Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Theo tạp chí nghiên cứu Responsible Statecraft của Mỹ, Washington đang xem xét một thỏa thuận với Moscow có thể thay đổi hoàn toàn động lực của cuộc xung đột ở Ukraine.
Washington sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và đề nghị đầu tư vào các dự án Bắc Cực để đổi lấy sự hợp tác của Moscow trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine một cách hòa bình.
Với việc tập trung vào lợi ích kinh tế và địa chính trị ở Bắc Cực, sáng kiến này phản ánh cách tiếp cận thực dụng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài.
Theo Responsible Statecraft, Nga có những lợi thế độc đáo ở Bắc Cực với hạm đội tàu phá băng lớn nhất thế giới gồm 41 chiếc, bao gồm cả tàu hạt nhân, vượt xa so với khả năng của Mỹ và các đồng minh. Khu vực Bắc Cực có tiềm năng kinh tế to lớn do giàu hydrocacbon và sở hữu Tuyến đường Biển Bắc có tầm chiến lược quan trọng.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Bắc Cực chứa khoảng 13% trữ lượng dầu chưa được khám phá và 30% khí đốt, hơn nữa việc giảm lớp băng che phủ cũng mở ra các tuyến đường thương mại mới.
Đề xuất dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với các dự án của Nga như Yamal LNG hoặc trung tâm vận tải Murmansk và thu hút đầu tư của phương Tây có thể đẩy nhanh sự phát triển đối với các nguồn tài nguyên này, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Hợp tác với phương Tây sẽ cung cấp khả năng tiếp cận công nghệ và tài chính cần thiết. Nhưng Moscow hoài nghi về các sáng kiến của phương Tây, đặc biệt đối với các lệnh trừng phạt trong quá khứ và những khác biệt địa chính trị. Điện Kremlin yêu cầu công nhận thực tế lãnh thổ mới và tình trạng trung lập của Ukraine, điều này mâu thuẫn với lập trường của Kiev.
Đề xuất của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh ông Trump tuyên bố Nga và Ukraine sắp đạt được một kế hoạch hòa bình, làm dấy lên đồn đoán về sự sẵn sàng thỏa hiệp của các bên.
Theo TASS, Washington trước đây đã đề xuất nới lỏng các biện pháp trừng phạt và giải phóng tài sản để bắt đầu đàm phán, nhưng sự thành công của các sáng kiến như vậy vẫn còn là dấu hỏi.
Trả lời Reuters, các chuyên gia lưu ý rằng thỏa thuận có thể giảm bớt căng thẳng ở Á - Âu bằng cách thu hút các quốc gia như Canada, Na Uy và Nhật Bản hợp tác, nhưng đòi hỏi ý chí chính trị, điều vẫn chưa thể được đồng thuận.
Trong bối cảnh đó, Nga tiếp tục củng cố vị thế của mình ở Bắc Cực, phát triển cơ sở hạ tầng và sự hiện diện quân sự. Đồng thời, Mỹ đang cố gắng bắt kịp bằng cách đầu tư vào hạm đội tàu phá băng và quan hệ đối tác với các đồng minh.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/nhung-quan-bai-my-co-the-dung-de-nga-dong-y-cham-dut-xung-dot-ukraine-a324291.html