Lựu pháo tự hành 2S22 Bohdana do Ukraine phát triển và sản xuất (Ảnh: AFP).
Ukraine sản xuất lựu pháo bằng cả châu Âu cộng lại
Cuộc xung đột ở Ukraine đã viết nên một chương mới trong lịch sử chiến tranh hiện đại về lĩnh vực sản xuất và sử dụng hàng loạt UAV FPV. Đây là cuộc cách mạng nổi bật không phải bàn cãi, nhưng thực tế chiến trường khẳng định, không có cuộc chiến nào mà bên giành chiến thắng chỉ bằng những chiếc UAV nhỏ bé.
Việc quân đội Ukraine (AFU) vẫn có thể giữ được thế trận trước quân đội Nga (RFAF) cho đến nay chính là nhờ các loại vũ khí thông thường. Trong đó, lựu pháo tự hành 2S22 Bohdana do Ukraine phát triển và sản xuất đang trở nên nổi bật.
Sản phẩm này cũng đại diện cho ý chí và quyết tâm trong lĩnh vực sản xuất vũ khí của quốc gia Đông Âu. Công nghiệp quốc phòng trong nước đã đáp ứng 1/3 nhu cầu vũ khí của quân đội Ukraine.
Trước khi chiến sự Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, pháo 2S22, do một công ty ở thành phố Kramatorsk sản xuất, đã hoàn thành một số cuộc thử nghiệm. Khi đó, có người thậm chí còn lo ngại rằng mẫu pháo mới này sẽ rơi vào tay RFAF.
Ba năm sau, nhờ bước tiến vượt bậc trong việc tự lực về công nghiệp quốc phòng, sản lượng loại pháo này đã vượt qua các đồng minh lớn của Kiev ở châu Âu và 2S22 nhận được nhiều lời khen ngợi do sử dụng khung gầm bánh hơi nên có khả năng cơ động cao.
Đặc biệt, 2S22, có cỡ nòng 155mm tiêu chuẩn của NATO, được sử dụng rộng rãi trong chiến đấu nhờ sự đóng góp đạn từ các đối tác quốc tế. Ukraine cũng đã đẩy nhanh quá trình sản xuất các loại đạn pháo này.
Pháo 2S22 Bohdana có tầm bắn 42km hoặc lên tới 60km (với đạn tăng tầm), là loại vũ khí được AFU ở chiến trường sử dụng nhiều do khả năng cơ động và sức hủy diệt cao. Thành công lớn đầu tiên của 2S22 được ghi nhận vào mùa hè năm 2022, khi nó là vũ khí chủ lực, phối hợp với pháo tự hành Caesar do Pháp viện trợ, giúp AFU chiếm lại đảo Rắn ở Biển Đen.
Mặc dù Ukraine cố gắng tăng sản lượng pháo 2S22 tại Nhà máy chế tạo máy công cụ hạng nặng Kramatorsk (KZVV) để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, nhưng trong bối cảnh quân đội Nga quyết liệt tấn công cơ sở sản xuất quốc phòng của Ukraine nên sản lượng cũng không thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu.
Nhà phân tích quân sự Patrick Hinton của Viện RUSI có trụ sở tại Anh ước tính, trong cuộc phản công mùa hè tháng 6/2023, quân đội Ukraine sở hữu tới 14 mẫu lựu pháo khác nhau. Trên thế giới, quân đội của đa phần các nước thường chỉ có 2 hoặc 3 mẫu, do vậy, việc sở hữu quá nhiều loại pháo đã gây khó khăn cho AFU về công tác bảo đảm kỹ thuật.
Tuy nhiên, vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, năng lực sản xuất pháo 2S22 Bohdana đã đạt 20 khẩu mỗi tháng, thừa để trang bị cho một tiểu đoàn pháo binh. Sáu tháng sau, Hội đồng Công nghiệp Quốc phòng Ukraine (UCDI) ước tính con số đó là khoảng 40 khẩu/tháng và số liệu này cũng được Nga công nhận.
Ông Igor Fedirko, giám đốc UCDI nêu lý do đơn giản cho sự gia tăng sản lượng pháo 2S22 Bohdana: "Chúng tôi cần chúng cho chiến tranh, và các con số tự nói lên điều đó".
Theo một nghiên cứu của Viện Kiel (Ukraine), Pháp sản xuất tối đa là 8 khẩu Caesar/tháng, Đức từ 5 đến 6 khẩu PzH 2000/tháng. Ông Fedirko khẳng định, "Chúng tôi sản xuất nhiều lựu pháo hơn toàn bộ châu Âu cộng lại".
Với sự hợp tác của các công ty tư nhân và nhu cầu của AFU, sự tăng trưởng về sản lượng của lựu pháo 2S22 Bohdana tượng trưng cho sự thay đổi triệt để mà ngành sản xuất vũ khí Ukraine đạt được. Trước đó, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, từng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào công ty nhà nước Ukroboronprom.
