Vì sao mì tương đen trở thành 'món ăn quốc dân' tại Hàn Quốc?

Từ món ăn đường phố, jjajangmyeon (mì tương đen) được nhiều thế hệ người Hàn yêu thích bởi hương vị ngọt mặn hài hòa, sợi mì dẻo dai và nước sốt đậm đà.

Tại Hàn, jjajangmyeon gắn liền với những dịp rất đời thường: ngày chuyển nhà, ngày sinh nhật, hoặc "ngày đen" (14/4) – khi người độc thân tự thưởng cho mình một bát mì nóng hổi. Ảnh: Isaac Lee/iStock.

Không chỉ là món phổ biến trên bàn ăn người Hàn, jjajangmyeon (mì tương đen) còn mang đậm yếu tố văn hóa và ký ức tuổi thơ đối với nhiều thế hệ. Một bát mì đơn giản với sợi lúa mì dai, nước sốt đen sóng sánh phủ đầy thịt ba chỉ và rau củ, nhưng lại gói trọn cả cảm xúc và nét ẩm thực truyền thống, theo The New York Times.

Jjajangmyeon có nguồn gốc từ món "zha jiang mian" của Trung Quốc. Vào đầu thế kỷ XX, những người lao động Trung Hoa mang món ăn này đến thành phố cảng Incheon. Trải qua thời gian, jjajangmyeon được điều chỉnh để hợp khẩu vị người Hàn, ngọt hơn, đậm đà hơn và trở thành món ăn mang bản sắc riêng của Hàn Quốc.

Linh hồn của món ăn chính là nước sốt chunjang. Đây là loại tương đen lên men từ đậu nành, bột mì, muối và caramel. Chunjang từng bị “lu mờ” bởi những người anh em nổi tiếng như gochujang (tương ớt) hay doenjang (tương đậu nành), nhưng lại mang một sức hấp dẫn riêng. Khi được chiên trong mỡ lợn và nấu cùng hành tây, mùi thơm của loại sốt này lan tỏa, tạo nên hương vị đặc trưng khó quên.

Đầu bếp Keechang Kim của nhà hàng Dong Bo Sung (Fort Lee, Mỹ) cho biết bí quyết làm nên vị đậm đà cho phần sốt nằm ở việc nấu hành tây thật kỹ để tạo độ ngọt và làm chảy mỡ ba chỉ heo.

Ngoài công thức cổ điển, nhiều đầu bếp tại gia cũng sáng tạo thêm nhiều kiểu để làm món ăn này trở nên đặc biệt.

Eric Kim, cây viết ẩm thực gốc Hàn, kể lại cách mẹ anh dùng khoai tây nghiền thay cho hỗn hợp bột pha nước để làm đặc nước sốt, tạo thêm hương vị “đất” tự nhiên, hòa quyện cùng lớp bắp cải cháy và mỡ thịt ba chỉ.

Sarah Ahn, tác giả sách Umma, gợi ý thêm vài giọt giấm và chút ớt bột gochugaru cho món mì để cân bằng độ béo, mang lại hương vị hài hòa hơn.

Han Quoc anh 3

Jjajangmyeon – món mì tương đen nổi tiếng của Hàn Quốc – chinh phục người ăn bằng hương vị ngọt mặn đậm đà, sợi mì dai và nước sốt chunjang đặc trưng, chứa đựng cả văn hóa và ký ức tuổi thơ. Ảnh: whitewish/iStock.

Không thể thiếu trong jjajangmyeon là mì lúa mì tươi, sợi dai, đàn hồi và thấm sốt tốt. Ông Tora Yi, chủ nhà hàng Shanghai Mong ở Manhattan, chia sẻ một mẹo đơn giản: sau khi luộc xong mì, rửa lại bằng nước lạnh để loại bỏ tinh bột thừa, rồi trụng lại trong nước nóng trước khi dọn ra sẽ giúp mì vừa sạch, vừa ấm, lại không dính.

Jjajangmyeon không chỉ là một món ăn mà còn là biểu tượng cảm xúc, gắn liền với những dịp rất đời thường. Người lớn thường ăn mì tương đen vào ngày chuyển nhà, ngày sinh nhật, hoặc "ngày đen" (14/4) - ngày người độc thân tự thưởng cho mình một bát mì nóng hổi. Trong khi trẻ nhỏ thì yêu thích mì tương đen đơn giản vì... nó ngon.

Dù là ở bàn ăn gia đình, quán mì bình dân hay nhà hàng quốc tế, một bát jjajangmyeon luôn chứa đựng nhiều hơn một món ăn. Nó là ký ức, là văn hóa, là những mẹo bếp nhỏ được truyền lại và cũng là lý do khiến món mì tương đen này được yêu mến đến vậy.

Với các món ăn phong phú và đặc sắc, Việt Nam được xếp vào danh sách những quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời của thế giới.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu hai cuốn sách Lê la quà vặt và Ăn quà xuyên Việt. Xuất bản năm 2017, đây có lẽ là những cuốn sách tranh ẩm thực đầu tiên của một tác giả Việt được xuất bản. Bằng những hình vẽ dễ thương và sinh động, vui tươi và hài hước, những trang vẽ của Đặng Hồng Quân khiến người xem như có thể mường tượng ra khung cảnh náo nhiệt của các hàng quà, thậm chí có đôi khi lộn xộn, nhôm nhoam như ngoài đời thực ta có thể vẫn bắt gặp.

> Đọc tiếp: 'Từ điển' món ngon nước Việt bằng tranh

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/vi-sao-mi-tuong-den-tro-thanh-mon-an-quoc-dan-tai-han-quoc-a324260.html