời thế, thương hiệu trên lựa chọn "đặt dấu chấm hết" cho dòng sản phẩm thường ngày, chuyển sang kinh doanh các thiết kế cá nhân hóa và sản xuất giới hạn.
Loại bỏ dòng sản phẩm thường ngày, thương hiệu tập trung kinh doanh các thiết kế truyền thống cá nhân hóa và sản xuất giới hạn (Ảnh: Instagram Edini).
Nhãn hàng này góp phần nối dài "làn sóng" đóng cửa hàng loạt của các thương hiệu thời trang nội địa, phản ánh bức tranh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhờ có sự thúc đẩy của thương mại điện tử.
Làn sóng này bắt đầu gây chú ý từ quyết định hoàn toàn rút khỏi cuộc chơi của nhãn hàng Lép (Hà Nội) cuối tháng 11/2024.
Bài đăng tuyên bố dừng hoạt động sau 8 năm từ thương hiệu Lép (Ảnh: Fanpage Lép).
Trong bài đăng thông báo, người sáng lập thương hiệu là Ngọc Trâm cũng thẳng thắn thừa nhận "không còn theo kịp thị trường thay đổi chóng mặt hàng ngày, muôn vàn phong cách thời trang mới, muôn vàn sản phẩm mới, rẻ, đẹp".
Casta - thương hiệu gắn liền với thời trang tối giản cho nam giới - cũng tuyên bố đóng 22 cửa hàng toàn quốc sau 13 năm hoạt động vào cuối tháng 8/2024. Lý giải cho quyết định này, thương hiệu này cho rằng đã đạt đến ngưỡng phát triển khó bứt phá để cạnh tranh với nhiều đối thủ khác.
Đầu tháng 3 năm nay, thương hiệu The Peachy cũng tuyên bố đóng cửa sau 5 năm hoạt động. The Peachy thành lập năm 2020, từng là thương hiệu được nhiều tín đồ thời trang nghĩ đến đầu tiên khi muốn mua đồ dự tiệc. Tuy nhiên, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, The Peachy dần không còn giữ được sức hút.
Cara Trần, nhà sáng lập của thương hiệu cho biết họ phải đối mặt với những khó khăn từ năm 2023. "Việc phải gồng gánh nhiều công việc để giảm thiểu chi phí tối đa, cùng với vòng luẩn quẩn trong việc bán hay không bán trên các sàn thương mại điện tử khiến tôi kiệt sức", Cara Trần chia sẻ.
Ngày 6/4, thương hiệu Mia Ritta (Hà Nội) cũng tuyên bố đóng cửa cơ sở kinh doanh vật lý, chuyển sang hình thức bán online (trực tuyến).
Thanh Hường, nhà sáng lập của Mia Ritta, cho biết quyết định này đến từ nhiều lý do, bao gồm chi phí thuê mặt bằng cao, chiếm phần lớn ngân sách vận hành của đơn vị kinh doanh thời trang. Ngoài ra, xu hướng mua sắm trực tuyến của khách hàng cũng dễ khiến nhãn hàng vào thế khó.
Nhà sáng lập của nhãn hàng chỉ ra, chi phí thuê mặt bằng cao là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến việc thương hiệu phải đóng cửa (Ảnh: Mia Ritta).
Điểm chung trong loạt tuyên bố rút lui từ các thương hiệu thời trang nội địa này là sự mệt mỏi trước cuộc đua giá không hồi kết, áp lực sản xuất số lượng lớn và sự biến động không ngừng của xu hướng tiêu dùng.
Trong đó, cuộc chiến giá với sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cũng được các đơn vị kinh doanh này nhắc đến, xem như một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hành động rút lui.
Có thể thấy, tinh thần "bám trụ" không còn đủ, khi khả năng thích nghi và đổi mới trở thành yếu tố sống còn về sự thành bại của thương hiệu. Thực tế chứng minh rằng các thương hiệu từ chối đổi mới về phong cách thiết kế và chiến lược giá có khả năng phải dừng hoạt động.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/thuong-hieu-thoi-trang-noi-dia-bo-cuoc-vi-suc-ep-canh-tranh-gia-a324413.html