Từ khóa: kinh tế thế giới, xung đột, lạm phát, chính sách tiền tệ, triển vọng
Summary
The world economy in 2024 grew steadily despite being negatively affected by geopolitical conflicts such as the war in Ukraine and instability in the Middle East. Cooling inflation prompted central banks in major economies to lower interest rates in the second half of 2024. Along with the results of the US presidential election in late 2024, the world economic outlook in 2025 will be expected to have many new developments. This article aims to overview the world economic picture in 2024 and, on that basis, forecast the world economic outlook in 2025.
Keywords: world economy, conflict, inflation, monetary policy, outlook
BỨC TRANH KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2024
Biến động địa chính trị thế giới
Năm 2024 đánh dấu một năm đầy biến động với hàng loạt sự kiện quan trọng trên toàn cầu, trong đó những sự kiện nổi bật, kéo dài từ các năm trước đó hoặc mới xuất hiện trong 2024 gồm: xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông và bầu cử Tổng thống tại Mỹ.
Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang trong năm 2024, khi các cuộc giao tranh không có dấu hiệu giảm nhiệt. Vụ tấn công bất ngờ của Ukraine vào vùng Kursk của Nga tháng 8/2024 đã làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia và các nước đồng minh của Ukraine. Trước diễn biến của bầu cử Tổng thống Mỹ và trong đó có triển vọng hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine trong cuộc chiến sẽ giảm đi, nhiều diễn biến phức tạp hơn từ cả phía Nga và Ukraine đã diễn ra, đặc biệt là cường độ chiến tranh được đẩy lên từ phía Nga, cũng như có những dấu hiệu cho thấy có sự nhượng bộ nhất định từ phía Ukraine trong việc đòi hỏi điều kiện cho đàm phán hòa bình.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas đã bước sang năm thứ hai và tiếp tục căng thẳng trong năm 2024. Không chỉ dừng lại ở biên giới Israel, trong năm 2024, xung đột đã nhanh chóng lan rộng sang Liban, nơi quân đội Israel tấn công vào các vị trí của lực lượng Hezbollah. Thỏa thuận ngừng bắn bất ngờ giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực từ 27/11 đánh dấu bước khởi đầu cho động thái hòa giải sau hơn 14 tháng giao tranh trong khu vực. Tuy nhiên, rủi ro vẫn hiện hữu, làm tăng khả năng thỏa thuận chỉ mang tính tạm thời. Tiến trình hòa bình Trung Đông dù đã có những dấu hiệu khả quan, nhưng vẫn đòi hỏi nỗ lực phối hợp lớn từ tất cả các bên để đảm bảo các thỏa thuận không bị phá vỡ.
Việc ông Donald Trump tái đắc cử sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua cũng là một sự kiện chính trị quan trọng. Với chiến thắng này, ông sẽ chính thức quay trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/01/2025, đánh dấu một bước ngoặt chính trị chưa từng có trong lịch sử Mỹ. Những chính sách dự kiến sẽ được ông Donald Trump áp dụng và có ảnh hưởng lớn tới kinh tế thế giới bao gồm:
Thứ nhất, các tuyên bố của Trump trong chiến dịch tranh cử của mình cho thấy có khả năng áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế 10% đến 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu của các quốc gia khác. Gần đây hơn, ông tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada và thêm 10% vào thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc[1].
Thứ hai, gia hạn Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm vào cuối năm 2025 với một số biện pháp bổ sung, bao gồm: giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 20% (15% đối với một số công ty), tăng chi tiêu quốc phòng và cắt giảm chi tiêu để chính sách tài khóa nới lỏng 0,5% GDP vào năm 2026[2].
Thứ ba, gia tăng đáng kể trong các vụ trục xuất lên 750.000 người/năm, cùng với các hạn chế và răn đe biên giới.
Thứ tư, bãi bỏ quy định bao gồm nới lỏng các biện pháp chống độc quyền và các yêu cầu về vốn ngân hàng dễ hơn.
Thứ năm, chấm dứt các hạn chế về quy định đối với hoạt động khoan dầu, thăm dò khí đốt, khai thác than và sẽ nỗ lực hạn chế các khoản chi tiêu liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Biden[3].
