Nước đi chiến lược của Tổng thống Putin trong ván cờ với Mỹ và Ukraine

() - Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như theo đuổi chiến lược với hai mục tiêu khác nhau trong cách tiếp cận với Mỹ và Ukraine.

Nước đi chiến lược của Tổng thống Putin trong ván cờ với Mỹ và Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cử một trong những đồng minh thân cận, Giám đốc quỹ đầu tư quốc gia Nga Kirill Dmitriev, đến Washington trong tuần này để đàm phán ngoại giao với giới chức Mỹ. Đây là quan chức cấp cao nhất của Điện Kremlin đến thăm Washington kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Cùng lúc đó, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh huy động 160.000 quân, đợt huy động lớn nhất trong 14 năm qua. Động thái này diễn ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng Nga đang lên kế hoạch cho một đợt tấn công mùa xuân.

Theo các chuyên gia về chính sách đối ngoại phương Tây, hai cách tiếp cận song song này là biểu hiện rõ rệt cho chiến lược của Tổng thống Putin.

Các chuyên gia cho rằng Tổng thống Putin đang đàm phán một cách chậm chạp với Tổng thống Mỹ Donald Trump để Nga có thể tăng cường tiến công trên chiến trường Ukraine, đồng thời đặt niềm tin vào việc bình thường hóa quan hệ với Washington.

"Ông Putin nghĩ rằng thời gian đang đứng về phía mình, và bằng cách kéo dài thời gian, ông ấy sẽ đặt mình vào vị thế đàm phán tốt hơn", Sergey Radchenko, nhà sử học sinh ra ở Liên Xô, chuyên nghiên cứu về chiến tranh Lạnh, và là giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, cho biết.

Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong 24 giờ, tuy nhiên nhà lãnh đạo Mỹ dần nhận ra rằng thực tế còn khó khăn hơn nhiều.

Các quan chức trong chính quyền Trump đã cố gắng làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn, nhưng cho đến nay, ngay cả một lệnh ngừng bắn tạm thời hoặc một phần cũng có nguy cơ đổ vỡ. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.

Tổng thống Putin và các đặc phái viên của ông nói rằng Nga sẽ chỉ chấp nhận lệnh ngừng bắn toàn diện nếu Ukraine đồng ý với các điều kiện do Moscow đưa ra. Trong khi đó, Kiev không chấp nhận các điều kiện này, thậm chí cho rằng việc chấp nhận các điều kiện của Nga sẽ đồng nghĩa với kịch bản đầu hàng.

Theo nhiều quan chức và chuyên gia phương Tây, Nga biết rằng những điều kiện này là không thể chấp nhận được đối với Ukraine.

"Chúng tôi biết ông Putin đang làm gì", Ngoại trưởng Anh David Lammy phát biểu tại trụ sở NATO ở Brussels.

Sự thất vọng đã được cảm nhận tại Nhà Trắng. Tổng thống Trump nói với NBC News rằng ông "tức giận" khi Tổng thống Putin nhắc lại quan điểm về việc ông Zelensky nên rời khỏi ghế tổng thống Ukraine.

Đội ngũ quan chức thân cận của Tổng thống Trump khuyên ông không nên điện đàm với Tổng thống Putin cho đến khi nhà lãnh đạo Nga cam kết ngừng bắn.

Nước đi chiến lược của Tổng thống Putin trong ván cờ với Mỹ và Ukraine - 2

Người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia Nga Kirill Dmitriev sau cuộc hội đàm giữa Mỹ và Nga tại Riyadh, Ả rập Xê út hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters).

Ý nghĩa chuyến thăm của đặc phái viên Nga

Sự thất vọng ngày càng tăng này giải thích lý do Nga điều đặc phái viên Dmitriev tới Moscow, theo Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao về Nga tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở Brussels.

