Chu Thanh Huyền kinh doanh ra sao trước khi bị tố cáo bán hàng lậu?

Trước khi Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội tiếp nhận đơn, xác minh thông tin tố cáo dấu hiệu bán hàng lậu, trốn thuế, Chu Thanh Huyền tích cực livestream và bán hàng online, với doanh thu hơn tỷ đồng một buổi phát sóng. Nữ Tiktoker cũng đại diện pháp lý cho 2 doanh nghiệp.

Chu Thanh Huyền sinh năm 2000, nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ kinh doanh online và livestream (phát trực tiếp) bán hàng mỹ phẩm. Chu Thanh Huyền là vợ cầu thủ bóng đá Quang Hải, cặp đôi tổ chức đám cưới tháng 4/2024.

Kiếm tiền tỷ chỉ sau một phiên bán hàng online

Cơ quan chức năng cho biết, Chu Thanh Huyền bị tố kinh doanh bộ mỹ phẩm OHUI PRIME xuất xứ từ Hàn Quốc nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt, không xuất hóa đơn bán hàng và có dấu hiệu trốn thuế.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong , hiện tại kênh bán hàng chính của Chu Thanh Huyền trên tiktok có gần 351.000 người theo dõi, trang cá nhân hơn 1,7 triệu người theo dõi, còn tải khoản facebook có hơn 310.000 người theo dõi. Mỗi phiên livestream của cô thu hút từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn mắt xem. Hồi tháng 11/2023 Chu Thanh huyền từng tiết lộ doanh thu bán hàng một phiên livestream đạt 1,6 tỷ đồng, với gần 5.000 đơn hàng trong một buổi phát sóng.

Đặc biệt, trước khi Cục Quản lý Dược, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội tiếp nhận đơn, xác minh thông tin tố cáo dấu hiệu bán hàng lậu, trốn thuế, mặt hàng bán chạy nhất trong phần giỏ hàng trên Tiktok Shop của Chu Thanh Huyền là một loại sữa dưỡng da được niêm yết với giá 150.000 đồng, sau khi áp mã khuyến mại còn giá 123.000 đồng và đã bán được hơn 74.000 sản phẩm, tương đương doanh thu đạt hơn 9-11 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại sản phẩm này đã bị gỡ khỏi giỏ hàng của Chu Thanh Huyền.

Chu Thanh Huyền kinh doanh ra sao trước khi bị tố cáo bán hàng lậu?- Ảnh 1.

Chu Thanh huyền từng tiết lộ doanh thu bán hàng một phiên livestream đạt 1,6 tỷ đồng, với gần 5.000 đơn hàng trong một buổi phát sóng trên Tiktok. Ảnh: Chụp màn hình.

Ghi nhận trong chiều 18/4, giỏ hàng ở trang cá nhân của Chu Thanh Huyền trên Tiktok Shop có 13 sản phẩm chủ yếu là mỹ phẩm . Trong đó, sản phẩm bán chạy nhất là mặt nạ chăm sóc da có giá gốc là 250.000 đồng nhưng đang được giảm giá chỉ còn 145.000 đồng, hiện đã bán được hơn 3.400 sản phẩm, tương đương gần 500 - 860 triệu đồng doanh thu.

Cùng với việc livestream và bán hàng, Chu Thanh Huyền đang là đại diện pháp lý cho 2 doanh nghiệp. Theo đó, trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Chu Thanh Huyền là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Hamin Bio (Hamin Bio).

Công ty Hamin Bio được thành lập vào ngày 12/4/2024. Doanh nghiệp này chuyên về lĩnh vực bán buôn thực phẩm, bên cạnh đó còn mở rộng sang các mặt hàng khác như vải, hàng may mặc, giày dép, đồ dùng gia đình, thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh .

Trụ sở chính của Công ty Hamin Bio đặt tại ngõ 38/6, phố Đặng Thùy Trâm, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Khi mới thành lập, Hamin Bio có vốn điều lệ là 2 tỷ đồng, trong đó Chu Thanh Huyền đã góp vốn 1,28 tỷ chiếm 64% tổng số vốn, còn lại là 720 triệu từ ông Lê Văn Khánh - người nắm giữ 36% cổ phần.

