Một số vấn đề rút ra từ tổng kết 40 năm đổi mới và kiến nghị cho 5 năm tới

Công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN) do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986 đến nay đã thu được những thắng lợi, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đưa đất nước ta từ một nước nghèo trên thế giới trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Qua nghiên cứu các tài liệu đánh giá, tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn sau 40 năm Đổi mới, bài viết đưa r...

Từ khóa: Tổng kết 40 năm Đổi mới, công cuộc đổi mới, vị thế Việt Nam

Summary

The Renovation, construction, and development of the country along the socialist path initiated by the Communist Party of Vietnam in 1986 have achieved great victories and achievements of historical significance; transforming our country from a poor country in the world into a developing country with average income; Vietnam's position in the international arena has been increasingly enhanced. Through the study of assessment documents, summarizing some theoretical and practical issues after 40 years of Renovation, the article presents some crucial issues drawn out and recommendations for the next 5 years.

Keywords: Reviewing of 40 years of Renovation, renovation process, Vietnam's position

Một số vấn đề rút ra từ tổng kết 40 năm đổi mới và kiến nghị cho 5 năm tới
Ngày 22/8/2024, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo Tổng kết 40 năm Đổi mới) tổ chức Phiên họp thứ tư dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm

GIỚI THIỆU

Sau gần 40 năm Đổi mới, đất nước ta phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã vượt qua khủng hoảng cuối những năm 1990, vượt qua mức thu nhập thấp năm 2008, dự kiến trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Đến năm 2023, quy mô nền kinh tế (GDP) nước ta đạt 433 tỷ USD, đứng thứ 34 thế giới, thứ 4 trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Tăng trưởng kinh tế còn thấp so với một số nước trong khu vực ở thời kỳ phát triển tương ứng, có xu hướng giảm dần và thiếu ổn định. Giai đoạn 10 năm đầu Đổi mới với những cải cách, mở cửa tạo điều kiện cho nền kinh tế bùng nổ, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao, đạt đỉnh năm 1995 với mức tăng trưởng 9,5%, trung bình giai đoạn 1991-1995 đạt 8,2%/năm. Trong các giai đoạn tiếp theo, tăng trưởng kinh tế đã giảm đáng kể (giai đoạn 1996-2005: 7,1%/năm; giai đoạn 2006-2015: 6,3%). Trong 10 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm, trong giai đoạn 2016-2023, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 5,3%/năm. Nhiều nước trong khu vực sau 30-40 năm đã hoàn thành công nghiệp hóa, trở thành nước phát triển; có thời kỳ tăng trưởng cao kéo dài nhiều thập kỷ[1]. Đến năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 4.285 USD, thấp xa so với nhiều nước trong khu vực (Singapore: 84.734 USD; Hàn Quốc: 33.121 USD; Trung Quốc: 12.614 USD; Malaysia: 11.649 USD; Thái Lan: 7.172 USD; Indonesia: 4.941 USD).

MỘT SỐ VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG ĐƯỢC RÚT RA VÀ KIẾN NGHỊ CHO 5 NĂM TỚI

Qua nghiên cứu các tài liệu đánh giá, tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn sau 40 năm Đổi mới, một số vấn đề quan trọng được rút ra và kiến nghị cho 5 năm tới như sau:

Về chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương đúng đắn của Đảng ta, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996, chúng ta đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp và mục tiêu này được khẳng định tại nhiều đại hội tiếp theo. Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu này chưa hoàn thành. Nền tảng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa vững chắc. Năng lực tự chủ công nghệ của nhiều ngành công nghiệp chưa được cải thiện. Năng lực sản xuất của một số ngành công nghiệp quan trọng chậm được nâng lên. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, vẫn ở khâu sản xuất gia công, lắp ráp, chế biến thô, giá trị gia tăng còn thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn phát triển chậm; doanh nghiệp công nghiệp cơ khí, chế tạo chưa làm chủ được công nghệ nguồn, đổi mới máy móc thiết bị còn hạn chế.

Các nguyên nhân chủ yếu bao gồm: (i) Nhận thức, lý luận về công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa thực sự rõ; mô hình, mục tiêu, tiêu chí cụ thể về công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn nhiều nội dung chưa rõ, chưa sát thực tiễn, còn chủ quan, duy ý chí; chưa làm rõ phương thức thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; (ii) Thiếu chiến lược, chương trình, đề án cụ thể dẫn đến khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; chưa lựa chọn được ngành công nghiệp ưu tiên để hỗ trợ phát triển trong từng giai đoạn; (iii) Chưa coi trọng và thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh, tập trung nguồn lực phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm để từng bước làm chủ công nghệ; (iv) Chưa tận dụng được các dự án FDI để chuyển giao công nghệ; doanh nghiệp tư nhân trong nước tập trung chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, bất động sản…; ít đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Chưa phát triển được doanh nghiệp tư nhân mạnh, đầu đàn, dẫn dắt chuỗi giá trị…

