Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot (Ảnh: AFP).
"Mục tiêu duy nhất khiến chúng tôi quan tâm là bảo vệ lợi ích của Pháp và an ninh châu Âu. Đó là lý do tại sao khi Mỹ quyết định tự đặt mình vào vị trí trung gian, chúng tôi phải cho họ biết "ranh giới đỏ" của chúng tôi là gì", Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot trả lời phỏng vấn hôm 22/4.
Ông Barrot ám chỉ đến các vấn đề mà các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ không nhượng bộ trong các cuộc đàm phán sắp tới với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ông từ chối tiết lộ những vấn đề cụ thể mà châu Âu coi là "lằn ranh đỏ" liên quan đến Ukraine.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ lời khẳng định của Tổng thống Trump rằng một thỏa thuận hòa bình có thể được công bố trong tuần này là đáng tin hay không, ông Barrot cho biết điều đó phụ thuộc vào Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Tôi nghĩ rằng lệnh ngừng bắn (vào lễ Phục sinh) mà Tổng thống Putin ban bố chỉ là một hành động nhằm tránh việc Tổng thống Trump mất kiên nhẫn", Ngoại trưởng Pháp nhận định.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Trump ngày 22/4 hứa sẽ công bố một thỏa thuận hòa bình chi tiết giữa Nga và Ukraine "trong 3 ngày tới".
Cuối tuần trước, phái đoàn Mỹ, Ukraine, Pháp và Anh đã nhóm họp tại Paris để bàn các giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine. Đây là lần đầu tiên các nước châu Âu được tham gia vào các cuộc đàm phán về Ukraine do chính quyền Tổng thống Trump làm trung gian. Họ sẽ nhóm họp tiếp vào ngày 23/4.
Theo nguồn tin của Wall Street Journal, tại cuộc họp tuần trước, phía Mỹ đã đưa ra một bản đề xuất kế hoạch hòa bình Ukraine, trong đó đề cập đến việc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ với Nga và không được gia nhập NATO. Nếu kế hoạch nhận được sự đồng thuận tại cuộc họp ngày mai, Mỹ sẽ chuyển tiếp kế hoạch cho Nga.
New York Post dẫn nguồn thạo tin cho biết, kế hoạch hòa bình của ông Trump sẽ bao gồm thành lập một ủy ban chung giám sát lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Ủy ban này gồm người Nga, Ukraine và một thành viên NATO. Nhiệm vụ của ủy ban này sẽ là theo dõi tiền tuyến để đảm bảo cả hai bên đều hạ vũ khí. Mỹ cũng có thể tham gia, nhưng không phải theo hình thức lực lượng thực địa.
Mỹ, Ukraine và các nước châu Âu hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ ý nghĩ cho rằng xung đột Ukraine sẽ sớm chấm dứt.
"Chúng tôi tiếp tục liên lạc với phía Mỹ thông qua nhiều kênh khác nhau. Giải quyết xung đột Ukraine là một vấn đề cực kỳ phức tạp, vì vậy khó có thể đặt ra một số thời hạn cứng nhắc và cố gắng đẩy nhanh việc giải quyết xung đột trong một khoảng thời gian ngắn. Đây sẽ là một nỗ lực vô ích", ông Peskov nói.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/chau-au-vach-lan-ranh-do-voi-my-ve-dam-phan-hoa-binh-ukraine-a324294.html