Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).
"Nếu có một lệnh ngừng bắn, một kiểu tạm dừng nào đó, quân đội Ukraine có thể cầm cự được bao lâu? Họ cần nghỉ ngơi, luân chuyển, tuyển lực lượng dự bị, lương bổng. Đó là một vấn đề thực sự, theo tôi, vì quân đội trước đây luôn có quy mô nhỏ hơn so với hiện tại. Và khi quân đội lớn gấp 3 lần trước đây, thì cần phải có tài trợ. Ngân sách Ukraine là không đủ", ông nói trong bài trả lời phỏng vấn với tạp chí Time.
Theo ông Zelensky, cần có các chương trình đặc biệt để phân bổ ngân sách cho quân đội Ukraine.
"Châu Âu cần tài trợ cho Ukraine. Lý tưởng nhất là cả châu Âu và Mỹ. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, tôi sẽ dựa nhiều hơn vào châu Âu", ông nói.
Năm 2024, Ukraine dành kỷ lục 30% GDP cho quốc phòng, tỷ lệ cao nhất thế giới, theo báo cáo của Trung tâm Chiến lược Kinh tế Ukraine (CES).
Trong khi đó, Nga chi một phần nhỏ hơn GDP cho lĩnh vực quốc phòng, khoảng 7%, theo dữ liệu có sẵn do CES phân tích.
Ba Lan là quốc gia NATO có tỷ lệ chi tiêu quốc phòng trên GDP cao nhất, 4,1%. Tiếp theo là Estonia (3,4%), Latvia (3,2%), Lithuania (2,9%) và Hy Lạp (3%).
Trong khi đó, 8 thành viên NATO, bao gồm Italy, Canada và Tây Ban Nha, vẫn chưa đáp ứng mức tối thiểu mà NATO khuyến nghị hiện tại là 2%.
Ukraine phải chi một tỷ lệ GDP lớn hơn nhiều cho nhu cầu quân sự, bao gồm vũ khí, trang thiết bị và nhu yếu phẩm, do tiềm lực kinh tế của nước này thấp hơn đáng kể so với Nga, CES cho biết.
Năm ngoái, Ukraine trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2024, với mức tăng gần 100 lần so với giai đoạn 2015-2019, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Theo SIPRI, Ukraine chiếm 8,8% tổng lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2020-2024. Trong 4 năm qua, nhập khẩu vũ khí của châu Âu đã tăng 155% do xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt là do lo ngại về khả năng Mỹ giảm hỗ trợ quân sự.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/ukraine-thua-nhan-khong-co-du-ngan-sach-cho-quan-doi-a320831.html