Máy bay Eurofighter Typhoon mang theo tên lửa Taurus (Ảnh: Airbus Defence).
Việc chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Kiev sẽ không làm thay đổi cục diện trên tiền tuyến, nhưng các loại đạn pháo truyền thống thì có thể làm được điều đó, ông Armin Papperger, Giám đốc điều hành của tập đoàn quốc phòng Rheinmetall, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Handelsblatt.
"Việc chuyển giao Taurus sẽ không thay đổi điều gì trong cuộc chiến, những tên lửa này sẽ không giúp xoay chuyển tình hình. Hơn nữa, Ukraine đã sở hữu các loại tên lửa hành trình có tầm bắn tương đương", ông nói.
"Taurus là một loại tên lửa tốt, không nghi ngờ gì, nhưng Đức chỉ còn vài trăm quả. Nhiều trong số đó thậm chí không thể sử dụng được", CEO Rheinmetall, tập đoàn được mệnh danh là "người khổng lồ quốc phòng Đức", nhấn mạnh.
"Chúng ta đang tập trung vào những thứ không thực sự tạo ra khác biệt đáng kể trong cục diện chiến sự. Máy bay không người lái cũng không thể xoay chuyển tình thế, vì chúng có thể bị đánh chặn dễ dàng", ông Papperger chỉ ra. Theo ông, lý do duy nhất khiến UAV hiện tại vẫn có hiệu quả là vì hiện chưa có hệ thống phòng không chống UAV thực sự hiệu quả.
"Thứ có thể xoay chuyển tình thế, chính là đạn pháo truyền thống", ông nhấn mạnh.
Hôm 13/4, ông Friedrich Merz, lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), người được kỳ vọng sẽ đứng đầu chính phủ mới của Đức vào tháng 5, cho biết việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev là khả thi, miễn là có sự phối hợp với các đối tác trong Liên minh châu Âu.
Ông lập luận rằng quân đội Ukraine đang ở thế phòng thủ, nhưng cần có khả năng tấn công các tuyến tiếp tế của quân đội Nga, và đặc biệt nhắc đến cầu Crimea (Kerch) trong bối cảnh này.
Kiev từ lâu đã kêu gọi Berlin cung cấp tên lửa Taurus nhưng chính quyền hiện tại không đồng ý vì lo ngại loại vũ khí này có thể kéo Đức vào cuộc xung đột. Loại tên lửa này được coi là tương đương với Storm Shadow của Anh, vốn đã được chuyển giao cho Ukraine, nhưng tên lửa Taurus của Đức - Thụy Điển có tầm bắn xa hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhiều lần cảnh báo rằng việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga sẽ đồng nghĩa với việc NATO can dự trực tiếp vào xung đột.
Ngoài ra, ông Papperger tiết lộ rằng tập đoàn sản xuất vũ khí Rheinmetall đang mở rộng dự án xây dựng một nhà máy đạn dược tại Ukraine, vốn hiện trong quá trình thi công, với kế hoạch hoàn thành vào năm 2026.
"Giống như nhà máy sản xuất pháo ở Unterluess, chúng tôi đang mở rộng quy mô nhà máy được xây dựng tại Ukraine. Kế hoạch ban đầu là sản xuất 150.000 đơn vị đạn mỗi năm, nhưng chúng tôi sẽ tăng đáng kể con số này", ông cho biết.
Rheinmetall hiện là tập đoàn quốc phòng lớn nhất nước Đức. Trong chiến sự Ukraine, công ty này là một những nhà cung cấp vũ khí cho phía Kiev và thu được lợi nhuận đáng kể. Dự kiến doanh thu của công ty sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, nhờ việc mở rộng năng lực sản xuất.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/tap-doan-quoc-phong-duc-neu-vu-khi-co-the-xoay-chuyen-chien-su-ukraine-a323669.html