Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế

Bảy Theo, Ba Hương, Út Khờ, Sáu Lập, Lục Tạc... - họ chỉ là những người dân Củ Chi bình thường, bước chân vào địa đạo sâu dưới lòng đất vì niềm hy vọng một ngày hòa bình sẽ về trên quê hương.

Địa đạo - Ảnh 1.

Những gương mặt làm nên Địa đạo - Ảnh: ĐPCC

Năm 1967, ở chiến trường Bình An Đông, huyện Củ Chi, quân Mỹ lên kế hoạch cho trận càn lớn nhất từ trước đến nay. Mỗi lần Mỹ đổ quân chỉ tìm và diệt xong rút, nhưng lần này máy bay và xe tăng Mỹ bao vây nã bom đạn ngày đêm, dường như quyết tấn công quyết liệt vào địa đạo Củ Chi, chặt đứt đường giao liên của quân đội ta.

Nhận nhiệm vụ bảo vệ cho các chiến sĩ tình báo thực hiện nhiệm vụ truyền tài liệu mật tối quan trọng của Mỹ là 21 người du kích Củ Chi - 21 người nông dân đứng lên cầm súng. Đối đầu với họ là đội quân Mỹ thiện chiến hàng đầu thế giới.

Đó là câu chuyện "nhỏ" mà Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế - Ảnh 2.

Trailer Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối

Có thể thấy đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã đi một con đường riêng khi làm phim về chiến tranh. Anh không chọn làm một phim mang âm hưởng anh hùng ca dạt dào, với nhân vật chính hội tụ mọi yếu tố cao đẹp để khán giả phải khóc giàn giụa khi họ ra đi. Anh chọn làm phim mang phong cách tài liệu - lát cắt cuộc sống, với lối mô tả tỉ mỉ, kỹ lưỡng về đời sống và chiến đấu của đội du kích dưới lòng địa đạo Củ Chi.

Cách Bùi Thạc Chuyên khắc họa Bảy Theo hay văng tục, nổi nóng, không biết sửa súng hỏng, nhiều tì vết, đôi khi hài hước cũng giống như cách anh tô điểm cho tính cách rất đời thường của Tư Đạp (Quang Tuấn), Ba Hương (Hồ Thu Anh), Út Khờ (Hằng Lamoon)...

Địa đạo - Ảnh 2.

Tư Đạp, Ba Hương, Bảy Theo - ba nhân vật đáng nhớ nhất trong Địa đạo - Ảnh: ĐPCC

Tất cả nói lên một thông điệp: họ là những người dân Việt Nam bình thường, rất bình thường nhưng khi Tổ quốc cần họ đứng lên cầm cây súng. Rời những mái nhà che mưa nắng, họ sẵn sàng đi vào lòng đất, sống hàng năm trời trong địa đạo Củ Chi ngày đêm đều ngộp thở, để góp sức mình cho cách mạng, cho ngày hòa bình.

Quang Tuấn: Tư Đạp liều lĩnh và cảnh nóng đẹp đẽ trong 'Địa đạo'Anh hùng Tư Cang 98 tuổi nói về Địa đạo: Đất đá trụi nhưng con người không lay chuyển

Có những người như Tư Đạp - xuất thân nông dân nhưng có năng khiếu chế bom mìn, trở thành cỗ máy phá tăng xuất sắc khiến địch nể sợ - nguyên mẫu nhân vật ngoài đời là Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực, người từng khiến lính Mỹ phải thốt lên: "Mỹ mà thua nông dân Việt Nam".

Có những người như Ba Hương, một cô gái chịu thương chịu khó, cũng mong muốn có một tấm chồng nhưng trong thời chiến đã đứng lên làm chị cả của đội du kích, cánh tay phải của Bảy Theo và luôn chiến đấu anh dũng, không nao núng trước mọi khó khăn. Họ đã thực sự làm nên huyền thoại đất thép Củ Chi.

Màu phim của Địa đạo rất đẹp dù phần lớn được quay bằng ánh sáng của đèn pin, đèn dầu và ánh sáng tự nhiên. Địa đạo ngột ngạt y như bối cảnh của nó vì bất cứ lúc nào nguy hiểm cũng rình rập và sẵn sàng ập lên đầu những người du kích.

Phim có phần nhạc nền và âm thanh tuyệt vời, căng thẳng, kịch tính nhưng cũng không điều khiển cảm xúc lộ liễu. Và vượt lên trên tất cả chính là thiết kế bối cảnh địa đạo Củ Chi: rất đẹp, rất thật, cho người xem một hình hài địa đạo đầy tính người.

Tổng hòa các yếu tố kỹ thuật, đây là phim chiến tranh Việt Nam có chất lượng sản xuất cao nhất từ trước tới nay. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, kinh phí phim cũng thuộc hàng cao nhất từ trước tới nay ở thị trường điện ảnh Việt.

"Tụi bây không cách chi thắng được"

"Địa đạo là chiến tranh nhân dân" là thông điệp quan trọng mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lồng ghép thông qua sự ra đi đầy kiêu hãnh của một nhân vật khá quan trọng trong mắt xích câu chuyện.