Từ thực trạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém, đề xuất một số kiến nghị như sau:

(i) Tổ chức tốt việc thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

(ii) Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá, đặc thù, ưu tiên tập trung nguồn lực để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

(iii) Tập trung nguồn lực, có chính sách đặc thù vượt trội phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, các ngành công nghiệp mới nổi (chíp bán dẫn, AI, tự động hóa, năng lượng mới, vật liệu mới…); ưu tiên phát triển, từng bước làm chủ công nghệ sản xuất một số ngành công nghiệp nền tảng.

(iv) Có chính sách để tận dụng được các dự án FDI để chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước và hỗ trợ mạnh mẽ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, quy mô lớn, đầu đàn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng, tham gia thị trường toàn cầu.

Về tận dụng các cơ hội lớn liên quan đến hội nhập quốc tế, thu hút FDI, tận dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Trong gần 40 năm qua, chúng ta đã bỏ lỡ một số cơ hội lớn để huy động nguồn lực, đẩy mạnh hội quốc tế sâu rộng, tăng tốc phát triển đất nước. Do nhiều lý do, nước ta ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2001, nếu đẩy nhanh hơn nữa, Hiệp định này có thể ký sớm hơn, ít nhất là 2 năm, từ năm 1999.

Tương tự như thế, chúng ta cũng có thể gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới sớm hơn 2 năm, từ năm 2005, không chờ đến năm 2007. Ngoài ra, chúng ta ký nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng chưa khai thác hết cơ hội; năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp tuy đã được nâng cao một bước nhưng vẫn còn bất cập, hạn chế. Nước ta cũng chưa tận dụng tốt cơ hội thu hút FDI khi có sự dịch chuyển lớn FDI từ một số nước trong khu vực như từ Thái Lan sau trận lũ lụt lịch sử năm 2011, từ Trung Quốc sau cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung năm 2017...

Trong thời gian gần đây, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, nhưng những cơ hội của từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, phát triển các ngành công nghiệp mới nổi… cũng chưa khai thác được nhiều.

Trong thời gian tới, để tận dụng tốt hơn các cơ hội lớn liên quan đến hội nhập quốc tế, thu hút FDI, tận dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: (1) Đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đồng bộ, hiện đại và hội nhập quốc tế; (2) Chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước để khai thác tốt các FTA mang lại, nhất là nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước; (3) Có chính sách hỗ trợ mạnh, nhanh, thông thoáng để thu hút các dự án FDI đặc biệt, quy mô lứn, tác động lan tỏa cao; (4) Đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên nguồn lực để phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cho phép thực hiện quy trình đặc biệt đối với các sản phẩm có tính chất mới, thử nghiệm có tiềm năng phát triển vượt bậc, tác động kinh tế, xã hội lớn; (5) Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho bán dẫn, AI, nhân lực phục vụ chuyển đổi số…; (6) Tận dụng quan hệ với các đối tác chiến lược, thường của các nước phát triển cho các quốc gia thân thiện, để đẩy mạnh thu hút, chuyển giao công nghệ.

Về xác định giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu

Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu là chủ trương đúng được xác định từ Đại hội X của Đảng năm 2006, tạo động lực đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, song chúng ta chưa có quốc sách thực sự, chưa dành đủ nguồn lực để thực hiện chủ trương này, nên kết quả đạt được còn hạn chế, chuyển biến còn chậm. Việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ chưa đầy đủ, đồng bộ; công tác quản lý nhà nước chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nguồn nhân lực chưa có thay đổi rõ rệt về chất lượng, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội; thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số... Khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn khoảng cách so với nhóm các nước dẫn đầu khu vực. Hoạt động nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp ít được chú trọng.

Để thực sự đưa giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh, bền vững, phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh, ưu tiên tập trung đủ nguồn lực để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, thực chất giáo dục - đào tạo từ nội dung chương trình, phương pháp dạy và học đến quản lý giáo dục đào tạo đạt trình độ quốc tế và khu vực. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, chip bán dẫn, xây dựng, vận hành đường sắt cao tốc... Đào tạo, chuẩn bị nhân lực để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, đưa Việt Nam tiến xa hơn trong kỷ nguyên số. Có chính sách trọng dụng nhân tài, tận dụng tốt nguồn nhân lực trẻ đóng góp cho đất nước.

Đối với khoa học và công nghệ, tập trung hoàn thiện pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, chấp nhận rủi ro và độ trễ; ưu tiên nguồn lực để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Xây dựng, áp dụng cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát đối với một số dự án khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Phát huy hiệu quả mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam trong và ngoài nước.

Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế

Chủ trương phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế được đặt ra từ Đại hội XII (năm 2016) của Đảng; tuy nhiên hiện nay lực lượng doanh nghiệp còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng; chủ yếu có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Thiếu các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân trong nước quy mô lớn có khả năng dẫn dắt và tạo lập, phát triển mạng lưới sản xuất, cung ứng. Liên kết, hợp tác sản xuất giữa khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, giữa các doanh nghiệp trong nước còn yếu…

Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy tăng năng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cần xóa bỏ định kiến về doanh nghiệp, doanh nhân, đánh giá đúng vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước. Tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân yên tâm, phấn khởi đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân trong nước trong tiếp cận vốn, đất đai, cung cấp dịch vụ công, các chính sách ưu đãi và nguồn lực khác. Hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học quan trọng của nhà nước. Có chính sách hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, quy mô lớn, đầu đàn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng, tham gia thị trường toàn cầu. Phát triển doanh nghiệp trong nước gắn với chuỗi liên kết của doanh nghiệp FDI. Xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thay đổi cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm; thanh tra, kiểm tra chủ yếu là để hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ luật pháp.

Về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật kiến tạo phát triển

Đổi mới thể chế phát triển có lĩnh vực còn chậm; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả. Tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển[2], nhất là đối với những vấn đề, mô hình kinh tế mới. Chất lượng pháp luật chưa cao; một số chính sách, pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, chưa theo kịp với tình hình thực tiễn; còn tồn tại tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong một số văn bản pháp luật; việc áp dụng pháp luật đôi khi thiếu thống nhất.

Nguyên nhân của tình trạng trên bao gồm: (i) Chậm đổi mới tư duy trong xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (ii) Trình độ, tính chuyên nghiệp của cán bộ và cơ quan xây dựng luật chưa cao, có lợi ích cục bộ, lợi ích ngành trong xây dựng pháp luật; (iii) Tính chuyên nghiệp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần nâng cao hơn nữa; (iv) Quy trình xây dựng pháp luật bất cập; việc lấy ý kiến các cơ quan liên quan và đối tượng bị tác động mang tính hình thức; (v) Thiếu cơ quan tổng chỉ huy trong việc xây dựng, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trong thời gian tới cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phục vụ yêu cầu quản lý, vừa thúc đẩy phát triển, trong đó ưu tiên kiến tạo phát triển. Nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp của cán bộ và cơ quan xây dựng luật, của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Ban hành các quy định để sửa nhanh một số điều của luật bất cập, gây ách tắc, cản trở phát triển. Có cơ chế để thực sự phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng bị tác động tham gia xây dựng và giám sát thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. Hình thành cơ quan chủ trì, tổng chỉ huy trong việc xây dựng, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Về phân cấp, phân quyền

Phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương vẫn còn chưa khoa học, hiệu quả. Còn tình trạng tập trung nhiều ở trung ương; chưa phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của địa phương. Phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm, còn nhiều vướng mắc, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, đầu tư, huy động nguồn lực. Mức độ trao quyền cho địa phương còn thấp, nhất là trong những lĩnh vực như: quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; quản lý khoáng sản là vật liệu thông thường; giao một địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác; giao địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn, nhất là các dự án quốc lộ, cao tốc…

Trong thời gian tới cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy để thực hiện phân cấp, phân quyền theo nguyên tắc việc gì cấp dưới đảm nhiệm có hiệu quả thì cấp trên không làm, không bao biện làm thay. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa trung ương và địa phương, đề cao ý thức tự lực, tự cường của các địa phương; trung ương tập trung xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thực hiện./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Chính trị (2024), Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2. Bộ Chính trị (2024), Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ V-XIII.

4. Tổng cục Thống kê (2021-2024), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2020 đến 2023.

TS. Trần Hồng Quang

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 02, tháng 01/2025)


[1] Trung Quốc tăng trung bình 10%/năm trong 34 năm (1978-2011); Đài Loan tăng 8,9%/năm trong 38 năm (1952-1989); Singapore tăng 8,9%/năm trong 33 năm (1965-1997); Hàn Quốc tăng 8,6%/năm trong 29 năm (1963-1991); Nhật Bản tăng 12,5%/năm trong 20 năm (1951-1970)… (Nguồn: ADB)

[2] Các Luật Doanh nghiệp (1999), Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2005 đóng góp tích cực vào phát triển, phân cấp, phân quyền, huy động nguồn lực xã hội. Sau đó, hệ thống pháp luật chuyên ngành bổ sung nhiều điều kiện kinh doanh.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/mot-so-van-de-rut-ra-tu-tong-ket-40-nam-doi-moi-va-kien-nghi-cho-5-nam-toi-a314733.html