Lễ hội té nước Songkran là ngày tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan. Do đạo Phật là quốc giáo của đất nước này, nên ngày mừng năm mới Songkran được tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch (tương ứng với ngày 13-15/4 theo dương lịch).
Quy định này được bắt đầu từ năm 1941 do Hoàng gia Thái Lan ban hành.
Lễ hội té nước năm nay diễn ra cao điểm từ ngày 13/4 đến 15/4, hiện thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế tới trải nghiệm, bất chấp chỉ vài tuần trước đó, quốc gia này vừa chịu ảnh hưởng lớn từ trận động đất ở Myanmar.
Năm nay, lễ hội vẫn diễn ra trong vòng 7 ngày với hàng loạt hoạt động đáng chú ý như diễu hành, cuộc thi sắc đẹp với nhiều nghi thức truyền thống.
Truyền thông Thái Lan còn gọi 7 ngày diễn ra lễ hội là "7 ngày nguy hiểm" bởi các vụ tai nạn giao thông gây thương vong tăng đột biến.
Theo số liệu thống kê mới nhất vừa được tờ Bangkok Post cập nhật, lễ hội năm nay ghi nhận tổng số ca tử vong lên tới 253 trường hợp.
Ngày 18/4, trung tâm điều hành an toàn đường bộ Thái Lan cho biết, đã có 147 vụ tai nạn giao thông với 145 người bị thương, 22 ca tử vong vào ngày cuối cùng của lễ hội. Như vậy tổng cộng trong suốt dịp lễ hội đã có tới 1.495 người bị thương trong số 1.538 vụ tai nạn.
Với con số này, có thể thấy số vụ tai nạn năm nay thấp hơn khoảng 24,8% so với năm ngoái. Các tỉnh có nhiều vụ tai nạn nhất được ghi nhận bao gồm Phatthalung (63 vụ), Lampang (52 vụ) và Narathiwat (49 vụ). Trong khi đó Bangkok chứng kiến số người tử vong cao nhất là 19 trường hợp.
Biển người tham gia lễ hội té nước ở Thái Lan (Nguồn video: Samzacktyler)
Xe máy vẫn là phương tiện xảy ra nhiều vụ tai nạn nhất. Tiếp theo là xe bán tải và ô tô. Số ca tử vong có tỷ lệ cao là những người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 29. Trong đó, số nạn nhân nam giới chiếm tới 64,6%.
Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), chỉ trong 3 ngày (11/4 đến 13/4), lễ hội đã thu hút hơn 558.000 lượt khách tham gia. Bà Sasikarn Wattanachan, Phó phát ngôn viên chính phủ cho biết, lễ hội năm nay dự kiến tạo ra 26,5 tỷ baht (726 triệu USD) doanh thu cho nền kinh tế Thái Lan.
Trong số đó, khoảng 7,32 tỷ baht là nguồn thu từ khách quốc tế và 19,24 tỷ baht thu được từ khách nội địa. Con số này tăng trưởng lần lượt là 7% và 9% so với lễ hội năm ngoái. Du lịch nội địa đạt khoảng 4,42 triệu chuyến đi.
Suốt thời gian lễ hội, Bangkok vẫn là điểm đến hút khách nhất, thậm chí có thời điểm "vỡ trận" vì lượng khách quá đông.
Bà Thapanee Kiatphaibool, Giám đốc TAT cho biết, lễ hội được tổ chức dọc theo đại lộ Ratchadamnoen và khu vực Sanam Luang (quận Phra Nakhon, Bangkok), thu hút hơn 34.600 lượt khách quốc tế. Hàng nghìn người đã đổ về khu vực trung tâm để tham gia lễ diễu hành và té nước tập thể.
Những điểm đến khác cũng chứng kiến sự tăng trưởng phù hợp với chính sách của chính phủ Thái Lan. Cụ thể, việc tìm kiếm các điểm đến du lịch đều tăng cao như Chumphon tăng 95%, Nakhon Phanom tăng 68%...
Nhằm phục vụ cho hoạt động té nước, Bangkok đã tăng thêm khoảng 100.000m3 nước mỗi ngày. Không chỉ tiêu thụ nước lớn, lượng rác thải khổng lồ suốt trong và sau lễ hội trở thành thách thức lớn với môi trường. Chỉ riêng năm 2024, Bangkok ghi nhận hơn 51.430 tấn rác chỉ trong vài ngày lễ.
Ngày 6/12/2023, UNESCO đã ghi Songkran - Lễ hội đón năm mới truyền thống của Thái Lan vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.
Sự công nhận này nhấn mạnh ý nghĩa của Songkran như một tập tục văn hóa thể hiện các giá trị và truyền thống xã hội quan trọng.
Ngoài các hoạt động trong dịp lễ hội lớn, Thái Lan cũng triển khai nhiều chính sách thân thiện với khách du lịch hơn như miễn thị thực, hoàn thuế giá trị gia tăng, chương trình bảo hiểm y tế mới cho du khách quốc tế với mức thanh toán cao nhất lên tới 1 triệu baht (775 triệu đồng).
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/hon-200-nguoi-tu-vong-trong-le-hoi-te-nuoc-thai-lan-vo-tran-a323784.html