Phương Tây như "ngồi trên đống lửa" vì số phận kho báu tỷ USD của Ukraine

() - Phương Tây bày tỏ sự lo ngại về kịch bản Nga kiểm soát được trữ lượng đất hiếm trị giá hàng nghìn tỷ USD của Ukraine.

Phương Tây như ngồi trên đống lửa vì số phận kho báu tỷ USD của Ukraine - 1

Một mỏ khoáng sản ở Ukraine (Ảnh: Telegraph).

Viễn cảnh Nga tiếp cận và kiểm soát các mỏ titan, uranium và đất hiếm tại Ukraine đang khiến phương Tây "đứng ngồi không yên".

Nguồn tài nguyên chiến lược này, nếu rơi vào tay Moscow, sẽ tạo ra lợi thế kinh tế - công nghệ khổng lồ cho Nga và gây thảm họa với các nước đang hỗ trợ Kiev cả về quân sự lẫn tài chính, theo Politico.

Một quan chức cấp cao tham gia đàm phán Mỹ - Ukraine nhấn mạnh: "Nếu Nga giành được quyền khai thác những nguồn tài nguyên này, đó sẽ là thảm họa với các đồng minh của Kiev".

Ukraine đang sở hữu khoảng 5% trữ lượng đất hiếm toàn cầu, bao gồm lithium, titanium, nickel, cobalt, niobium, tantalum, những nguyên tố cực kỳ quan trọng với ngành năng lượng, công nghệ cao và quốc phòng. Sự quan tâm ngày càng tăng của Mỹ đối với tài nguyên này không đơn thuần là kinh tế, mà còn là vấn đề an ninh chiến lược.

Đất hiếm của Ukraine nằm chủ yếu ở khu vực Donbass, nơi Nga đã kiểm soát hầu hết Lugansk và khoảng 70% Donetsk. Ngoài ra, Ukraine cũng có mỏ khoáng sản quan trọng ở Zaporizhia và Dnipro, những khu vực đang diễn ra giao tranh hoặc nằm sát tiền tuyến.

Vì thế, phương Tây lo ngại nếu các mỏ khoáng sản này rơi vào tay Nga, nó không chỉ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Ukraine mà còn tạo ra một lợi thế lớn về tài nguyên chiến lược cho Moscow trong các ngành công nghiệp cao, năng lượng và quốc phòng.

Theo Politico, Mỹ đang đặt Ukraine vào thế khó khi từng đưa ra một dự thảo thỏa thuận yêu cầu Ukraine nhượng lại một nửa lượng đất hiếm cho các công ty Mỹ. Sau đó, vào cuối tháng 2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tranh cãi với người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng khiến thỏa thuận bị sụp đổ.

Vài tuần sau, Mỹ quay trở lại với một đề xuất còn khó khăn hơn cho Ukraine, theo các nguồn tin. Bản dự thảo mới không bao gồm cam kết viện trợ hay đảm bảo an ninh, nhưng lại đề xuất trao cho Washington quyền tiếp cận ưu tiên toàn bộ tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, cũng như quyền kiểm soát quỹ tái thiết đất nước.

"Dự thảo hiện tại làm suy yếu nghiêm trọng quyền tự chủ của Ukraine về thuế và pháp lý", chuyên gia kinh tế Volodymyr Landa cảnh báo.

Thỏa thuận này cũng có nguy cơ khiến Ukraine không thể gia nhập Liên minh châu Âu vì vi phạm luật cạnh tranh và môi trường của EU. Trong khi đó, nếu Ukraine đồng ý với dự thảo mới, họ sẽ phải trả hàng trăm tỷ USD mà Mỹ viện trợ quân sự kèm lãi suất. Điều này khiến các nhà đầu tư quốc tế lo ngại và chùn bước.

Điều này khiến cho Ukraine tỏ ra chưa sẵn sàng ký phiên bản thỏa thuận mới. Ông Trump đã cảnh báo Kiev sẽ gặp rắc rối lớn nếu từ bỏ thỏa thuận.

Trong khi đó, dù Ukraine từng khẳng định sở hữu "kho báu đất hiếm của châu Âu", nhiều mỏ vẫn chưa được đánh giá lại theo tiêu chuẩn quốc tế. Phần lớn trữ lượng được phát hiện từ thời Liên Xô, chưa rõ khả năng khai thác thực tế.

"Chúng ta cần nghiên cứu lại toàn diện để đánh giá tiềm năng kinh tế", bà Alla Vasylenko, chuyên gia Viện Địa chất Ukraine cho biết.

Việc khai thác cũng không dễ dàng. Theo các doanh nghiệp trong ngành, việc đưa một mỏ lithium vào vận hành có thể mất từ 10 đến 15 năm, với chi phí đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD.

Ban đầu, kế hoạch hợp tác khoáng sản được xem là một phần trong nỗ lực kiến tạo hòa bình hậu chiến của Tổng thống Zelensky: Đổi tài nguyên lấy đảm bảo an ninh, lời mời gia nhập NATO, và duy trì viện trợ quân sự từ phương Tây.

Thế nhưng hiện nay, chỉ còn "đất hiếm" là vẫn trên bàn đàm phán và nó đang trở thành bài toán cân não với Ukraine.

"Chúng tôi không thể làm những điều trái hiến pháp chỉ để làm hài lòng ông Trump. Nhưng giờ phải tiếp tục đàm phán, vì không còn lựa chọn nào khác", một quan chức Ukraine nói.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/phuong-tay-nhu-ngoi-tren-dong-lua-vi-so-phan-kho-bau-ty-usd-cua-ukraine-a322201.html