Trước xung đột ở Ukraine, Nga là đối tác cung cấp năng lượng chính cho châu Âu (Ảnh: AFP).
Các lãnh đạo doanh nghiệp lớn tại Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thảo luận khả năng nối lại nhập khẩu khí đốt Nga, bao gồm cả từ tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom, theo Reuters.
Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, năng lượng được cho là đã trở thành một quân bài trong các cuộc đàm phán thương mại, khiến cộng đồng doanh nghiệp châu Âu lo ngại rằng việc quá phụ thuộc vào Mỹ đang tạo thêm một điểm yếu chiến lược mới.
Trong khi đó, đàm phán với Qatar nhằm tăng nguồn cung khí đốt đang rơi vào bế tắc. Dù năng lượng tái tạo được châu Âu thúc đẩy mạnh mẽ, tốc độ hiện nay vẫn chưa đủ để khiến EU cảm thấy an toàn về năng lượng.
Trong bối cảnh đó, một số công ty châu Âu công khai thảo luận khả năng nối lại việc nhập khẩu khí đốt Nga ở mức độ hạn chế.
"Nếu có một nền hòa bình tương đối ở Ukraine, chúng ta có thể quay lại mức nhập khoảng 60 tỷ m³, có thể là 70 tỷ m³ mỗi năm, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)", ông Didier Holleaux, Phó Chủ tịch điều hành tập đoàn năng lượng Pháp Engie, cho biết.
Ông Holleaux nhận định Nga có thể cung cấp khoảng 20-25% nhu cầu khí đốt của EU, so với mức 40% trước khi nổ ra chiến sự ở Ukraine.
"Châu Âu sẽ không bao giờ quay lại mức nhập khẩu 150 tỷ m³ khí đốt từ Nga như trước chiến sự nhưng tôi cá là có thể đạt mức 70 tỷ", ông Patrick Pouyanné, CEO của TotalEnergies, một doanh nhân Pháp khác nhận định.
Một khảo sát của Viện Forsa cho thấy 49% người dân bang Mecklenburg-Western Pomerania (Đức) - nơi đường ống Nord Stream tiếp nhận khí đốt từ Nga qua biển Baltic - muốn nối lại việc nhập khẩu khí đốt Nga.
"Chúng tôi cần khí đốt Nga, cần năng lượng giá rẻ - bất kể xuất xứ từ đâu. Chúng tôi cần Dòng chảy phương Bắc 2", ông Klaus Paur, Giám đốc điều hành công ty hóa dầu tầm trung Leuna-Harze, tuyên bố.
"Chúng tôi đang trong khủng hoảng nghiêm trọng và không thể chờ đợi thêm", ông Christof Guenther, giám đốc điều hành InfraLeuna, đơn vị vận hành khu công nghiệp trên, cho biết.
Ông nói rằng ngành công nghiệp hóa chất Đức đã cắt giảm việc làm liên tiếp trong 5 quý, điều chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
"Mở lại các đường ống sẽ giúp giảm giá mạnh hơn bất kỳ chương trình trợ cấp hiện tại nào", ông Guenther nói thêm.
Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng khôi phục nguồn cung khí đốt cho châu Âu và chỉ trích các lệnh trừng phạt, khẳng định rằng chúng gây thiệt hại cho EU nhiều hơn so với Moscow.
EU đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong nhập khẩu khí đốt từ Nga do các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine và vụ đường ống Dòng chảy phương Bắc bị phá hoại năm 2022.
Để bù đắp thiếu hụt, EU đã gia tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các quốc gia như Mỹ và Na Uy, khiến giá năng lượng tăng vọt gấp vài lần so với mua khí đốt trực tiếp từ đường ống của Nga với giá cố định. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng kêu gọi Brussels mua nhiều LNG của Mỹ hơn.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/chau-au-ruc-rich-thao-luan-noi-lai-nhap-khi-dot-nga-a323299.html