Trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, Mỹ (Ảnh: Reuters).
Ngày 20/1, truyền thông Mỹ đưa tin, một dự thảo sắc lệnh hành pháp từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, được cho là đang lưu hành trong giới ngoại giao Mỹ, đề xuất tái cơ cấu triệt để Bộ Ngoại giao.
Theo nội dung tài liệu, sắc lệnh được xây dựng nhằm thực hiện "cuộc tái cơ cấu có kỷ luật" đối với Bộ Ngoại giao, "tinh giản việc triển khai nhiệm vụ", đồng thời cắt giảm "lãng phí, gian lận và lạm dụng".
Sắc lệnh có thể được ông Trump ký trong tuần này và các thay đổi dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/10. Nếu được thực thi, đây sẽ là một trong những cuộc cải tổ sâu rộng nhất của cơ quan này kể từ khi được thành lập vào năm 1789.
Các đề xuất được cho là bao gồm cắt giảm sâu các hoạt động tại khu vực hạ Sahara, cùng với các cơ quan và đặc phái viên liên quan đến biến đổi khí hậu, người tị nạn, nhân quyền, dân chủ và bình đẳng giới; đồng thời giải thể Cục các tổ chức quốc tế, cơ quan phối hợp với Liên hợp quốc, và cắt giảm hoạt động ngoại giao tại Canada.
Theo đó, Bộ Ngoại giao dự kiến được tái tổ chức thành 4 cục khu vực, bao gồm: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ Latinh, Trung Đông và Âu Á. Một số đại sứ quán và lãnh sự quán "không thiết yếu" tại khu vực châu Phi hạ Sahara sẽ bị đóng cửa.
Bản dự thảo sắc lệnh hành pháp bị rò rỉ hôm 20/4 cho thấy chính quyền Trump có thể xóa bỏ Cục các vấn đề châu Phi, Đặc phái viên về khí hậu, Cục các tổ chức quốc tế và Văn phòng các vấn đề phụ nữ toàn cầu.
Cũng theo tài liệu, "quan hệ ngoại giao với Canada sẽ được chuyển giao cho một đơn vị mới có quy mô thu hẹp hơn mang tên Văn phòng các vấn đề Bắc Mỹ (NAAO), trực thuộc Văn phòng Ngoại trưởng". Điều này đồng nghĩa với việc giảm đáng kể quy mô Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Ottawa, Canada.
Cuộc cải tổ cũng sẽ thay đổi cách thức phân công nhân sự ngoại giao. Các nhà ngoại giao Mỹ có thể được bố trí làm việc theo khu vực trong suốt sự nghiệp thay vì luân chuyển toàn cầu như hiện nay.
"Toàn bộ các vị trí và nhiệm vụ đều phải được chấp thuận bằng văn bản từ Tổng thống Mỹ", bản dự thảo viết. Sắc lệnh cũng kêu gọi chấm dứt kỳ thi ngoại giao, thay thế bằng tiêu chí "phù hợp với tầm nhìn chính sách đối ngoại của Tổng thống".
Không chỉ vậy, học bổng Fulbright do Bộ Ngoại giao cấp có thể được cải cách thành "chỉ dành cho chương trình thạc sĩ trong các ngành liên quan đến an ninh quốc gia, với ưu tiên các ngôn ngữ "trọng yếu".
Các suất học bổng liên kết với Đại học Howard, ngôi trường truyền thống của người da màu tại Washington, cũng sẽ bị hủy bỏ, nằm trong nỗ lực chấm dứt các sáng kiến đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI) của chính quyền Tổng thống Trump.
Nếu được thực hiện, các đề xuất này sẽ là một sự từ chối đáng kể cam kết của Mỹ với trật tự thế giới đa phương.
Tuy nhiên, bất kỳ cuộc cải tổ mạnh mẽ nào đối với các hoạt động ngoại giao của Mỹ đều chỉ diễn ra sau khi chính quyền Trump hoàn tất sáp nhập Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) vào Bộ Ngoại giao, cắt giảm các hoạt động, và khôi phục một số chương trình, bao gồm các chương trình hỗ trợ lương thực khẩn cấp.
Cục các vấn đề nhân đạo sẽ "đảm nhận mọi nhiệm vụ quan trọng mà USAID thực hiện trước đây", theo nội dung trong sắc lệnh.
Một quan chức ngoại giao cấp cao ở châu Phi cho biết những thông tin đang được lưu truyền trong Bộ Ngoại giao Mỹ về cải cách dịch vụ ngoại giao có thể sẽ không triệt để như bản dự thảo mô tả.
Trên trang Reddit dành riêng cho công tác ngoại giao của Mỹ, một người dùng cho biết họ nghi ngờ rằng các thay đổi sẽ không diễn ra như nội dung trong bản thảo.
"Tôi nghĩ đây là thông tin bị rò rỉ có chủ ý nhằm khiến mọi người hài lòng với một kế hoạch cải tổ khiêm tốn hơn trong tương lai, dù vẫn không được ưa chuộng", người này viết. "Sắc lệnh sẽ lập tức bị thách thức và đình chỉ thi hành, rồi quá trình triển khai sẽ bị kéo dài cho đến khi ông Trump hết nhiệm kỳ", người này nhấn mạnh.
Trước những thông tin này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng phủ nhận. Một người phát ngôn khẳng định rằng bản báo cáo "hoàn toàn dựa trên một tài liệu giả mạo".
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng đăng bài bác bỏ thông tin trên mạng xã hội X, gọi thông tin về cuộc cải tổ là "tin giả".
Dự thảo bị rò rỉ nêu trên không phải tài liệu nội bộ duy nhất đề xuất thay đổi hoạt động ngoại giao của Mỹ. Một tài liệu đề xuất khác đã đề cập đến việc cắt giảm 50% ngân sách của Bộ Ngoại giao, trong khi một tài liệu thứ ba kêu gọi đóng cửa 10 đại sứ quán và 17 lãnh sự quán.
Theo số liệu từ trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, đội ngũ nhân sự hiện tại bao gồm 13.000 thành viên thuộc ngạch ngoại giao, 11.000 công chức và 45.000 nhân viên địa phương làm việc tại hơn 270 phái bộ ngoại giao trên toàn thế giới.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/ro-ri-du-thao-sac-lenh-tai-co-cau-manh-me-bo-ngoai-giao-my-a324135.html