Tăng trưởng kinh tế thế giới
Kinh tế thế giới nhìn chung tăng trưởng ổn định trong năm 2024, tuy nhiên ảnh hưởng tiêu cực bởi các xung đột địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông khiến cho kinh tế thế giới không có nhiều khởi sắc. Giá cả hàng hóa thế giới hạ nhiệt, chính sách tài chính tiền tệ từng bước được nới lỏng. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được IMF dự kiến đạt 3,2%, giảm nhẹ so với 3,3% năm 2023.
Kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện tăng trưởng vững chắc, dù tăng trưởng quý III/2024 không đạt kỳ vọng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt tốc độ tăng trưởng thường niên 2,8% trong quý III/2024, giảm so với 3% vào quý II/2024, nhưng cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng trong môi trường lãi suất cao. Theo ước tính của IMF (10/2024), kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm 2024, thấp hơn một chút so với 2,9% vào năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng nhẹ lên mức 4,1% vào tháng 10/2024, cao hơn 0,3 điểm % so với cùng kỳ năm 2023 và 3,7% vào tháng 12/2023. Lạm phát của Mỹ được kiểm soát tốt trong năm 2024, nhưng tốc độ giảm lạm phát đã chậm lại trong những tháng cuối năm. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (FED) ưa chuộng - tăng 1,5% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức mục tiêu 2% của FED và giảm tốc nhiều so với mức tăng 2,5% ghi nhận trong quý II. Tuy nhiên, PCE lõi - chỉ số không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - vẫn tăng 2,2%, chưa hạ xuống được mức mục tiêu 2%. Yếu tố này, cùng với khả năng Tổng thống đắc cử Donald Trump tăng thuế đối với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia như Canada và Mexico, có thể sẽ tác động đến chính sách lãi suất của FED vào năm 2025, sau khi đã hai lần hạ lãi suất vào tháng 9 và 11/2024 xuống mức 4,5%-4,75%.
Kinh tế EU: Sau một thời gian trì trệ kéo dài và trên diện rộng, nền kinh tế EU đã tiếp tục tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2024. Tăng trưởng tiếp tục diễn ra với tốc độ chậm nhưng ổn định trong suốt quý II và III, trong bối cảnh áp lực lạm phát tiếp tục giảm. Tốc độ tăng GDP thường niên của EU đạt lần lượt 0,6%, 0,8% và 1% trong quý I, II và III/2024. Ủy ban châu Âu (11/2024) dự kiến tốc độ tăng GDP của EU và khu vực đồng Euro sẽ đạt lần lượt 0,9% và 0,8% vào năm 2024. Lạm phát của khu vực đồng Euro giảm hơn một nửa từ 5,4% vào năm 2023 xuống còn 2,4% vào năm 2024. Tuy nhiên, sự phục hồi của EU diễn ra không đồng đều: nền kinh tế Tây Ban Nha dự kiến tăng trưởng 2,9% trong năm 2024, Pháp và Italia lần lượt đạt 1,1% và 0,7%, trong khi kinh tế Đức không có tăng trưởng (0% năm 2024, so với -0,3% năm 2023).
Kinh tế Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng chậm trong năm 2024. Sau khi suy giảm trong quý đầu tiên, tổng sản phẩm quốc nội thực tế đã tăng lần lượt 0,5% và 0,2% vào quý II và III/2024 so với quý trước, nhờ nhu cầu trong nước mạnh mẽ (theo số liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản). Chi tiêu tiêu dùng tăng, trong khi xuất khẩu giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020[4] do đồng Yen tăng giá. Rõ ràng, động lực tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đang chuyển từ nhu cầu bên ngoài sang nhu cầu trong nước. IMF (tháng 10/2024) dự kiến Nhật Bản chỉ đạt mức tăng trưởng 0,3% năm 2024, so với 1,7% năm 2023. Bên cạnh đó, một thách thức lớn khác đối với chi tiêu tiêu dùng là lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao. Lạm phát chung vào tháng 8/2024 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng giá của đồng Yen giúp giảm phần nào áp lực lạm phát đối với thực phẩm tươi sống và năng lượng.
