Từ khóa: toàn cầu hóa, kinh tế xanh, môi trường
Summary
This study aims to comprehensively assess the current situation of the green economy in Vietnam, thereby clearly identifying the opportunities and challenges that the country is facing and will face soon. The research results show that although the country has many natural and social advantages to invest in green projects, it still faces significant challenges. It includes the need to improve the supporting legal and strategic system, including a green classification system development and the green financial system improvement. In addition, raising public awareness and close support from international and domestic organizations are crucial factors to ensure the success of the sustainable development and effectiveness of this plan.
Keywords: Globalization, green economy, environment
GIỚI THIỆU
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, việc phát triển nền kinh tế xanh đã trở thành một mục tiêu quan trọng và cấp bách đối với nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Quá trình này không chỉ nhằm mục đích bảo vệ môi trường tự nhiên, mà còn hướng tới việc đạt được sự phát triển kinh tế bền vững, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân.
Bài viết sẽ tập trung xác định và phân tích các vấn đề bao gồm các chính sách hiện hành của chính phủ, các dự án và thành tựu nổi bật đã đạt được, cũng như những hạn chế và khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế xanh. Nội dung chính của bài viết sẽ chú trọng vào việc đánh giá các cơ hội mà Việt Nam có thể tận dụng, chẳng hạn như việc tiếp cận công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực xanh và phát triển các ngành công nghiệp sạch; Đồng thời, nhận diện các thách thức lớn về mặt pháp lý, tài chính và kỹ thuật mà Việt Nam cần phải vượt qua để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Kinh tế xanh được định nghĩa là một mô hình kinh tế nhằm cải thiện phúc lợi con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu các rủi ro môi trường và khan hiếm tài nguyên (OECD, 2011). Kinh tế xanh không chỉ tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế, mà còn chú trọng đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn. Một yếu tố quan trọng trong kinh tế xanh là sự chuyển đổi từ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sang các ngành công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến.
Theo Pearce và cộng sự (1989), kinh tế xanh nhấn mạnh vào việc tích hợp các yếu tố môi trường vào trong quá trình phát triển kinh tế, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và việc làm xanh, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Lý thuyết này cũng đề cập đến việc thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng, hướng tới sự bền vững và hiệu quả. Toàn cầu hóa là một quá trình phức tạp, liên quan đến sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
Còn Stiglitz (2002) chỉ ra rằng, toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế nhưng cũng đặt ra những thách thức đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển bền vững. Toàn cầu hóa giúp các quốc gia tiếp cận công nghệ tiên tiến, thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và mất cân bằng kinh tế xã hội nếu không được quản lý chặt chẽ. Phát triển bền vững là một khái niệm quan trọng trong lý thuyết kinh tế xanh và toàn cầu hóa.
Theo báo cáo Brundtland (1987), phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại,mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của họ. Lý thuyết này nhấn mạnh vào ba trụ cột chính: kinh tế, xã hội và môi trường. Sự phát triển bền vững yêu cầu sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và đảm bảo công bằng xã hội.
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua việc phân tích tài liệu và các báo cáo chính sách liên quan đến kinh tế xanh và toàn cầu hóa tại Việt Nam. Các tài liệu này bao gồm các báo cáo của Chính phủ, các nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, bên cạnh đó sử dụng các số liệu thống kê về các dự án kinh tế xanh, mức độ đầu tư nước ngoài, và các chỉ số phát triển bền vững. Dữ liệu được tổng hợp từ các nguồn tin cậy, như: Tổng cục Thống kê Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
THỰC TRẠNG NỀN KINH TẾ XANH TẠI VIỆT NAM
Các chính sách về tăng trưởng xanh
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã “xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư..., chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp”5.
Thực hiện hóa chủ trương của Đảng, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” (theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg). Đây có thể gọi là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện đến lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, tạo tiền đề và căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện tăng trưởng kinh tế dựa trên nền kinh tế xanh. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng thúc đẩy tăng trưởng xanh bằng cách ban hành nhiều quyết định quan trọng có liên quan đến phát triển kinh tế xanh, như: Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10/5/2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg, ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế…
Thực hiện chủ trương của Đảng, của Chính phủ, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Cụ thể, ngày 07/8/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với từng giai đoạn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. NHNN cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; lồng ghép mục tiêu tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các TCTD theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 986/QĐ-TTg, ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên đưa quy định về tín dụng xanh (Điều 149) và trái phiếu xanh (Điều 150). Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh (khoản 2 Điều 154 và các Điều 155, 156, 157). Bên cạnh đó, trong các nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP), trái phiếu do Chính phủ (Nghị định số 95/2018/NĐ-CP) và chính quyền địa phương (Nghị định số 93/2018/NĐ-CP) phát hành đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để hình thành, phát triển và quản lý nhà nước đối với hai kênh tài chính tiềm năng này nhằm huy động nguồn lực từ thị trường cho việc chuyển đổi, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục vụ các mục tiêu môi trường quốc gia và các cam kết về khí hậu.
