Sĩ quan Ukraine: Tân binh thiệt mạng ngay cả trước khi giao tranh

() - Sĩ quan Ukraine cho biết, nhiều tân binh chưa quen với điều kiện chiến đấu vô cùng khốc liệt, thường thiệt mạng nhanh. Magnus Ek, giảng viên quân sự người Thụy Điển, cho rằng đó là một "bi kịch lớn".

Sĩ quan Ukraine: Tân binh thiệt mạng ngay cả trước khi giao tranh - 1

Chiến sự Ukraine bước sang giai đoạn quyết liệt hơn (Ảnh minh họa: Le Monde).

Quân đội Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng và khủng hoảng trong việc huấn luyện tân binh. Các chỉ huy trên thực địa cho biết họ ngày càng nhận được những người lính chiến đấu như thể chưa từng được huấn luyện.

Theo lời kể của khoảng 10 sĩ quan trên khắp tiền tuyến, do thiếu các kỹ năng sinh tồn cơ bản, chẳng hạn như sử dụng chăn chống nhìn đêm để tránh bị UAV tập kích, nên các tân binh "thường thiệt mạng hoặc bị thương" ngay trong những tuần đầu tiên.

"Tân binh thiệt mạng ngay cả trước khi giao tranh"

Trung tá Lục quân Anh đã nghỉ hưu Glen Grant, người từng có thời gian cố vấn cho Bộ Quốc phòng Ukraine từ 2014 đến 2018, cho biết, không ai chịu trách nhiệm khi tân binh phải chịu thương vong nặng nề trong giai đoạn đầu. "Hệ thống huấn luyện của Ukraine là chắp vá, đến đâu hay đến đó...", ông nói.

Theo lời các giảng viên tại trung tâm huấn luyện và sĩ quan ngoài mặt trận, thách thức lớn nhất trong việc huấn luyện tân binh là các kỹ năng sinh tồn trên chiến trường trở nên lỗi thời rất nhanh.

Sự xuất hiện của máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) hay các chiến thuật tấn công thay đổi của Nga dẫn tới việc cần phải có "sự trao đổi thông tin liên tục" giữa chiến trường và các trung tâm huấn luyện.

Về lý thuyết, sau một tháng rưỡi huấn luyện, tân binh được cho là sẽ có 2 tuần ở gần mặt trận để làm quen với tiền tuyến trong điều kiện an toàn tương đối, trước khi ra "tuyến số 0" để đối mặt với "hòn tên mũi đạn" thực sự. Tuy nhiên, theo nhà lập pháp Ruslan Gorbenko, điều này rất hiếm khi diễn ra.

Nhiều đại đội trưởng ở tỉnh Donetsk cho biết quân số hao hụt quá lớn, nên mỗi khi có quân tiếp viện, họ buộc phải đưa ngay ra "tuyến số 0" để thay cho binh sĩ đã kẹt ở đó hàng tuần.

Những người lính mới, chưa quen với điều kiện tiền tuyến vô cùng khốc liệt, nơi phải đối mặt với làn sóng tấn công liên tục từ UAV FPV, bom và pháo, có tỷ lệ thương vong cao hơn nhiều so với những người đã phục vụ trong quân đội nhiều tháng hoặc nhiều năm.

"Tân binh thiệt mạng ngay cả trước khi giao tranh", sĩ quan Oleksii thuộc Lữ đoàn bảo vệ lãnh thổ 109 nói. Vì lý do an ninh và tính chất nhạy cảm, nhiều người được phỏng vấn chỉ cung cấp tên.

Oleksii cho biết, những người sống sót sau trận chiến đầu tiên thường mất tinh thần vì đồng đội bỏ mạng quá nhiều, thậm chí không dám ra trận lần nữa.

Bohdan, đại đội trưởng tạm thời của Tiểu đoàn đặc nhiệm độc lập số 214 OPFOR chia sẻ với Kyiv Independent: "Lính mới có thể chạy tán loạn, và đó là tình huống nguy hiểm nhất khi có người mất bình tĩnh".

Quân nhân trên cũng chỉ ra một vấn đề đặc biệt đáng quan ngại: Tình trạng thông tin liên lạc kém giữa các đơn vị tiền tuyến, khiến họ không thể phối hợp như "một khối thống nhất", làm tăng nguy cơ bắn nhầm quân nhà.

