Hệ thống tên lửa Sapsan (Ảnh: Wikipedia).
Tên lửa Sapsan (Grom-2) là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Cục Thiết kế KB Pivdenne và nhà máy Pivdenmash của Ukraine phát triển. Nó thường được biết đến với biệt danh là tên lửa "sấm sét".
Đây là tên lửa nhiên liệu rắn, một tầng, mang đầu đạn nặng 500kg với tầm bắn ước tính từ 50km đến tối đa 400-500km. Một số nguồn tin cho rằng tầm xa tối đa có thể lên đến 700km.
Sapsan kết hợp đặc điểm của cả tên lửa chiến thuật lẫn bệ phóng loạt, tương tự tên lửa ATACMS của Mỹ và có khả năng thay thế loại vũ khí này. Do ATACMS đã ngừng sản xuất và kho dự trữ có hạn, khả năng Mỹ tiếp tục viện trợ thêm loại tên lửa này cho Ukraine là rất thấp.
Thêm vào đó, các tuyên bố gần đây của Mỹ cho thấy nếu 2 bên không có động thái tiến tới hòa bình rõ rệt, Washington có thể cắt giảm vai trò, bao gồm cả viện trợ vũ khí.
Dự án tên lửa Sapsan được Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine khởi động từ năm 2006 nhằm phát triển một hệ thống tên lửa đạn đạo hiện đại, sản xuất trong nước, thay thế loại Tochka-U thời Liên Xô, khi đó là hệ thống tên lửa đạn đạo duy nhất của Ukraine.
Tiến độ phát triển ban đầu khá chậm do thiếu kinh phí và bị tạm ngưng năm 2013. Tuy nhiên, căng thẳng với Nga năm 2014 đã khiến dự án được khởi động lại.
Ukraine cũng phát triển biến thể xuất khẩu có tên Hrim-2. Để tuân thủ quy định của Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR), Hrim-2 được thiết kế với tầm bắn giới hạn 280km.
Tên lửa Sapsan được thiết kế để né tránh các hệ thống phòng không hiện đại như S-300 và S-400 của Nga thông qua quỹ đạo bay khí động học, cho phép thay đổi đường bay giữa chừng, gây khó khăn cho việc đánh chặn. Sapsan có sai số vòng tròn (CEP) khoảng 20m, nặng khoảng 21 tấn.
Khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Sapsan vẫn đang trong quá trình phát triển.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã sử dụng tên lửa Grom-2 (Sapsan) để tấn công một số mục tiêu trên lãnh thổ Nga, đặc biệt là Crimea, kể từ năm 2022.
Việc thử nghiệm vận hành được cho là bắt đầu vào khoảng tháng 3/2023. Nga nhiều lần tuyên bố đánh chặn được tên lửa này trong vài tháng sau đó.
Từ tháng 10/2023 đến tháng 11/2024, không có báo cáo nào từ phía Nga về việc Ukraine sử dụng Grom-2. Nguyên nhân có thể là do vấn đề kỹ thuật trong điều khiển đường bay và độ chính xác, hoặc do các cuộc không kích của Nga nhằm phá hủy cơ sở phát triển tên lửa.
Ngày 9/11/2024, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine đã sản xuất 100 quả tên lửa đạn đạo đầu tiên.
"Ukraine đã thử nghiệm thành công quả tên lửa đạn đạo đầu tiên do chính mình sản xuất", ông nói. Dù không nêu rõ tên hệ thống, giới phân tích cho rằng ông ám chỉ Sapsan.
Tên lửa Sapsan mang lại cho Ukraine khả năng tấn công tầm xa độc lập, giúp giảm phụ thuộc vào hệ thống nước ngoài như ATACMS.
Không như các hệ thống phương Tây, Sapsan có thể được nâng cấp liên tục để thích nghi với chiến thuật phòng không mới của Nga, bao gồm điều chỉnh đường bay và kháng chế điện tử (EW).
Nếu được triển khai với số lượng lớn, Sapsan có thể đe dọa lực lượng Nga còn hơn cả ATACMS, bởi Ukraine có thể chủ động chọn mục tiêu mà không cần sự cho phép của Mỹ.
Tuy nhiên, sản lượng của Sapsan vẫn phụ thuộc vào linh kiện từ phương Tây nên Ukraine vẫn chưa thể chủ động hoàn toàn.
Ngoài ra, hiệu quả của ATACMS cũng phụ thuộc vào dữ liệu do mạng lưới ISR (tình báo, giám sát và trinh sát) của phương Tây cung cấp. Nếu Mỹ giảm hỗ trợ về mặt tình báo, khả năng tấn công chính xác của Ukraine bằng Sapsan sẽ suy giảm đáng kể.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/at-chu-bai-dang-gom-cua-ukraine-ten-lua-sam-set-uy-luc-hon-atacms-cua-my-a324231.html