Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (Ảnh: Reuters).
"Hãy ngồi lại, hít thở sâu, đừng vội trả đũa. Hãy xem điều này sẽ đi đến đâu, bởi vì nếu bạn trả đũa, đó là cách chúng ta sẽ leo thang", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói hôm 2/4.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ gửi lời khuyên đến các quốc gia rằng "đừng trả đũa". Theo ông, "bất kỳ hành động vội vã nào đều không khôn ngoan".
"Một cuộc chiến thương mại phụ thuộc vào từng quốc gia. Nhưng cần nhớ rằng, Mỹ luôn là quốc gia bị thâm hụt trong lịch sử thương mại. Còn họ là các quốc gia thặng dư", ông Bessent nói thêm.
Ông Bessent cũng cho rằng mức thuế quan có thể không phải là vĩnh viễn và ông tin chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ "chờ xem mọi việc diễn ra như thế nào" trước khi đưa ra bước tiếp theo.
Vào ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố áp thuế cơ sở 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 5/4.
Ngoài ra, Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất, bắt đầu từ 9/4. Thuế đối ứng này bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó áp lên hàng hóa Mỹ.
Sắc lệnh do Tổng thống Trump ban hành nêu rõ, các mức thuế có thể tăng, giảm tùy thuộc vào việc các nước giải quyết những lo ngại của Mỹ.
Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ của Fitch Ratings cho biết, theo chính sách mới, mức thuế quan trung bình có hiệu lực của Mỹ đối với tất cả hàng nhập khẩu đã tăng vọt lên 22% từ mức chỉ 2,5% vào năm 2024. Đây là mức trung bình cao nhất hơn 100 năm qua.
Chính phủ các nước trên thế giới đã cam kết các biện pháp đối phó với Mỹ sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế mới.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh "kiên quyết phản đối" mức thuế quan đối ứng và "sẽ thực hiện các biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình", sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế 34% với Bắc Kinh.
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto gọi thuế quan đối ứng là "vô cùng đáng tiếc" và cho biết Tokyo sẽ thúc giục Washington miễn trừ Nhật Bản khỏi các biện pháp thuế quan. Nhật Bản phải đối mặt với mức thuế 24%.
Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết Canada "sẽ đáp trả các mức thuế của Mỹ bằng các biện pháp đối phó" và sẽ "hành động có mục đích".
Hàng hóa từ Canada và Mexico hiện không phải chịu thuế quan đối ứng vì mức thuế 25% trước đây của ông Trump liên quan đến chất giảm đau gây nghiện fentanyl vẫn được áp dụng đối với hàng hóa của các nước này, cùng với mức thuế 10% đối với năng lượng và kali của Canada.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo đã ra lệnh triển khai các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bao gồm ô tô, sau thông báo áp thuế của ông Trump, bao gồm mức thuế 25% đối với Hàn Quốc.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết chính phủ nước này có "kế hoạch mạnh mẽ" để đối phó mức thuế 36%, đồng thời hy vọng có thể đàm phán với Mỹ để giảm thuế.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết nước này sẽ tìm cách đàm phán với Mỹ để xóa bỏ thuế quan mà không cần dùng đến cơ chế giải quyết tranh chấp trong Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.
Ông Albanese cho biết chính phủ Australia sẽ không áp thuế quan qua lại vì điều này sẽ làm tăng giá cả cho các hộ gia đình Australia.
"Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc đua xuống đáy dẫn đến giá cả tăng cao và tăng trưởng chậm lại", ông Albanese cho biết.
Chính phủ của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh Brazil, nơi ông Trump tuyên bố áp thuế 10%, cho biết đang "đánh giá mọi hành động có thể để đảm bảo tính có đi có lại trong thương mại song phương, bao gồm việc nhờ đến Tổ chức Thương mại Thế giới".
Ông Bernd Lange, chủ tịch ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ phản ứng "thông qua các biện pháp hợp pháp, chính đáng, tương xứng và quyết đoán".
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/bo-truong-tai-chinh-my-hit-tho-sau-dung-voi-tra-dua-a321804.html