Nhiều người Mỹ đã tích trữ hàng hóa vì nỗi lo giá tăng trong thời gian tới (Ảnh: EPA).
Cô Emily Moen, quản lý một quán cà phê tại Omaha, bang Nebraska, đã bất ngờ quyết định mua ghế ngồi xe hơi cho em bé sau khi xem một video trên TikTok cảnh báo rằng thuế chính sách thuế của Tổng thống Trump có thể khiến giá các sản phẩm thiết yếu cho trẻ nhỏ tăng vọt.
Mang thai và dự định chưa mua sớm, cô Moen đã kiểm tra chiếc ghế hiệu Graco mà cô để ý bấy lâu, rồi phát hiện nó được sản xuất tại Trung Quốc. Lo sợ giá sẽ tăng vì các mức thuế mới, cô lập tức mua chiếc ghế trị giá 200 USD qua Amazon.
"Như một hồi chuông cảnh tỉnh, tôi phải mua ngay", cô Moen, 29 tuổi, chia sẻ.
Khi căng thẳng thương mại giữa chính quyền Trump và Trung Quốc leo thang, nhiều người tiêu dùng Mỹ đã vội vã mua sắm các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài vì lo ngại các công ty sẽ nhanh chóng tăng giá.
Một số đổ xô mua các mặt hàng đắt tiền như iPhone hay tủ lạnh, trong khi nhiều người khác tranh thủ đặt hàng loạt sản phẩm giá rẻ từ các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc.
Tuần qua, Nhà Trắng đã áp mức thuế tối thiểu 145% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoài các mức thuế trước đó như 25% đối với thép, nhôm, ô tô và phụ tùng ô tô. Đồng thời, Tổng thống Trump cũng chấm dứt lỗ hổng cho phép các hàng hóa Trung Quốc trị giá dưới 800 USD vào Mỹ mà không phải chịu thuế.
Theo dữ liệu sơ bộ, người dân Mỹ đã ồ ạt tới các cửa hàng để tích trữ hàng hóa sau khi chính quyền công bố mức thuế áp dụng lên gần như tất cả các đối tác thương mại. Mặc dù ông Trump đã tạm hoãn một số biện pháp cứng rắn trong 90 ngày, nhưng điều này không áp dụng với Trung Quốc, ông thậm chí còn tiếp tục tăng thuế với toàn bộ hàng hóa từ nước này.
Tuy nhiên, ngày 11/4, chính quyền đã bất ngờ đưa ra một ngoại lệ, tạm thời miễn thuế mới đối với điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị điện tử khác.
Trung Quốc hiện là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 2 của Mỹ, sản xuất phần lớn điện thoại di động, máy tính và đồ chơi trên toàn thế giới.
Theo công ty Earnest Analytics, chi tiêu của người tiêu dùng tại Apple đã tăng 20% từ ngày 2 đến 7/4, so với mức trung bình những tháng trước. Chi tiêu cũng tăng 10% tại Home Depot và 18% tại chuỗi cửa hàng Belk.
Ngoài các sản phẩm công nghệ, người tiêu dùng Mỹ còn đổ xô đến siêu thị, cửa hàng giảm giá và đại lý ô tô. Trong 5 ngày sau khi ông Trump công bố các mức thuế mới (ngày 2/4), doanh số các mặt hàng bảo quản lâu tăng mạnh: Rau củ đóng hộp tăng 23%, cà phê hòa tan tăng 20% và tương cà tăng 16% so với tuần trước, theo dữ liệu từ công ty Consumer Edge.
Một số người tiêu dùng mua hàng có chiến lược, số khác thì mua trong sự lúng túng vì không rõ sản phẩm nào sẽ bị ảnh hưởng, và các công ty có tăng giá hay không. Trước khi ông Trump miễn thuế cho phần lớn thiết bị điện tử, lo sợ giá tăng đã khiến nhiều người tranh thủ mua sắm, đặc biệt là iPhone.
Theo hãng nghiên cứu Counterpoint Research, khoảng 80% iPhone được Apple sản xuất tại Trung Quốc. Dù được miễn thuế ngày 11/4, các thiết bị điện tử này vẫn chịu ảnh hưởng từ một đợt áp thuế trước đó 20% với cáo buộc Trung Quốc liên quan đến việc cung cấp fentanyl vào Mỹ.
Ông Tom Barnard, 49 tuổi, giám đốc tiếp thị một trường đại học ở Texas, cho biết ông đã giúp mẹ mua chiếc iPhone 16 mới vào ngày 11/4.
"Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn căng thẳng thương mại với Trung Quốc ít nhất đến cuối năm nay", ông nói. Cuối tuần rồi, ông và vợ đã chi khoảng 650 USD tại Walmart để tích trữ hàng tạp hóa vì lo ngại giá sẽ tiếp tục tăng.
Một số phụ huynh thậm chí đã bắt đầu cân nhắc mua quà Giáng sinh từ bây giờ để tránh giá tăng vào cuối năm. Trong các hội nhóm Facebook và diễn đàn gia đình, nhiều cha mẹ bàn nhau nên chọn quà gì.
Bà Bree Chaudoin, 47 tuổi, nhân viên hỗ trợ tín dụng tại Illinois, cho biết bà đã đổi iPhone ngay sau khi ông Trump đắc cử hồi tháng 11 vì lo ngại giá sẽ bị đẩy lên.
Từ cuối năm 2024, bà cũng bắt đầu tiết kiệm để mua đồ cắm trại. Khoảng một tháng trước, bà đã mua một chiếc lều nóc xe giá 1.500 USD - có vẻ sản xuất tại Trung Quốc - cùng nhiều vật dụng như bồn nước, đèn lều và gắp lửa.
Dù thường ưu tiên hàng Mỹ, bà cho biết mua hàng Trung Quốc giúp tiết kiệm đáng kể: "Tôi có ngân sách rất eo hẹp. Khi họ bán đồ chất lượng mà giá lại thấp hơn nhiều, tôi không thấy lý do gì để mua chỗ khác".
Dù đợt mua sắm này mang lại lợi nhuận cho một số doanh nghiệp, các chuyên gia bán lẻ cảnh báo rằng các công ty đang lo ngại người tiêu dùng sẽ siết chặt chi tiêu. Các nhà kinh tế Phố Wall đã hạ dự báo tăng trưởng và cảnh báo nguy cơ suy thoái trong bối cảnh chiến tranh thương mại toàn cầu. Niềm tin tiêu dùng cũng đang giảm sút vì lo ngại lạm phát.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/nguoi-my-hoi-ha-tich-tru-hang-hoa-vi-noi-lo-bao-gia-a323080.html