Sau quý I tăng trưởng mạnh, kinh tế Hàn Quốc suy giảm trong quý II/2024 với tốc độ tăng trưởng âm -0,2% so với quý trước, sau đó phục hồi nhẹ lên 0,1% vào quý III/2024[5]. Kinh tế Hàn Quốc cả năm 2024 dự báo đạt mức tăng trưởng 2,5% (IMF, 2024) nhờ xuất khẩu bán dẫn tăng mạnh, bù đắp phần nào cho nhu cầu trong nước yếu. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hàn Quốc đã tăng lên 1,5% vào tháng 11/2024, tăng từ mức thấp nhất trong 45 tháng là 1,3% vào tháng 10. Tuy nhiên, lạm phát vẫn thấp hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc trong tháng thứ ba liên tiếp, củng cố quyết định gần đây của ngân hàng này về hạ lãi suất. Cuối tháng 11/2024, Ngân hàng Hàn Quốc bất ngờ giảm lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản xuống 3%, đánh dấu lần đầu tiên cắt giảm lãi suất liên tiếp kể từ năm 2009.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong năm 2024. GDP của Trung Quốc đã giảm tốc xuống còn 4,6% trong quý III/2024, từ mức 4,7% trong quý II, chủ yếu do tổng cầu yếu do bất động sản suy thoái và tiêu dùng tư nhân bị hạn chế, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng chậm lại và nền tảng tăng trưởng tương đối cao vào quý III/2023. Các biện pháp kích thích được công bố vào tháng 9 và tháng 10/2024, cùng với biện pháp kích thích tài khóa công bố vào đầu tháng 11, sẽ hỗ trợ tăng trưởng, nhưng phần lớn tác động của các biện pháp này sẽ chỉ được cảm nhận vào năm 2025. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc năm 2024 tăng chậm lại do nhu cầu bên ngoài suy yếu, tình trạng bão lụt ở các thành phố cảng và tình trạng tắc nghẽn vận chuyển toàn cầu. IMF (2024) dự kiến GDP của Trung Quốc đạt mức tăng 4,8% trong năm 2024, giảm so với 5,3% năm 2023.
Kinh tế các nước ASEAN tiếp tục hồi phục với GDP tăng trưởng ở tất cả các nền kinh tế, trong đó Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất. Các động lực tăng trưởng chính của các nền kinh tế Đông Nam Á gồm kết tiêu dùng mạnh mẽ, sản xuất được mở rộng và xuất khẩu tăng cao hơn nhờ sự cải thiện về nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. IMF (2024) dự kiến các nền kinh tế ASEAN-5 sẽ đạt mức tăng trưởng 4,5% năm 2024 (Hình 1), cao hơn so với mức 4% đạt được vào năm 2023.
Hình 1: Tốc độ tăng trưởng GDP của một số nền kinh tế lớn trên thế giới (%)
Nguồn: Cơ sở dữ liệu WEO, IMF (10/2024) |
Thương mại và giá cả hàng hóa
Bất chấp những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra, khối lượng thương mại toàn cầu tính theo tỷ trọng GDP thế giới vẫn không giảm. Tuy nhiên, các dấu hiệu của sự phân mảnh địa kinh tế đã bắt đầu xuất hiện, khi ngày càng nhiều hoạt động thương mại diễn ra giữa các nước cùng khối địa chính trị. Cụ thể, khi so sánh các mức trung bình của giai đoạn 2022-quý I/2024 và 2017-2022, mức giảm tăng trưởng thương mại hàng hóa giữa các nước không cùng khối địa chính trị cao hơn 2,5 điểm % so với giữa các nước trong các khối. Nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục tăng, tình trạng phân mảnh thương mại toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục mở rộng. Sự phân mảnh thương mại toàn cầu, nếu đi đôi với sự gia tăng thương mại nội khối, có thể làm giảm khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng chi phí tài trợ, gián đoạn dòng vốn xuyên biên giới, giảm hiệu quả thị trường, làm chậm quá trình chuyển giao kiến thức giữa các nền kinh tế phát triển với các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển (do cản trở sự hội tụ thu nhập), tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp và gây ra chi phí kinh tế lớn hơn cho quá trình chuyển đổi xanh.
Theo báo cáo của WTO (2024), thương mại hàng hóa toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,7% vào năm 2024, tăng nhẹ so với ước tính trước đó là 2,6%. Khối lượng thương mại hàng hóa thế giới có khả năng tăng 3,0% vào năm 2025, tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự gia tăng bất ổn về chính sách kinh tế tiếp tục gây ra những rủi ro suy đáng kể. Thương mại dịch vụ có triển vọng thuận lợi hơn so với hàng hóa. Việc các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất sẽ giúp làm tăng thu nhập hộ gia đình thực tế và thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi lãi suất thấp hơn sẽ làm tăng chi tiêu đầu tư của các công ty. Mặc dù vậy, tình hình Trung Đông vẫn là một rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng thương mại thế giới.