Tại Hội thảo “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (2024) tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023. Về trái phiếu xanh, giai đoạn 2016 - 2020, đã có có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn 2019 đến 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh (trong đó, EVNFinance phát hành 1.725 tỷ đồng năm 2022; BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng năm 2023).
Năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240 nghìn ha canh tác hữu cơ, trong khi đó năm 2016 chỉ là 77 nghìn ha; có 59 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai công nghiệp hữu cơ (WB, 2024).
Những hạn chế, thách thức
Mặc dù nền kinh tế xanh đang mang lại những tín hiệu khả quan, song các vấn đề môi trường vẫn tiếp tục là thách thức lớn đối với Việt Nam. Những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam cũng gia tăng đáng kể. Cụ thể, từ năm 2014 đến năm 2019, lượng phát thải đã tăng hơn 65%, từ mức 249 triệu tấn CO2e lên 411 triệu tấn CO2e, đặt ra áp lực lớn đối với môi trường. Đồng thời, cường độ phát thải trên mỗi đơn vị GDP cũng tăng 33% trong giai đoạn này, phản ánh rằng các hoạt động sản xuất và tiêu dùng tại Việt Nam vẫn chưa đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2023).
Ba nhóm thách thức chính có tác động lớn đến khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế xanh bao gồm: hệ thống chiến lược, hệ thống pháp lý và hệ thống tài chính xanh.
Thứ nhất, hệ thống chiến lược chưa hoàn thiện. Việt Nam đã xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, tuy nhiên, các nội dung này vẫn còn hạn chế về độ sâu và sự chi tiết, đặc biệt trong các vấn đề chuyên ngành và liên ngành. Sự thiếu đồng bộ trong triển khai giữa các cấp cũng là một rào cản lớn. Ở cấp tỉnh và thành phố, nhiều địa phương vẫn chưa có các kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Điều này làm giảm hiệu quả của chiến lược quốc gia, đồng thời hạn chế khả năng đồng bộ hóa và lan tỏa lợi ích từ các sáng kiến kinh tế xanh trên toàn quốc.
Thứ hai, thiếu hệ thống pháp lý hỗ trợ đồng bộ. Một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của nền kinh tế xanh tại Việt Nam là sự thiếu hụt một hệ thống phân loại xanh hoàn chỉnh và thống nhất trên toàn quốc. Kể từ năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính đã bắt đầu triển khai việc xây dựng hướng dẫn phân loại các dự án xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có văn bản chính thức nào được ban hành và phê duyệt, khiến quá trình này chưa đạt được tiến triển như kỳ vọng. Điều này khiến cho các dự án xanh gặp khó khăn trong việc xác định tiêu chuẩn và quy định cần tuân thủ, từ đó làm chậm tiến độ triển khai.
Hơn nữa, các chính sách ưu đãi đầu tư và các chương trình thí điểm hỗ trợ tăng trưởng xanh vẫn chưa được xây dựng và thực thi đồng bộ. Sự thiếu hụt này không chỉ làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mà còn cản trở việc mở rộng các dự án xanh quy mô lớn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng xanh theo tiêu chuẩn quốc tế là xây dựng Hệ thống phân loại xanh (Green Taxonomy). Đây là công cụ nhằm đưa ra các tiêu chí kỹ thuật để phân loại và đánh giá mức độ bền vững của các dự án xanh trong các ngành nghề khác nhau. Các ngành kinh tế xanh đang phát triển trong một môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, gây ra nhiều thách thức trong việc bảo vệ quyền lợi và đảm bảo sự phát triển công bằng cho các bên liên quan.
