Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian (Ảnh: Reuters).
"Bắc Kinh lấy làm tiếc về quyết định của Panama", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lin Jian ngày 7/2 cho biết, đồng thời kêu gọi Panama "xem xét mối quan hệ song phương rộng lớn hơn và lợi ích lâu dài của cả hai quốc gia" và "chống lại sự can thiệp từ bên ngoài".
"Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ sử dụng sức ép để bôi nhọ và phá hoại hợp tác Vành đai và Con đường. Những thành tựu của dự án đã mang lại lợi ích cho người dân ở các quốc gia như Panama", người phát ngôn nhấn mạnh.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hoan nghênh quyết định của Panama khi không gia hạn việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một chương trình hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc.
Ông Rubio gọi đây là "bước tiến lớn" của Panama trong quan hệ với Mỹ.
Thông tin này được đưa ra sau khi nhà ngoại giao Mỹ có chuyến thăm Panama nhằm gây sức ép lên quốc gia này về mối quan hệ với Bắc Kinh.
Ông Rubio đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tới Panama, một đối tác quan trọng của Mỹ tại Mỹ Latinh, đồng thời gây sức ép lên quốc gia này về quan hệ với Trung Quốc.
Sau cuộc hội đàm với ông Rubio, Tổng thống Panama José Rául Mulino tuyên bố thỏa thuận chung của nước này về việc tham gia sáng kiến của Trung Quốc sẽ không được gia hạn và có thể bị chấm dứt sớm.
Panama là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh chính thức ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường vào tháng 11/2017.
Trung Quốc bác bỏ chỉ trích từ phương Tây về sáng kiến này, cho biết hơn 100 quốc gia đã tham gia và sáng kiến đã thúc đẩy phát triển toàn cầu với các dự án mới như cảng biển, cầu, đường sắt và nhiều công trình khác.
Tuy nhiên, sáng kiến này đã gặp phải nhiều tranh cãi khi một số quốc gia đối tác chỉ trích chi phí dự án cao và gặp khó khăn trong việc trả nợ. Italy đã rút khỏi sáng kiến vào năm 2023 trong bối cảnh Mỹ gây áp lực vì lo ngại về tầm ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh.
Những lo ngại như vậy của Mỹ đã kéo dài từ lâu, đặc biệt đối với hoạt động của một số công ty Trung Quốc gần Kênh đào Panama, bao gồm một công ty có trụ sở tại Hong Kong vận hành 2 cảng, mỗi cảng nằm ở đầu của tuyến đường thủy được Mỹ xây dựng vào đầu thế kỷ 20 và sau đó được chuyển giao cho Panama vào năm 1999.
Hôm 2/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Rubio đã chuyển một thông điệp từ Tổng thống Trump, cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc tại đây là mối đe dọa đối với Kênh đào Panama và vi phạm hiệp ước Mỹ - Panama.
Kể từ khi trở lại nắm quyền, Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ tìm cách kiểm soát kênh đào Panama, với cáo buộc kênh đào này đang bị Bắc Kinh vận hành. Ông Trump từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự đối với Panama, điều đã vấp phải sự chỉ trích từ cả các đồng minh và đối thủ của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/trung-quoc-len-tieng-khi-panama-rut-khoi-vanh-dai-con-duong-a314918.html