Theo khu vực, châu Âu dự kiến sẽ ghi nhận mức giảm 1,4% về khối lượng xuất khẩu trong năm 2024, trong khi nhập khẩu sẽ giảm 2,3%. Nền kinh tế Đức đã suy giảm 0,3% trong quý II/2024, với các chỉ số sản xuất đạt mức thấp nhất trong 12 tháng vào tháng 9. Xuất khẩu của châu Âu đã bị kéo xuống bởi các ngành ô tô và hóa chất. Nhập khẩu máy móc của EU cũng giảm mạnh, đặc biệt là từ Trung Quốc. Khối lượng xuất khẩu của châu Á dự kiến tăng nhanh hơn các khu vực khác trong năm 2024, tăng tới 7,4%. Xuất khẩu của các nước châu Á đã phục hồi mạnh mẽ nhờ các nền kinh tế sản xuất chính như: Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc. Nhập khẩu của châu Á cho thấy các xu hướng khác nhau. Trong khi tăng trưởng của Trung Quốc vẫn ở mức khiêm tốn, các nền kinh tế khác như: Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam đang tăng mạnh, cho thấy vai trò mới nổi của các nền kinh tế này như sự "kết nối" giữa các khối địa chính trị, do đó có khả năng giảm thiểu rủi ro phân mảnh. Thương mại Bắc Mỹ phần lớn được thúc đẩy bởi Hoa Kỳ, mặc dù Mexico nổi bật với mức tăng trưởng nhập khẩu mạnh hơn so với toàn bộ khu vực. Nhập khẩu của Mexico đang phục hồi sau khi giảm vào năm 2023, nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của quốc gia này như một nền kinh tế "kết nối" trong thương mại.
Giá dầu thế giới có xu hướng hạ nhiệt từ quý II/2024 (Hình 2) do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng. Giá dầu thô trung bình đã giảm xuống còn 72,29 USD/thùng vào tháng 11/2024 so với 77,67 USD/thùng vào tháng 01/2024 (số liệu của World Bank), do lo ngại về tình trạng dư cung vào năm 2025 đã làm lu mờ quyết định gần đây của OPEC+ về việc trì hoãn việc tăng sản lượng theo kế hoạch và gia hạn cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2026. OPEC+, chiếm khoảng một nửa sản lượng dầu toàn cầu, đã gia hạn việc cắt giảm sản lượng hiện tại và hoãn việc từ bỏ dần các đợt cắt giảm này đến tháng 4/2025. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc và nguồn cung ngoài OPEC+ tăng lên.
Hình 2: Diễn biến giá dầu thế giới năm 2024
Nguồn: World Bank Commodity Markets database |
Dòng vốn đầu tư toàn cầu
Dòng vốn FDI toàn cầu năm 2024 dự kiến phục hồi nhẹ, nhưng không đều giữa các ngành và nền kinh tế. FDI vào năng lượng tái tạo vào các nước phát triển tăng, nhưng giảm ở các nước đang phát triển. FDI vào lĩnh vực bán dẫn tăng đột biến vào Hoa Kỳ.
Các nền kinh tế phát triển
FDI vào châu Âu tăng 5% trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, dòng vốn tăng 8% ở Đức và 16% ở Pháp - hai thị trường lớn nhất EU - nhưng lại giảm ở Italia, Ba Lan và Thụy Điển. Ở Bắc Mỹ, FDI tăng 9%, dẫn đầu là dòng vốn chảy vào Hoa Kỳ (tăng 7%), đặc biệt giá trị M&A xuyên biên giới của Hoa Kỳ tăng gấp đôi, được thúc đẩy bởi các thương vụ lớn trong lĩnh vực tài chính và tiện ích. Các dự án FDI đầu tư mới vào các nền kinh tế phát triển giảm 11% về số lượng, nhưng tăng 20% về giá trị. FDI dưới hình thức các giao dịch tài trợ dự án quốc tế tại các nền kinh tế phát triển đã giảm 37%, tiếp tục xu hướng giảm vào năm 2023. Sự sụt giảm trong các dự án năng lượng tái tạo và bất động sản công nghiệp chiếm gần 60% tổng mức giảm.