Đại tá Yevhen Mezhevikin, Phó ban Huấn luyện Bộ Tổng tham mưu, phản biện rằng chỉ huy có trách nhiệm đảm bảo lính mới có thời gian làm quen với chiến tranh và sẵn sàng chiến đấu. Ông nói thêm rằng nếu chỉ huy thấy lính mới được huấn luyện chưa tốt, họ nên báo cáo lên cấp trên để trung tâm huấn luyện rút kinh nghiệm.

Đại tá Mezhevikin nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để nâng cao chất lượng huấn luyện quân nhân và giao trách nhiệm cho chỉ huy ở các đơn vị tiếp tục huấn luyện".

Vì đâu nên nỗi?

Các sĩ quan được phỏng vấn cho biết, sự thiếu động lực và tình trạng quá tải ở các thao trường là nguyên nhân chính khiến một số lính mới nhập ngũ gần đây thiếu kiến thức.

Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận hồi tháng 7/2024 rằng có sự thiếu hụt cơ sở huấn luyện cho tân binh, nhưng khẳng định rằng "chúng đang được mở rộng".

Tân binh thường lãng phí thời gian xếp hàng chờ đợi, tập chay hoặc chỉ đứng xem. Đôi khi, họ không được hỏi hoặc sửa lỗi kỹ thuật, điều này rất bất lợi khi ra trận.

Theo một cựu binh Anh đang chiến đấu cho Ukraine (yêu cầu giấu tên vì quy định đơn vị), huấn luyện cơ bản cần chú trọng thực tế hơn, bao gồm cả cách xây dựng công sự và ngụy trang.

Sĩ quan Ukraine: Tân binh thiệt mạng ngay cả trước khi giao tranh - 2

Tân binh Ukraine tham gia một khóa huấn luyện (Ảnh: Kyiv Independent).

Theo nghiên cứu của Come Back Alive Foundation về chương trình huấn luyện tân binh năm 2024, các vấn đề chính trong huấn luyện cơ bản của quân đội Ukraine bao gồm giảng viên thiếu động lực, kiệt sức trầm trọng và thường không có kinh nghiệm chiến đấu.

Một số người chỉ trích sự "thiếu trách nhiệm" của cả Bộ Tổng tham mưu và Bộ Quốc phòng vì đã không giải quyết vấn đề sớm hơn.

Theo nghiên cứu của Come Back Alive, hậu cần cũng là một vấn đề tại các trung tâm huấn luyện, khiến tân binh phải mất nhiều thời gian do phải đi bộ nhiều km mỗi ngày giữa thao trường và nơi đóng quân.

Vào mùa đông, tân binh mới thường bị ốm và bỏ lỡ những ngày huấn luyện đầu tiên quan trọng.

Nỗ lực khắc phục

Một số cải tiến nhỏ đã được thực hiện, như một trung tâm huấn luyện lớn đã sử dụng kính VR để mô phỏng sự tàn khốc của tiền tuyến, nơi binh sĩ mất tay chân và quằn quại trong đau đớn. Tuy nhiên, phần lớn công việc vẫn do tình nguyện viên đảm nhận.

Magnus Ek, một giảng viên người Thụy Điển, là một trong những người huấn luyện thêm cho binh sĩ Ukraine sau khi họ rời trường huấn luyện. Sau khi huấn luyện khoảng 2.000 binh sĩ từ năm 2022, Ek cho rằng "đó là một bi kịch lớn" khi binh sĩ thường thiếu các kỹ năng cơ bản, kể cả bắn súng.

Theo Ek, người có 12 năm kinh nghiệm trong quân đội Thụy Điển, mọi thứ đều thiếu, kể cả huấn luyện y tế chiến thuật, dẫn đến việc tân binh dùng garo sai cách, có thể gây mất tay hoặc chân ở tiền tuyến.

Giảng viên này tin rằng có thể dễ dàng thay đổi tình hình huấn luyện, đặc biệt là khi có những ví dụ điển hình như Lữ đoàn Azov và Lữ đoàn xung kích số 3 (nay là Quân đoàn 3), vốn có chương trình huấn luyện hiệu quả.

Kyrylo Berkal, Phó tư lệnh Quân đoàn 3, người giám sát công tác huấn luyện, cho biết các vấn đề cũng nằm ở việc thiếu cường độ tại các trung tâm huấn luyện, đặc biệt là so với các điều kiện chiến tranh thực tế, và động lực thấp của các giảng viên, có thể là do lương thấp và khối lượng công việc quá lớn.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/si-quan-ukraine-tan-binh-thiet-mang-ngay-ca-truoc-khi-giao-tranh-a323822.html