Chu Thanh Huyền kinh doanh ra sao trước khi bị tố cáo bán hàng lậu?- Ảnh 2.

Chu Thanh Huyền đang là đại diện pháp lý cho 2 doanh nghiệp.

Lê Văn Khánh hiện cũng đang giữ chức vụ giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Hân Korea (thành lập từ ngày 12/3/2021) - doanh nghiệp phân phối mỹ phẩm cho Chu Thanh Huyền.

Tương tự như Hamin Bio, Hân Korea cũng cung cấp nhiều sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thuốc và dụng cụ y tế. Mới đây, Hân Korea đã tăng vốn điều lệ từ mức ban đầu 1 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng.

Chu Thanh Huyền cũng là người đại diện pháp luật của hộ kinh doanh mỹ phẩm Hàn Quốc, hoạt động từ tháng 7/2023 ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại, hộ kinh doanh này đã ngừng hoạt động.

Nhiều lần bị phản ứng vì quảng cáo sai sự thật

Đây không phải là lần đầu tiên Chu Thanh Huyền vướng ồn ào về quảng cáo hay bán hàng. Hồi tháng 6 năm ngoái, Cục Quản lý Dược cũng đã có công văn gửi Sở Y tế TP. Hà Nội, đề nghị kiểm tra, xử lý nghiêm Công ty TNHH thương mại Hân Korea nếu phát hiện vi phạm.

Theo công văn, Cục Quản lý Dược nhận được phản ánh các sản phẩm do công ty này phân phối không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây kích ứng da, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Sau đó, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã có kết luận tạm dừng việc bán, lưu thông, sử dụng hàng hoá lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên từ ngày 4/7/2024. Nguyên nhân tạm dừng là do vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Trước vụ việc vừa nêu, Chu Thanh Huyền thừa nhận công ty mình sai sót trong khâu in tem dán nhãn phụ của mã biotin - viên kích thích mọc tóc xuất xứ Hàn Quốc.

Chu Thanh Huyền kinh doanh ra sao trước khi bị tố cáo bán hàng lậu?- Ảnh 3.

Sản phẩm của Chu Thanh Huyền phân phối từng bị cơ quan chức năng "tuýt còi" vì vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Ảnh: Chụp màn hình.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Chu Thanh Huyền bị tố lợi dụng hình ảnh con trai để quảng bá sản phẩm “sữa nước” hươu cao cổ từ Hàn Quốc. Cụ thể, trong clip đăng tháng 2, Chu Thanh Huyền giới thiệu loại sữa này giúp trẻ “bụ bẫm”, thậm chí pha trực tiếp cho con trai mới gần 8 tháng tuổi uống. Nhiều khách hàng kiểm tra thông tin từ nhà sản xuất thì phát hiện loại “sữa nước” vừa nêu chỉ được khuyến cáo sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên

Sau đó, vợ cầu thủ Quang Hải cho rằng đây là trải nghiệm cá nhân, dễ gây hiểu nhầm nên đã gỡ sản phẩm ra khỏi giỏ hàng trên trang cá nhân.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - cho biết, với sự bùng nổ về công nghệ thông tin thì ai cũng có thể trở thành những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs, KOC), quảng cáo hàng hóa chỉ với một chiếc điện thoại thông minh ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào mà không cần qua trường, lớp đào tạo.

Nhiều doanh nghiệp bán hàng giả, hàng kém chất lượng thường hướng tới việc thuê các KOLs, KOC để quảng cáo sản phẩm với thù lao "khủng" vì họ có lượng người hâm mộ và tương tác cao trên mạng xã hội, dễ dàng chuyển từ sự hâm mộ sang niềm tin đối với những sản phẩm mà họ giới thiệu.

Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, việc các quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan còn do người tiêu dùng hiện nay quá dễ dãi. Do đó, người tiêu dùng cần thay đổi tư duy về việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng khi mua phải sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên mạng bằng việc đi thưa kiện.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/chu-thanh-huyen-kinh-doanh-ra-sao-truoc-khi-bi-to-cao-ban-hang-lau-a323901.html