Đậu nành nhập khẩu từ Brazil tại một công ty chế biến ở Trung Quốc vào tháng 3 (Ảnh: WSJ).
Đậu nành có thể được ăn trực tiếp hoặc chế biến thành đậu phụ, sữa đậu nành và nhiều sản phẩm khác. Với hàm lượng chất béo và protein cao, đậu nành là nguồn thức ăn chính cho gia súc trên toàn cầu.
Giờ đây, loại nông sản này đang trở thành tâm điểm của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xét theo giá trị, Mỹ bán nhiều đậu nành cho Trung Quốc hơn bất kỳ mặt hàng nào khác. Năm ngoái, tổng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt hơn 27 triệu tấn, trị giá 12,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, với mức thuế quan khổng lồ mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt lên nhau trong vài tuần qua, hoạt động giao thương này đang đứng trước nguy cơ lớn. Đây là tin không vui đối với nông dân Mỹ - những người trồng đậu nành, cũng như các hộ chăn nuôi gà và lợn ở Trung Quốc - những người mua mặt hàng này.
Nỗi lo của nông dân Mỹ
Hơn một nửa lượng đậu nành xuất khẩu của Mỹ trong năm 2024 được chuyển sang Trung Quốc, nhưng giờ đây, mức giá đã tăng 135% sau khi Bắc Kinh áp thuế để đáp trả mức thuế 145% mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hàng nghìn nông dân trồng đậu nành ở Mỹ bày tỏ lo ngại không biết liệu khách hàng lớn nhất của họ có tiếp tục mua hay không.
"Chúng tôi quen với thời tiết xấu, quen với sâu bệnh. Máy cày hỏng cũng không phải vấn đề. Nhưng giờ đây, thuế quan đe dọa trực tiếp cuộc sống của chúng tôi", bà Heather Feuerstein, chủ một trang trại gần Grand Rapids, bang Michigan, Mỹ, chia sẻ.
Bà Heather Feuerstein đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Vòng quay mùa vụ hàng năm buộc bà phải bắt đầu gieo trồng trên diện tích hơn 81ha trong thời gian tới. Nếu làm việc chăm chỉ, thời tiết thuận lợi, sâu bệnh được kiểm soát, vào cuối mùa thu, bà sẽ thu hoạch khoảng 270.000 kg đậu nành.
Một phần sản lượng có thể được bán cho các trang trại sữa địa phương hoặc nhà máy chế biến đậu thành dầu và bã đậu. Phần còn lại sẽ được bán ngay sau khi thu hoạch cho các kho chứa lương thực, hoặc giữ lại trong kho để bán khi giá tốt hơn.
"Tôi không nghĩ những gì chúng tôi từng làm trong quá khứ còn phù hợp. Mọi thứ đang thay đổi từng phút", bà Feuerstein nói.
Theo nhiều nông dân trồng đậu nành ở Mỹ, họ không còn lựa chọn nào ngoài việc tiếp tục gieo trồng và hy vọng điều tốt đẹp. Nhiều người áp dụng luân canh giữa ngô và đậu nành để bảo vệ đất và đa dạng hóa cây trồng. Tuy nhiên, họ đã mua giống, phân bón và thiết bị từ trước nên không thể thay đổi kế hoạch ngay lập tức.
Thay vào đó, hy vọng của họ đặt vào những giải pháp dài hạn, tuy không thể thay thế thị trường Trung Quốc ngay lúc này, nhưng có thể trong vòng một hoặc hai thập niên tới.
Các tổ chức như Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Mỹ và Hiệp hội Đậu nành Mỹ đang nỗ lực mở rộng thị trường sang các quốc gia như Ấn Độ, Ai Cập và Mexico.
Các nhà máy chế biến đậu mới đang được đưa vào hoạt động tại Mỹ, và giới nghiên cứu cũng đang tìm cách khai thác đậu nành như một loại nhiên liệu sinh học và các ứng dụng không phải làm thức ăn chăn nuôi.
Trong cuộc chiến thương mại trước đây, điều duy nhất cứu nông dân Mỹ là gói cứu trợ trị giá 23 tỷ USD từ chính phủ. Hiện nay, chính quyền Trump cũng đang xem xét một gói hỗ trợ nông nghiệp mới.
"Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ khẩn cấp đã nhận được. Nhưng nó không đủ để cứu trang trại, và nó đã làm suy yếu thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng tôi", bà Feuerstein bày tỏ.