Các nền kinh tế đang phát triển
Dòng vốn FDI vào các nền kinh tế đang phát triển tăng 5% trong nửa đầu năm 2024, chủ yếu là do một dự án lớn trị giá 35 tỷ USD dưới hình thức tài trợ dự án quốc tế ở Ai Cập. Nếu không có dự án này, dòng vốn sẽ giảm 3%, tiếp tục xu hướng năm 2023. Đầu tư mới vào các nước đang phát triển đã giảm 11% về số lượng và giảm 24% về giá trị. Sự sụt giảm lớn đã được ghi nhận trong lĩnh vực ô tô (-39% về giá trị và -16% về số lượng) và cung cấp năng lượng và khí đốt (-36% về cả giá trị và số lượng). FDI dưới hình thức tài trợ dự án quốc tế ở các nước đang phát triển đã giảm 25%, sau khi giảm 26% vào năm 2023. Các thị trường mới nổi lớn như: Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Trung Quốc và Nam Phi có sự sụt giảm về số lượng tài trợ dự án lớn nhất. Các dự án năng lượng tái tạo dù vẫn chiếm một nửa trong số tất cả các giao dịch tại các nền kinh tế đang phát triển, nhưng đã có sự sụt giảm đáng kể, với mức giảm 17% về số lượng giao dịch và mức giảm 19% về giá trị. Ngoài ra, các giao dịch tài trợ dự án trong bất động sản công nghiệp đã giảm khoảng 30% về cả số lượng và giá trị. Giá trị các giao dịch M&A xuyên biên giới tại các nước đang phát triển đã giảm mạnh 53% xuống còn 18 tỷ USD, mức thấp chưa từng thấy kể từ năm 2009.
Dòng vốn FDI toàn cầu cuối năm 2024 dự kiến vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi sự phân mảnh địa chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, điều kiện tài chính thuận lợi hơn và lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh có thể hỗ trợ FDI tăng nhẹ vào cuối năm.
Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới
Năm 2024, ngân hàng trung ương của các nước có xu hướng hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt. Tính đến tháng 10/2024, 7 trong số 10 ngân hàng trung ương lớn của các thị trường phát triển được Reuters theo dõi hiện đã bắt đầu nới lỏng chính sách.
Ngày 7/11/2024, FED tiến hành đợt cắt giảm lãi suất thứ hai trong hai cuộc họp liên tiếp, với mức giảm 0,25 điểm %, thấp hơn so với mức giảm 0,5 điểm % trong cuộc họp trước và đựa lãi suất quỹ liên bang về khoảng 4,5%-4,75%. Tháng 10/2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cắt giảm lãi suất chính sách lần thứ ba kể từ khi bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 5. Vào cuối năm 2025, lãi suất chính sách dự kiến sẽ giảm thêm xuống khoảng 2%. Hầu hết các ngân hàng trung ương ở các quốc gia thành viên không thuộc khu vực đồng Euro cũng dự kiến sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, với mức cắt giảm rõ rệt hơn ở Ba Lan và đặc biệt là Romania.
Đồng USD đã mất giá đáng kể vào năm 2024 so với nhiều loại tiền tệ chính do dự đoán về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Mặt khác, tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi được hưởng lợi từ việc Fed cắt giảm lãi suất. Kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất mạnh hơn ở Hoa Kỳ và tăng lãi suất nhiều hơn ở Nhật Bản đã khiến đồng Yen tăng giá từ tháng 8/2024. Vào cuối tháng 8, đồng Yen đã tăng giá lên 144,6 so với USD - mức tăng mạnh nhất kể từ tuần đầu tiên của năm, sau đó tiếp tục tăng lên 150,19 vào cuối tháng 11/2024.
Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ đang chịu áp lực do kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD ngày 12/11/2024 giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng rưỡi, đương đầu áp lực từ xu hướng tăng trên diện rộng của đồng USD và mối lo của giới đầu tư về việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa Trung Quốc sau khi lên cầm quyền.
TRIỂN VỌNG KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2025
Triển vọng kinh tế thế giới năm 2025 sẽ chịu sự chi phối bởi xu hướng chính sách của các nước và các biến động địa chính trị thế giới, đặc biệt là sự kiện ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ ngày 05/11/2024 (lễ nhậm chức dự kiến ngày 20/01/2025).
