Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm căn cứ quân sự ở Hàn Quốc năm 2019 (Ảnh: Reuters).
Theo các nguồn tin, việc trang trải chi phí cho hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản có thể là một trong những vấn đề được đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump với hai đồng minh châu Á này bất chấp nỗ lực của Tokyo và Seoul nhằm tách bạch đàm phán an ninh khỏi thương mại.
Trong các bài đăng trên nền tảng Truth Social, ông Trump cho biết việc chia sẻ chi phí quốc phòng sẽ là một phần của các cuộc đàm phán "mua sắm một cửa" với Seoul. Ông cũng nêu vấn đề gánh nặng quốc phòng khi các quan chức Nhật Bản đến Washington trong tuần này.
Hiện có khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ đóng quân tại Nhật Bản và 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc. Cả hai quốc gia đều dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Sự hiện diện này cũng đóng vai trò quan trọng đối với khả năng thể hiện sức mạnh và ảnh hưởng của quân đội Mỹ trong khu vực.
Ông Trump trước đây đã gợi ý rằng ông có thể rút quân Mỹ nếu các nước không trả tiền. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã yêu cầu các nước đồng minh trả thêm hàng tỷ USD.
Hôm 16/4, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Hàn Quốc Kim Hong-kyun nói với quốc hội rằng mặc dù Washington chưa chính thức đề xuất đàm phán lại Hiệp định các biện pháp đặc biệt (SMA), Seoul đang chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau. Hiệp định này yêu cầu Hàn Quốc hỗ trợ quân đội Mỹ đóng quân tại đây.
Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok cho biết việc chia sẻ chi phí vẫn chưa được xem xét.
Về phía Nhật Bản, Tokyo coi vấn đề chi tiêu quốc phòng tách biệt với thuế quan, một quan chức chính phủ khẳng định.
Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển các câu hỏi đến Nhà Trắng, nhưng không được trả lời.
Chuyên gia Danny Russel tại Viện Chính sách Xã hội châu Á nhận định, mở lại các cuộc đàm phán quốc phòng là một chiến thuật gây áp lực có chủ ý của Tổng thống Trump.
Ông cho biết: "Ông Trump đã nói rõ bản thân coi các mối quan hệ liên minh là giao dịch và quyết tâm thu được lợi nhuận kinh tế tương xứng với giá trị của chiếc ô quốc phòng của Mỹ".
Nhật Bản là nơi Mỹ triển khai quân đội nước ngoài ở quy mô lớn nhất trên toàn cầu. Theo một thỏa thuận được đàm phán vào năm 2022 và sẽ hết hạn vào tháng 3/2027, chi phí trung bình hàng năm mà Nhật Bản phải chi trả cho việc duy trì quân đội Mỹ lên tới khoảng 211 tỷ yên (1,48 tỷ USD).
Trong khi đó, ngay trước cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, Hàn Quốc và chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã vội vã ký một SMA mới có thời hạn 5 năm. Theo đó Seoul sẽ tăng đóng góp của mình đối với việc duy trì quân đội Mỹ ở nước này thêm 8,3% lên 1,47 tỷ USD trong năm đầu tiên, với các mức tăng sau đó tùy vào chỉ số giá tiêu dùng.
Tuy nhiên, kế hoạch đó dường như đã thất bại, một quan chức an ninh Hàn Quốc giấu tên cho biết.
Hàn Quốc có một chính phủ lâm thời sau khi ông Yoon Suk Yeol bị luận tội và bị phế truất trong tháng này với cáo buộc nổi loạn vì ban bố lệnh thiết quân luật. Một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tổ chức vào ngày 3/6.
"Seoul đã đàm phán lại SMA sớm một năm để chốt các điều khoản có lợi hơn trước khi ông Trump tái đắc cử. Việc thỏa thuận quốc phòng được mở lại và liên kết với các vấn đề kinh tế và thương mại rộng lớn hơn sẽ làm trầm trọng thêm mối quan tâm của Hàn Quốc về những nhượng bộ kinh tế mà họ có thể cần phải thực hiện cũng như khả năng tiếp tục tồn tại của cam kết quốc phòng của Mỹ", Bruce Klingner, cựu phân tích viên CIA hiện làm việc cho Trung tâm Di sản có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Những câu hỏi về khả năng hoặc sự sẵn sàng của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc đã làm dấy lên những lời kêu gọi mới yêu cầu Seoul chuẩn bị phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Giới phân tích cho biết các cuộc đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump càng phức tạp hơn bởi những tranh cãi về thực tế.
SMA được ký kết lần đầu vào năm 1991 và thỏa thuận được ký kết vào năm ngoái là thỏa thuận thứ 12 giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Trong phiên điều trần trước quốc hội tuần trước, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã ca ngợi những đóng góp của Hàn Quốc cho ngân sách quốc phòng, cũng như những đơn hàng lớn cho vũ khí và máy bay chiến đấu của Mỹ.
"Những khoản đầu tư chiến lược này nhấn mạnh mối quan hệ đối tác lâu dài giữa hai quốc gia", Tướng Xavier Brunson, Tư lệnh USFK cho biết.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/my-se-dua-chi-phi-quan-su-vao-dam-phan-thuong-mai-voi-han-quoc-nhat-ban-a323665.html