Củ Chi có đến 250km địa đạo. Trong 20 năm từ 1948 đến 1968, quân Mỹ với trăm phương nghìn kế như dùng xe cơ giới ủi càn phá, thổi chất hóa học độc, bơm nước vào địa đạo, dùng chó để phát hiện du kích, đưa quân tấn công trực tiếp vào địa đạo để tấn công nhưng đều thất bại. Lý do nào để những con người nhỏ bé như Bảy Theo, Ba Hương giữ được địa đạo trước đội quân thiện chiến ấy? Đó là lòng người.

Địa đạo - Ảnh 3.

"Địa đạo Mặt trời trong bóng tối" cho thế giới thấy Việt Nam kiên cường đến mức nào - Ảnh: ĐPCC

Khi bị bắt, chú Sáu - một nhà lãnh đạo - nói trước những người lính Mỹ bao vây ông: "Chắc tụi bây không biết sức mạnh của Việt Cộng là ở đâu phải không? Trước tụi bây là tụi Pháp, cũng tàu to súng lớn thiện chiến lắm.

Năm 1946, Pháp tấn công thành Hà Nội. 13.000 quân. Việt Minh chỉ có hơn 10.000 người, 2.000 súng. Đoán xem hai bên đánh nhau trong bao lâu? Hai tháng. Rồi Việt Minh chủ động ngưng, chứ đánh nhau bao lâu cũng được. Tụi tao phân thành lực lượng nhỏ. Đánh nhau lúc nào và như thế nào là do tụi tao quyết định. Biến hóa khôn lường.

Chiến tranh nhân dân, địa đạo là chiến tranh nhân dân. Tụi bây không cách chi thắng được".

Khúc vọng cổ và chuyện tình dục thời chiến

Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối - Khi những người thường thành huyền thoại - Ảnh 3.

Khía cạnh lãng mạn của Địa đạo được xây dựng vừa phải, mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả - Ảnh: ĐPCC

Trong buổi tối lúc quân Mỹ ngừng nã đạn, cả đội du kích có những phút giây yên bình hiếm hoi khi nghe Út Khờ ca vọng cổ bài Tần Quỳnh khóc bạn của soạn giả Viễn Châu - người được coi là bậc tiền hiền của cải lương Nam Bộ:

"La Thành ơi! Em tệ làm chi, nỡ xuống tay giết người bạn cũ. Dầu không thương em cũng đừng nên hạ thủ. Giết kẻ thù chứ giết bạn đành sao?" và "Đơn Nhị Ca ơi! Còn đâu một đời ngang dọc, quyết vẫy vùng cho rõ mặt núi sông. Nhớ năm xưa cùng nhau thề câu chị ngã em nâng, dẫu tử sanh quyết vẹn nghĩa kim bằng. Thế mà hôm nay u hiển đôi phang, giữa pháp trường chia tay vĩnh viễn".

Có ý kiến cho rằng bài vọng cổ này u buồn và có nội dung làm "nhụt chí" người đang chiến đấu, nhưng đây là một bài vọng cổ kinh điển, được yêu thích rộng rãi ở miền Nam. Những người du kích Địa đạo đều là người dân miền Nam, gắn bó máu thịt với văn hóa miền Nam, việc họ yêu thích bài vọng cổ này là chi tiết rất đời thường của phim.

Hơn nữa, dù Tần Quỳnh khóc bạn kể chuyện những người huynh đệ xử trảm nhau theo lệnh của triều đình, nhưng đọng lại vẫn là thông điệp về tình nghĩa anh em, lòng trung thành, sự bi tráng của chiến tranh, ngợi ca khí phách hào kiệt. Tinh thần ấy phù hợp với hoàn cảnh của những người du kích nhỏ bé chiến đấu đến cùng để bảo vệ địa đạo Củ Chi trước sự truy đuổi, tìm diệt của quân đội Mỹ thiện chiến nhất thế giới.

Ngoài chi tiết này, trong Địa đạo còn có một khía cạnh đặc biệt mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã táo bạo và có thể nói là liều lĩnh khi đưa vào phim: chuyện tình dục thời chiến.

Lần đầu tiên trong điện ảnh Việt có cảnh hiếp dâm đầy nhạy cảm giữa "quân mình với quân mình", một nam du kích đối với một nữ du kích. Cảnh phim được quay tinh tế, dù ngột ngạt, bức bối và uất ức, nội tâm nhân vật cũng được xây dựng phức tạp: cô gái giằng xé giữa sợ hãi, chịu đựng nhưng đồng thời cô cũng muốn được ôm ấp khi ngày đêm phải sống trong nỗi sợ chết chóc của chiến tranh.

Và cảnh phim còn lại là một lựa chọn khá lãng mạn khi một đôi tình nhân bên nhau giữa lửa đạn bom rơi, tiếng thở dốc hòa cùng tiếng bom. Tình yêu của họ được vun đắp nảy nở dần qua những ngày tháng bên nhau chiến đấu, thăng hoa ở phút cuối cùng tạo nên sự vỡ òa về cảm xúc.

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế - Ảnh 6.Mời bạn đọc báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi giao lưu trực tuyến với đoàn phim 'Địa đạo'

10h sáng 7-4, báo Tuổi Trẻ tổ chức giao lưu trực tuyến với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, diễn viên Thái Hòa và Hồ Thu Anh của phim 'Địa đạo'. Buổi giao lưu còn có bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/dia-dao-phim-chien-tranh-viet-nam-tam-co-quoc-te-a321979.html