Kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng mạnh đến hoạt động giao thương toàn cầu (Ảnh minh họa: Reuters).
Theo Bloomberg, kế hoạch thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Tuy nhiên, những chi tiết quan trọng chỉ được hoàn thiện vào giờ chót.
Ngay trước khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan chủ chốt vào ngày 2/4 nhằm tới phần lớn thế giới, các trợ lý của ông vẫn gấp rút hoàn thiện các yếu tố quan trọng, bao gồm quy mô và phạm vi của kế hoạch, cũng như cách thức để thuyết phục công chúng Mỹ hiểu về kế hoạch và truyền đạt một số mục tiêu chính, theo báo trên.
Các quyết định quan trọng về cấu trúc thuế quan đã được đưa ra vào giờ chót, ngay trước khi ông Trump công bố những con số chấn động ở Vườn Hồng.
Đối với một chính sách mà ông Trump đã nêu ra trong suốt chiến dịch tranh cử và hứa sẽ thực hiện nhanh chóng như là điểm nhấn trong chương trình kinh tế, sự hỗn loạn ban đầu trong việc triển khai là điều không thể tránh khỏi, theo giới quan sát.
Vào buổi chiều ngày 2/4, ông Trump đã công bố mức thuế quan đối với các quốc gia bằng cách giơ một tấm bảng trong Vườn Hồng, nhưng vào buổi tối cùng ngày, các tài liệu chính thức được công bố lại bao gồm mức thuế cao hơn đối với một số quốc gia.
Tấm bảng hiển thị mức thuế trước đó đã được gỡ bỏ khỏi phòng họp báo Nhà Trắng. Nhưng vào buổi chiều ngày 3/4, Nhà Trắng công bố tài liệu mới quay lại với các mức thuế mà ông Trump công bố trong Vườn Hồng.
Khi được hỏi vào ngày 2/4 về lý do tại sao các quốc gia như Canada và Mexico lại vắng mặt trong bản danh sách thuế quan, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã trả lời thẳng thắn với Bloomberg: "Tôi không chắc chắn về điều này".
Điều đó cho thấy những diễn biến vội vã tại Nhà Trắng và sự thay đổi dường như là diễn ra liên tục với một kế hoạch đánh thuế có quy mô lớn, ảnh hưởng tới toàn thế giới.
Mỹ, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã làm gia tăng sự hoang mang trên toàn cầu.
Các quốc gia/đối tác của Washington và giới doanh nhân bắt đầu tìm cách ứng phó với đợt tăng thuế lớn nhất của Mỹ trong một thế kỷ, động thái tác động mạnh vào chính sách toàn cầu hóa hậu Thế chiến II mà ông Trump đã chỉ trích từ lâu vì cho rằng nó không công bằng đối với Mỹ.
Theo Bloomberg, chính sách thuế quan mới chủ yếu do một nhóm nhỏ thân cận, sẵn sàng làm theo những quyết định của ông Trump, lập ra. Nhóm nhỏ này bao gồm những cái tên như Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và cố vấn cấp cao Peter Navarro, một người có quan điểm trung thành với Tổng thống Mỹ.
Mặt khác, các quan chức kỳ cựu ủng hộ thương mại tự do, những người từng có ảnh hưởng lớn đối với các quyết định của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã không đóng góp cho kế hoạch mới.
Dù ông Trump đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia như Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer để giúp triển khai chính sách của mình, căn cứ mà chính quyền Mỹ áp dụng để xác định các mức thuế đối ứng dựa vào thặng dư thương mại đã khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên và hoài nghi về độ chính xác.
Tại Mỹ, cổ phiếu đã giảm mạnh vào ngày 3/4 sau thông báo của tổng thống, với khoảng 2.500 tỷ USD sụt giảm, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2020.
Một số lãnh đạo ở châu Âu đã kêu gọi trả đũa mạnh mẽ, trong khi các quốc gia ở châu Á vẫn giữ thái độ thận trọng, hy vọng có thể đàm phán giảm thuế.
Khi những hậu quả kinh tế ngay lập tức trở nên rõ ràng hơn, ông Trump và nhóm của ông đã đưa ra những thông điệp trái ngược về cơ hội giảm nhẹ tác động.
Vào ngày 3/4, Tổng thống Trump đã trấn an trước phản ứng khá gay gắt của thị trường, nói rằng ông nghĩ rằng mọi thứ đang "rất tốt" và so sánh việc công bố thuế quan của ông với việc phẫu thuật cho một bệnh nhân rất yếu, ám chỉ nước Mỹ.
Trong khi đó, ông Trump bày tỏ sẵn sàng giảm thuế nếu các quốc gia khác có thể đưa ra điều gì đó "đặc biệt" để đổi lại. Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ đàm phán, dù chỉ vài giờ trước, một số cố vấn hàng đầu của ông đã khẳng định rằng điều này là không thể.
Bộ trưởng Lutnick vào ngày 3/4 đã bác bỏ khả năng giảm thuế, nói rằng Tổng thống "sẽ không thay đổi quyết định".
Cố vấn Navarro cũng loại trừ phương án đàm phán khi nói với CNBC: "Đây không phải là một cuộc đàm phán. Đây là một tình huống khẩn cấp quốc gia".
Điều này dường như cho thấy sự thay đổi khá nhanh chóng trong quan điểm của phía Mỹ và họ dường như chưa chốt phương án cuối cùng cho kế hoạch thuế quan.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/nhung-thay-doi-vao-gio-chot-truoc-khi-ong-trump-cong-bo-sac-lenh-ap-thue-a321926.html