"Ông Dmitriev có quyền tiếp cận trực tiếp với ông Putin; trong hệ thống của Nga, đây là điều quan trọng nhất mà một nhà đàm phán có thể có", chuyên gia Ignatov cho biết. Ông Dmitriev cũng "có những mối quan hệ riêng của mình ở Mỹ".

Ông Dmitriev, 49 tuổi, sinh ra ở Kiev khi thành phố này còn là một phần của Liên Xô và là người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia của Nga, chịu trách nhiệm đầu tư và tăng trưởng quỹ dự trữ đất nước. Ông có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin, người đã bổ nhiệm ông làm đặc phái viên về đầu tư kinh tế quốc tế vào tháng 2.

Ông Dmitriev học tại Stanford và lấy bằng MBA tại Harvard trước khi làm việc cho Goldman Sachs và McKinsey & Co.

Sau khi gặp các quan chức của chính quyền Trump, đặc phái viên Nga đã thực hiện một loạt cuộc phỏng vấn phát sóng, trong đó ông nói về việc bình thường hóa quan hệ với Washington, hợp tác ở Bắc Cực và một thỏa thuận về khoáng sản. Ông thậm chí còn nói rằng Điện Kremlin có thể tham gia vào kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa của tỷ phú Elon Musk. Ông chỉ đề cập thoáng qua đến Ukraine, thậm chí không nhắc đến trong bản tóm tắt chuyến đi trên mạng xã hội.

"Chắc chắn, chúng tôi nhận thấy động lực tích cực trong quan hệ song phương. Chúng tôi vẫn cần một loạt cuộc họp để giải quyết mọi bất đồng. Nhưng điều quan trọng mà chúng tôi thấy là thái độ tích cực, mang tính xây dựng", ông Dmitriev nói với các nhà báo ở Washington.

Điều đáng chú ý trong chuyến thăm của ông Dmitriev có thể nằm ở chỗ ông không phải là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

"Mối quan hệ gần gũi của ông với ông Putin khiến ông không chỉ là một sứ giả. Ông ấy có vẻ là người thực sự có thể tham gia vào đàm phán và thỏa hiệp", Pavel Baev, giáo sư nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hòa bình Oslo, một nhóm nghiên cứu, cho biết.

Khi được hỏi về chuyến đi của ông Dmitriev, người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov, cho biết Moscow "lạc quan một cách thận trọng".

Nhiệm vụ chính của ông Dmitriev rõ ràng là khôi phục mối quan hệ với Mỹ, thay vì cho thấy bất kỳ sự nhượng bộ nào của Nga về xung đột Ukraine, theo chuyên gia Robert Hamilton, đại tá đã nghỉ hưu của quân đội Mỹ và hiện là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ.

"Nhiệm vụ của ông Dmitriev báo hiệu rằng Điện Kremlin quan tâm đến việc mở rộng các cuộc thảo luận với Mỹ và đưa họ tránh xa Ukraine. Điều mà Điện Kremlin thực sự muốn là gạt vấn đề Ukraine sang một bên và theo đuổi việc khôi phục mối quan hệ rộng rãi hơn với Mỹ, loại Ukraine và châu Âu ra khỏi quá trình này", chuyên gia Hamilton cho biết.

Tymofiy Mylovanov, cựu bộ trưởng kinh tế Ukraine, nhận định tín hiệu của Nga cho thấy Moscow "chưa muốn hòa bình". Trong ngắn hạn, có rất ít dấu hiệu cho thấy Nga đang làm chậm lại cuộc chiến ở Ukraine.

"Ý định ngừng bắn của Nga, theo tôi thấy, là không tồn tại. Ông Dmitriev nhiều khả năng được cử đến để thoát khỏi tình thế khó khăn", chuyên gia Baev cho biết.

Các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận kép của Tổng thống Putin đã cho thấy chiến lược của Nga: một mặt nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Mỹ, mặt khác trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình và tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/nuoc-di-chien-luoc-cua-tong-thong-putin-trong-van-co-voi-my-va-ukraine-a322190.html