Lựu pháo tự hành 2S22 Bohdana trên khung gầm xe Tatra T815-7 do Ukraine chế tạo và sản xuất (Ảnh: Channel 5).
"Sáng kiến Đan Mạch" thúc đẩy sản xuất quốc phòng của Ukraine
Nguồn tài trợ công, sự tham gia của các công ty tư nhân và trên hết là sự hỗ trợ của quốc tế, đã thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine phát triển. Theo thông tin từ chính phủ Ukraine, năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng nước này đã tăng gấp 35 lần trong 3 năm qua và sẽ đạt 35 tỷ USD vào năm 2025.
Ông Fedirko nêu một yếu tố quan trọng khác trong sự phát triển của lựu pháo 2S22 Bohdana "Made in Ukraine" là nhờ "Sáng kiến Đan Mạch".
Đối mặt với tình trạng thiếu hụt vũ khí cung cấp cho Kiev, chính phủ Đan Mạch vào tháng 7/2023 đã đề xuất chuyển sang gửi tiền, để các công ty vũ khí Ukraine có thể sản xuất vũ khí của họ ngay ở trong nước. Một phần số tiền 588 triệu USD của năm 2024 đã được sử dụng để sản xuất pháo 2S22 Bohdana.
Trước đó, mặc dù 2S22 có nhiều ưu điểm, nhưng Kiev không đủ nguồn ngân sách nhằm nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất và kinh phí để khắc phục những hạn chế về khung gầm. Nhưng nhờ sự tài trợ của "Sáng kiến Đan Mạch", những hạn chế về khung gầm đã được khắc phục và sản lượng tăng vọt.
Tiến trình của "Sáng kiến Đan Mạch" này như sau: Chính phủ Ukraine đệ trình danh sách các dự án phát triển và sản xuất vũ khí mà Kiev cần tài trợ, các chuyên gia Đan Mạch phân tích tính khả thi và năng lực của các công ty sản xuất vũ khí Ukraine trước khi ra quyết định tài trợ.
Copenhagen cũng đã cố vấn cho các chính phủ châu Âu khác, viện trợ tài chính cho Ukraine theo kiểu này như Thụy Điển và Iceland, cũng như từ EU, thông qua lợi nhuận tích lũy từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Ngoài ra, Na Uy và Canada cam kết viện trợ tài chính theo sáng kiến này.
"Tôi rất ngạc nhiên về tốc độ mà ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có thể cung cấp vũ khí cho quân đội của mình", Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund cho biết. Mô hình này có hiệu quả, vì vậy vào ngày 3/1, Đan Mạch đã công bố một gói viện trợ mới trị giá 985 triệu USD cho giai đoạn 2025-2027.
"Ukraine đã tăng sản lượng vũ khí theo cấp số nhân trong 3 năm qua, đặc biệt là các loại UAV (trinh sát và tấn công), lựu pháo, tên lửa hành trình, súng cối và xe bọc thép chở quân", Mykola Bielieskov, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia có trụ sở tại Kiev cho biết.
Theo ông Bielieskov, việc đầu tư vốn nước ngoài vào sản xuất trong nước cũng giúp "sản xuất tiết kiệm hơn, do chi phí lao động thấp hơn" và "sản xuất nhanh hơn", vì nó đáp ứng trực tiếp nhu cầu của mặt trận, nơi đóng vai trò là bãi thử nghiệm cho từng loại vũ khí và các cải tiến sau này.
Thành tựu của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, trong bối cảnh cuộc chiến tổng lực, được đánh giá là rất "ngoạn mục". Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào các đối tác quốc tế, cả về vũ khí hạng nặng (ví dụ như hệ thống phòng không) và các thành phần mà Ukraine khó chế tạo (bảng mạch điện tử, thuốc nổ, thuốc phóng, nhiên liệu tên lửa…), vẫn còn rất cao.
Dù vậy, ông Bielieskov thừa nhận, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang phải đối mặt với việc giảm viện trợ tài chính từ nước ngoài, tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, hoặc việc ngừng bắn ở Ukraine có thể dẫn đến nhu cầu quốc phòng giảm nhưng tiềm năng xuất khẩu vũ khí của Ukraine trên thị trường quốc tế trong tương lai là khá rộng mở.
Ông Fedirko lưu ý, "tiềm năng của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine là rất lớn" và "đã sẵn sàng để xuất khẩu" khi các thỏa thuận hợp tác giữa các công ty Ukraine và nước ngoài đang được xúc tiến.
Hiện nay, 2 "ông lớn" gồm công ty quốc phòng số một của Đức là Rheinmetall và công ty Pháp - Đức KNDS, đều tập trung vào sản xuất đạn pháo cũng như công ty Mỹ AeroVironment, chuyên sản xuất đạn cho UAV tự sát, đã triển khai sản xuất tại Ukraine.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/ukraine-lap-ky-tich-ra-lo-so-vu-khi-hien-dai-bang-ca-chau-au-cong-lai-a324217.html