Thứ ba, hệ thống tài chính xanh còn ở giai đoạn sơ khai. Các dự án xanh hiện tại vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính. Các công cụ tài chính tiên tiến, chẳng hạn như trái phiếu xanh hoặc quỹ tài chính bền vững, chưa được triển khai rộng rãi, gây ra sự thiếu hụt vốn cho các dự án tiềm năng. Đặc biệt, việc thiếu một hệ thống Đo đạc, Báo cáo và Thẩm tra (MRV) hoàn thiện đã làm giảm khả năng minh bạch và đánh giá hiệu quả của các dự án xanh, gây cản trở trong việc thu hút các nguồn vốn quốc tế. Hệ thống MRV không chỉ giúp cải thiện quá trình báo cáo, mà còn tạo cơ sở để đảm bảo rằng các dự án xanh đạt được kết quả mong muốn, từ đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Để giải quyết các thách thức này, Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao năng lực trong việc hoàn thiện hệ thống chiến lược, pháp lý và tài chính xanh. Trước hết, cần mở rộng và cụ thể hóa các chiến lược tăng trưởng xanh, đặc biệt tại các địa phương, để đảm bảo tính thực thi cao hơn. Tiếp theo, việc xây dựng một khung pháp lý đồng bộ, bao gồm hệ thống phân loại xanh quốc gia và các chính sách ưu đãi đầu tư rõ ràng, là rất cần thiết. Đồng thời, Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để phát triển hệ thống MRV tiêu chuẩn, cũng như đẩy mạnh việc áp dụng các công cụ tài chính mới nhằm thúc đẩy huy động vốn hiệu quả hơn.
Với các biện pháp này, không chỉ môi trường đầu tư xanh trở nên hấp dẫn hơn mà các dự án xanh cũng sẽ được triển khai một cách hiệu quả và bền vững hơn, góp phần đáng kể vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Để thực sự giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo sự bền vững lâu dài của nền kinh tế xanh, cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới để phục vụ và triển khai thực thi cho các lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu cho kinh tế xanh, bao gồm: công nghệ giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng thân thiện với môi trường. Song song với quá trình này, cần được đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để tạo nền tảng khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng cơ chế, chính sách, và giải pháp quản lý xanh một cách có hiệu quả. Đặc biệt, các lĩnh vực sản xuất năng lượng và công nghiệp cần trở thành trọng tâm của các chính sách cải tiến công nghệ. Việc phát triển các nguồn năng lượng sạch, như: điện gió, điện mặt trời và các hệ thống lưu trữ năng lượng hiệu quả sẽ là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ cả chính phủ và khu vực tư nhân để đầu tư vào các công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường. Với sự phối hợp đồng bộ và quyết tâm cao, Việt Nam có thể cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo nền tảng vững chắc cho một tương lai phát triển bền vững.
Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của phát triển bền vững và tiếp tục thúc đẩy các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư sẽ là chìa khóa để Việt Nam có thể phát triển nền kinh tế xanh một cách bền vững và hiệu quả trong thời gian tới. Chỉ khi có sự kết nối chặt chẽ giữa các bộ phận này, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững và mang lại lợi ích to lớn cho cả đất nước và cộng đồng.
KẾT LUẬN
Việc phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam không chỉ là một nỗ lực để thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, mà còn là cơ hội để nâng cao sự cạnh tranh kinh tế, tăng trưởng bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, để thành công trong việc này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là việc hoàn thiện hệ thống chiến lược và pháp lý để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các dự án xanh.
Việc thiếu hụt chi tiết và sự đồng bộ trong các chiến lược ngành cũng như pháp lý hỗ trợ đã gây khó khăn cho việc triển khai các dự án. Đặc biệt, hệ thống phân loại xanh ("Green taxonomy") cần được phát triển và thực thi một cách nhanh chóng và hiệu quả để đảm bảo tính minh bạch và sự hấp dẫn của các dự án xanh đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, việc phát triển hệ thống tài chính xanh cũng là một trong những điểm cần được quan tâm. Hệ thống này cần phải đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án xanh, bao gồm các công cụ tài chính mới như trái phiếu xanh và cần có các quy trình đo đạc, báo cáo và thẩm tra (MRV) hoàn thiện để giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự tin tưởng của các nhà đầu tư./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Tăng trưởng xanh: cơ hội đột phá và hướng đi cho Việt Nam, Báo cáo triển khai Kết luận Phiên họp toàn thể lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh.
2. OECD (2011), Towards Green Growth, OECD Publishing.
3. Stiglitz, J. E. (2002), Globalization and Its Discontents, W. W. Norton & Company.
4. Pearce, D., Markandya, A., Barbier, E. (1989), Blueprint for a Green Economy, Earthscan.
5. World Commission on Environment and Development (1987), Our Common Future (The Brundtland Report), Oxford University Press.
TS. Phạm Thanh Tuấn - Trường Đại học Ngoại thương
Trần Thanh Luân - Học viên cao học, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh
TS. Trần Xuân Lộc - Trường Đại học Ngoại thương
ThS. Võ Anh Tuấn - Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 01, tháng 01/2025)
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/thuc-trang-nen-kinh-te-xanh-va-toan-cau-hoa-tai-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc-a314773.html