Các quốc gia Nam Mỹ hưởng lợi
Thị trường đậu nành là một mạng lưới bao gồm các nhà giao dịch hàng hóa, công ty vận chuyển và hợp đồng tương lai, do đó giá cả luôn biến động. Tuy nhiên, các mức giá gần đây cho thấy đậu nành Nam Mỹ trở nên có giá trị hơn sau khi các thuế quan được áp dụng.
Hiện nay, Brazil và Argentina chiếm 52% sản lượng đậu nành toàn cầu, riêng Brazil chiếm 40%, trong khi Mỹ chỉ chiếm 28%.
"Khi không thể mua từ Mỹ, Trung Quốc sẽ phải mua nhiều hơn từ Brazil. Và để mua nhiều hơn từ Brazil, họ sẽ phải trả giá cao hơn", bà Neusa Lopes, một lãnh đạo cấp cao tại Girassol Agrícola, công ty sản xuất đậu nành lớn tại bang Mato Grosso, Brazil, nhận định.
Bà Lopes, người điều hành một công ty trồng đậu nành và ngô trên diện tích hơn 68.800ha cho biết hiện bà có thể bán mỗi bao đậu nành nặng 59 kg với giá khoảng 21 USD, tăng 10% so với tháng trước. Phần lớn sản lượng được xuất sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ đậu nành lớn nhất của Brazil. Giờ đây, bà Lopes kỳ vọng có thể kiếm được nhiều hơn trong cùng một vụ mùa.
Ông André Nassar, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất dầu thực vật Brazil, đại diện cho các nhà sản xuất đậu nành lớn nhất quốc gia, cho hay mùa thu hoạch tại Nam Mỹ đang dần kết thúc, và họ đã bán gần 3/4 lượng hàng dự trữ. Song những người còn giữ hàng trong kho đang thu lợi, hoặc tiếp tục chờ đợi, đặt cược vào việc cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài, đồng nghĩa với giá bán tiếp tục leo thang.
Nói cách khác, nông dân Nam Mỹ đang ở thế thuận lợi.
Thực tế, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông chủ Nhà Trắng từng phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và bên được hưởng lợi chính là nông dân trồng đậu nành ở Brazil.
Từ năm 2017, ngay trước cuộc chiến thương mại, đến năm 2024, Trung Quốc đã tăng lượng nhập khẩu đậu nành từ Brazil lên 35% (đạt 72,5 triệu tấn/năm), đồng thời cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ 14% (xuống còn 27 triệu tấn/năm), theo dữ liệu từ hai quốc gia.
"Xu hướng này chưa hề đảo ngược. Nó vẫn tiếp diễn", ông Nassar nhận định. "Nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì mức thuế cao với hàng hóa Mỹ, kịch bản cũ sẽ lặp lại. Xuất khẩu đậu nành Mỹ tiếp tục bị thay thế bằng đậu nành Brazil", ông nhấn mạnh.
Điểm khác biệt trong cuộc chiến thương mại hiện tại, ngoài việc mức thuế cao hơn rất nhiều, là Trung Quốc đã âm thầm đầu tư mạnh vào hạ tầng nông sản tại Brazil trong suốt thập niên qua, nhằm đảm bảo đậu nành Brazil dễ dàng hơn khi lên tàu cập cảng Trung Quốc.
Một ví dụ điển hình là việc khai trương một nhà ga khổng lồ tại cảng lớn nhất Mỹ Latinh ở Santos, Brazil trong năm nay. Đây là một dự án trị giá gần 500 triệu USD do Cofco, tập đoàn lương thực quốc doanh Trung Quốc, đầu tư và sẽ trở thành cảng lớn nhất của họ ngoài lãnh thổ quốc gia.
Trung Quốc dường như đang muốn củng cố mối quan hệ đối tác này.
Tuần trước, Thứ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc đã gặp gỡ các quan chức nông nghiệp hàng đầu Brazil. Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng tuyên bố sẽ đến Bắc Kinh vào tháng tới để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong khi đó, cho đến nay, ông Lula vẫn chưa có cuộc thảo luận nào với Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi hai người nhậm chức.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/trung-quoc-tim-nguon-dau-nanh-thay-the-my-giua-cuoc-chien-thue-quan-a324230.html