Tàu vận tải biển có thể bị áp phí khí thải từ năm 2028 (Ảnh minh họa: News York Times).
Thỏa thuận được hơn 60 quốc gia thông qua yêu cầu tàu vận chuyển hàng hóa quốc tế phải giảm khí thải nhà kính hoặc nộp phí.
Nguồn thu sẽ hỗ trợ chuyển đổi sang nhiên liệu sạch và giúp các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực vào năm 2028, sau khi dự kiến được thông qua chính thức tại cuộc họp tháng 10 tới.
Với sự ủng hộ rộng rãi hiện tại, lãnh đạo IMO kỳ vọng thỏa thuận sẽ được phê chuẩn với ít thay đổi.
Ông Faig Abbasov từ tổ chức Vận tải và Môi trường nhấn mạnh đây là quyết định ràng buộc đầu tiên buộc các công ty vận tải biển phải giảm carbon và chuyển đổi nhiên liệu. Thỏa thuận áp dụng cho mọi tàu thuyền không phân biệt quốc tịch đăng ký, bao gồm cả tàu mang cờ Mỹ.
Chưa rõ phản ứng của Washington, nhưng một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận nước này không tham gia đàm phán.
Ngành vận tải biển hiện sử dụng chủ yếu dầu nhiên liệu nặng, vận chuyển hơn 80% hàng hóa toàn cầu và đóng góp khoảng 3% khí thải nhà kính, tương đương với ngành hàng không.
Thỏa thuận IMO áp dụng hệ thống phí 2 cấp sau 2 năm đàm phán. Các tàu sử dụng dầu vận chuyển thông thường sẽ phải trả mức phí cao hơn là 380 USD cho mỗi tấn khí thải CO2 tương đương được tạo ra, trong khi các tàu sử dụng hỗn hợp nhiên liệu ít carbon hơn sẽ phải trả mức phí thấp hơn là 100 USD cho mỗi tấn vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn nhiên liệu.
Thỏa thuận dự kiến thu về 11-13 tỷ USD mỗi năm. Tổng thư ký IMO Arsenio Dominguez gọi đây là "kết quả tích cực" trong hành trình dài tiến tới giảm phát thải.
Ngưỡng này sẽ nghiêm ngặt dần, nhằm khuyến khích chuyển đổi sang nhiên liệu sinh học. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy phát triển nhiên liệu thay thế như hydro.
Thỏa thuận giảm khí thải hàng hải vấp phải nhiều phản đối. Các nước đang phát triển lo ngại bị bất lợi do sở hữu đội tàu cũ, trong khi Ả rập Xê út phản đối mức giá cao. Bộ trưởng Khí hậu Vanuatu bày tỏ thất vọng vì đề xuất hỗ trợ tài chính cho các nước dễ bị tổn thương bị bác bỏ.
Cuối cùng, EU và Trung Quốc đã ủng hộ thỏa thuận thỏa hiệp, trong khi Ả rập Xê út và Nga bỏ phiếu chống, Mỹ hoàn toàn rút khỏi đàm phán.
Thỏa thuận này là bước tiếp theo của cam kết loại bỏ khí thải vào năm 2050 mà ngành vận tải biển đã đưa ra năm 2023.
Phòng Thương mại Vận tải biển Quốc tế (ICS) dự báo thỏa thuận ít ảnh hưởng đến giá cả và xem đây là khung khởi đầu dù chưa được hoàn thiện.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/tau-van-tai-bien-se-bi-ap-phi-khi-thai-a323306.html