EU chuẩn bị cho kịch bản bị chính quyền Trump áp thuế

() - Từ nhiều tháng qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn bị kỹ cho kịch bản Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan lên hàng hóa của khối. Ông Trump cũng đã tuyên bố điều này ngay khi trở lại Nhà Trắng.

EU chuẩn bị cho kịch bản bị chính quyền Trump áp thuế - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gặp mặt bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, tháng 1/2020 (Ảnh: Reuters).

Chưa đầy 2 tuần sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng đe dọa áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu.

"Điều này (chỉ thuế quan) chắc chắn sẽ xảy ra với Liên minh châu Âu. Tôi có thể nói như vậy do họ thực sự lợi dụng chúng ta", ông Trump nói với báo giới hôm 2/2, sau khi công bố các mức thuế nhằm vào Mexico, Canada và Trung Quốc. "Họ không mua xe của chúng ta, họ không mua các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta.

Đây có lẽ không phải điều bất ngờ với các chính trị gia "lục địa già". Ngay từ trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã phàn nàn về mức thặng dư thương mại của EU với Mỹ và đòi châu Âu "trả giá đắt".

Để đối phó, EU cũng đã có những động thái chuẩn bị nhất định ngay từ khi kịch bản ông Trump trở lại chính trường dần cận kề. Ủy ban châu Âu (EC) là cơ quan điều phối nỗ lực này.

"Brussels đã chuẩn bị sẵn sàng một danh sách (các biện pháp có thể áp dụng). Họ khá tự tin rằng họ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này", một nhà ngoại giao EU tuyên bố, theo Politico.

Sẵn sàng kịch bản trả đũa 

Các nguồn tin cho biết, theo quan điểm của giới chức EU, nếu họ càng phản ứng mạnh mẽ, chính quyền Trump sẽ càng sớm đi đến đàm phán. Dù ông Trump ưa thích đánh thuế, ông cũng tỏ ra sẵn sàng đàm phán.

Chỉ vài tiếng trước khi các mức thuế quan áp đặt lên Mexico và Canada có hiệu lực, hôm 3/2, giới chức Mỹ tuyên bố tạm hoãn thi hành biện pháp này trong 30 ngày sau khi Mexico City và Ottawa tuyên bố nhượng bộ.

"Chúng tôi sẽ đáp trả nhanh chóng và mạnh mẽ", một nhà ngoại giao cấp cao của EU tuyên bố.

Mục tiêu của EU sẽ là gây tác động mạnh với Mỹ để buộc Washington phải lập tức đàm phán. Khi đó, EU sẽ có vị thế tốt hơn. Giới chức châu Âu cho rằng kịch bản này sẽ tốt hơn viễn cảnh hai bên trả đũa lẫn nhau kéo dài.

Năm 2022, EU có 122 sản phẩm được xếp vào nhóm "có tầm quan trọng chiến lược", chiếm 4,9% tổng kim ngạch nhập khẩu của khối. Tuy nhiên, chỉ có 8 sản phẩm trong đó phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ, trong đó, chỉ riêng hóa chất và các nguyên tố quý hiếm đã chiếm 6 sản phẩm.

Ở chiều ngược lại, Mỹ có tới 32 sản phẩm phục thuộc vào nguồn cung từ EU, chủ yếu là hóa chất và dược phẩm. Đây sẽ là vũ khí mà EU có thể đưa ra bàn đàm phán với chính quyền Trump.

Theo Washington Post, các quan chức EU đã lên danh sách các sản phẩm có thể đánh thuế ngược trở lại Mỹ, cũng như xây dựng đề án đàm phán với Washington. Một phần của kế hoạch là cam kết tăng nhập khẩu từ Mỹ và đề xuất hợp tác đối phó với Trung Quốc, theo một quan chức EU.

Một biện pháp khác mà EU có thể thực hiện là đánh thuế vào các công ty phụ thuộc nặng nề vào thị trường châu Âu. Hồi năm 2018, khi ông Trump bất ngờ áp thuế lên sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu của EU, khối này đã nhằm vào một số thương hiệu Mỹ nổi tiếng như hãng xe máy Harley-Davidson hay hãng quần bò Levi's.

Đây dường như cũng là chiến thuật đang được Anh tính đến. Politico cho biết các quan chức Anh xem xét áp dụng trở lại các biện pháp đáp trả của EU trước đây nếu bị ông Trump áp thuế. Khác với các lệnh áp thuế khác, động thái kể trên sẽ không phải trải qua quá trình điều tra từ một cơ quan độc lập.

Dù vậy, một bộ trưởng giấu tên trong chính phủ Anh cho biết nếu thực sự bị áp thuế, London ưu tiên đàm phán với Mỹ hơn là trả đũa.

Sau tuyên bố của ông Trump, các chính trị gia châu Âu cũng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, khẳng định sẵn sàng đáp trả nếu bị Mỹ áp thuế.

"EU sẽ đáp trả cứng rắn đối với bất cứ đối tác thương mại nào áp đặt thuế quan lên EU một cách không công bằng hoặc tùy tiện", người phát ngôn EC nói hôm 2/2, theo Politico.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định EU cần hành động nếu các lợi ích của khối bị đe dọa.

"Nếu các lợi ích thương mại của chúng ta bị tấn công, châu Âu, với vị thế cường quốc, sẽ cần tự khiến chúng ta được tôn trọng - do đó cần phản ứng", ông Macron tuyên bố hôm 3/2.

Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Marc Ferracci thậm chí yêu cầu Brussels đáp trả gay gắt. Theo ông Ferracci, châu Âu cần tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu quan trọng đối với Mỹ để đạt hiệu quả. "Chúng cần ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ để tạo ra mối đe dọa đủ sức nặng trên bàn đàm phán", ông bổ sung.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp cũng cho rằng châu Âu cần xây dựng một "Đạo luật mua sản phẩm châu Âu".

Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, tuyên bố thuế quan của ông Trump là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Theo ông Lange, EU cần "bảo vệ lợi ích kinh tế 1-1", cũng như nhanh chóng mở rộng quan hệ thương mại với các quốc gia khác.

Trong khi đó, lãnh đạo cơ quan đối ngoại châu Âu Kaja Kallas nhận định một cuộc chiến thương mại sẽ gây hại tới người tiêu dùng ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

"Chúng ta cần Mỹ và Mỹ cũng cần chúng ta", bà Kallas nói thêm.

Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/eu-chuan-bi-cho-kich-ban-bi-chinh-quyen-trump-ap-thue-a314656.html