Một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot (Ảnh: Reuters).
Các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga nhằm vào mục tiêu dân sự ở Ukraine đang phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng trong năng lực phòng không của Kiev, một thực trạng ngày càng trở nên nghiêm trọng khi Ukraine thiếu hệ thống phòng thủ và vũ khí.
Không phận Ukraine quá rộng, lỗ hổng quá nhiều, và Moscow đang khai thác triệt để điểm này.
Hệ thống MIM-104 Patriot do Raytheon sản xuất là tuyến phòng thủ then chốt của Ukraine trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Nga vì đây là hệ thống duy nhất trong tay Lực lượng Vũ trang Ukraine (AFU) có khả năng đánh chặn loại tên lửa này.
Tuy nhiên, Patriot chỉ có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo ở tầm khoảng một nửa so với khả năng đánh chặn máy bay (90-180km), và số lượng triển khai tại Ukraine lại vô cùng hạn chế.
Cuối tuần qua, Nga phóng 2 tên lửa Iskander vào thành phố Sumy khi Ukraine tập hợp binh sĩ lại để tổ chức hoạt động trao thưởng. Nhân chứng có mặt khi vụ tấn công xảy ra đã xác nhận: Không có quả Patriot nào được phóng lên.
Ngày 4/4, một tên lửa Iskander khác rơi xuống Kryvyi Rih và cũng không có một hệ thống Patriot nào hoạt động.
Ukraine chỉ triển khai Patriot tại những khu vực cực kỳ quan trọng như trung tâm công nghiệp hoặc sân bay. Phần lớn lãnh thổ Ukraine vẫn hoàn toàn không được bảo vệ trước các đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Nga.
Những quả tên lửa này bay theo quỹ đạo parabol, lao xuống mục tiêu với tốc độ vượt Mach 5 (hơn 6.000 km/h, gấp 5 lần tốc độ âm thanh), khiến việc đánh chặn vô cùng khó khăn.
Trong vụ tấn công Sumy, một quả được phóng từ vùng Kursk (Nga), quả còn lại từ Belgorod, 2 hướng tấn công khiến khả năng Ukraine phản ứng gần như bằng 0.
Ở Kryvyi Rih, tên lửa từ Crimea rơi xuống chỉ chưa đầy 4 phút sau khi còi báo động vang lên.
Ukraine bắt đầu nhận các tổ hợp Patriot từ tháng 1/2023. Mỗi tổ hợp trị giá 1,5 tỷ USD, bao gồm radar, trạm điều khiển, hệ thống liên lạc, nguồn điện và 1-8 bệ phóng.
Tổng số Patriot mà Ukraine đang sở hữu là bí mật quân sự, nhưng các nguồn mở ước tính khoảng 6 tổ hợp: 3 do Đức viện trợ, 2 từ Mỹ, 1 từ Romania, và 1 tổ hợp "lai" từ Đức và Hà Lan. Trong khi đó, chính Tổng thống Volodymyr Zelensky từng cho biết Ukraine cần ít nhất 27 tổ hợp để có thể khép kín không phận.
Trong cuộc trả lời truyền thông ngày 9/4, ông nói rằng chỉ cần 10 tổ hợp cũng là mức tối thiểu để bảo vệ các trung tâm dân cư và công nghiệp, dù rất nhiều thành phố vẫn sẽ nằm ngoài vùng được bảo vệ.
Ngày 14/4, trong chương trình "60 Minutes" của CBS, ông Zelensky một lần nữa khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng trả 15 tỷ USD để mua ít nhất 10 tổ hợp, và chúng tôi trả ngay lập tức".
Trước đó, ông từng đề nghị Mỹ cấp phép để Ukraine tự sản xuất Patriot hoặc ít nhất là tên lửa, một đề xuất được báo chí Ukraine cho biết đã bị Mỹ bác bỏ.
Với ngành công nghiệp vũ trụ từ thời Liên Xô, Ukraine hoàn toàn có năng lực lắp ráp Patriot, thậm chí sản xuất được một số linh kiện, nhưng họ cần nhiều năm và nguồn lực khổng lồ để đi vào vận hành thực sự.
Tạp chí Defense Express bình luận ngày 9/4: "Nút thắt của Patriot không nằm ở dây chuyền lắp ráp, mà ở chuỗi cung ứng các linh kiện quan trọng từ nhà thầu Mỹ. Con đường này mang tính chiến lược với Ukraine, nhưng nó sẽ không nhanh, và chắc chắn không rẻ".
Theo các quan chức Ukraine, Nhà Trắng chưa phản hồi đề nghị mua Patriot từ Kiev.
Tuy nhiên, khó khăn của Ukraine không chỉ ở hệ thống Patriot, mà còn ở việc họ thiếu tên lửa đánh chặn.
Ukraine đã 2 lần cạn kiệt tên lửa cho Patriot, một lần vào tháng 11/2023 và một lần vào giữa năm 2024. Mỗi tên lửa đánh chặn Patriot trị giá từ 4 đến 7 triệu USD, và Ukraine thường phải phóng ít nhất 2 quả cho mỗi mục tiêu.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/ly-do-ten-lua-dan-dao-nga-ngay-cang-de-xuyen-la-chan-phong-ve-ukraine-a323371.html