Triển vọng tăng trưởng, thương mại và đầu tư toàn cầu
Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 được IMF (10/2024) dự báo đạt 3,2% năm 2025, tương đương mức tăng trưởng năm 2024. Dự báo này được dựa trên giả định lãi suất tiền tệ thế giới sẽ dần trở lại quỹ đạo bình thường do lạm phát giảm. Việc cắt giảm sản xuất và vận chuyển hàng hóa (đặc biệt là dầu mỏ), xung đột và bất ổn dân sự đã dẫn đến việc điều chỉnh giảm triển vọng khu vực đối với Trung Đông và Trung Á và đối với châu Phi cận Sahara. Đồng thời, nhu cầu tăng vọt đối với chất bán dẫn và đồ điện tử, được thúc đẩy bởi khoản đầu tư đáng kể vào trí tuệ nhân tạo, đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn ở châu Á mới nổi.
Mặc dù vậy, việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ và có khả năng thực hiện nhiều thay đổi chính sách như các cam kết khi tranh cử sẽ có ảnh hưởng không chỉ tới kinh tế Mỹ, mà cả kinh tế thế giới. Hầu hết các phân tích chỉ ra rằng, việc tăng mạnh thuế nhập khẩu của Mỹ ban đầu có thể sẽ dẫn tới tác động lạm phát ở Mỹ, sức mua thực tế giảm do giá hàng hóa tăng cao và đầu tư bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn thương mại gia tăng, tác động tiêu cực tới tăng trưởng đối với tất cả các quốc gia liên quan. Một rủi ro quan trọng khác là cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu leo thang làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy tăng trưởng toàn cầu xuống thấp hơn và (ban đầu) đẩy lạm phát lên cao hơn. Sau đó, nhu cầu tăng chậm lại sẽ khiến lạm phát giảm.
Thương mại toàn cầu có thể sẽ giảm do thuế quan nhập khẩu tăng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới GDP toàn cầu. Một nghiên cứu của Viện Peterson cho thấy, dòng chảy thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn có thể bị giảm từ 1% đến 4%, tùy thuộc vào hành động trả đũa của các nước. Tuy nhiên, nhìn chung, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ vững chắc bất chấp khả năng áp thuế của Mỹ. Chính sách nới lỏng tiền tệ và giá dầu hạ nhiệt có thể thúc đẩy kinh tế toàn cầu tăng trưởng cao hơn. Goldman Sachs (2024) dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 vẫn đạt tốc độ tăng của năm 2024, bất chấp tác động của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu.
Chính sách thuế của ông Donald Trump cũng có thể dẫn tới tái cấu trúc các mô hình thương mại. Trên thực tế, một mục đích của thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc và được ông Biden duy trì là nhằm đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Mỹ áp dụng thuế quan đối với tất cả quốc gia, các nhà xuất khẩu của nước này có thể hứng thiệt hại, vì giá nguyên liệu đầu vào sẽ cao hơn và khả năng hàng hóa Mỹ sẽ bị áp thuế trả đũa ở thị trường nước ngoài.
Chính sách của ông Trump cũng có thể ảnh hưởng tới các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo của Mỹ và ảnh hưởng xấu tới môi trường toàn cầu. Ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ chấm dứt các hạn chế về quy định đối với hoạt động khoan dầu, thăm dò khí đốt và khai thác than và sẽ nỗ lực hạn chế các khoản chi tiêu liên quan đến Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Biden. Đạo luật này không chỉ thúc đẩy các dự án, doanh nghiệp và công nghệ được thiết kế để giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mà còn giúp khuyến khích khối lượng lớn vốn tư nhân đầu tư vào "công nghệ xanh", bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thu giữ carbon và lưu trữ pin điện. Ông Trump sẽ cố gắng duy trì vai trò của Mỹ là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới bằng cách khuyến khích nhiều dự án nhiên liệu hóa thạch trong nước hơn, từ đó tác động tiêu cực đối với lượng khí thải carbon toàn cầu và các nhà phân tích cảnh báo rằng điều này có thể gây tổn hại đến các quỹ tài chính tập trung vào tính bền vững đã giúp hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi năng lượng để đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Giá dầu thế giới có thể tiếp tục hạ nhiệt do ông Donald Trump dự kiến đẩy mạnh khai thác dầu. Mối lo ngại về việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và sự gia tăng xung đột ở Trung Đông đã thúc đẩy sự biến động gần đây của giá dầu Brent. Tuy nhiên, sự suy giảm dần của giá dầu từ quý II/2024 đã khiến giá dầu tương lai trung bình hàng năm đi xuống theo đường chân trời dự báo, bị đẩy xuống do kỳ vọng về nhu cầu dầu toàn cầu yếu, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Triển vọng đối với các nền kinh tế lớn
Goldman Sachs (2024) dự báo tác động của các chính sách thương mại mới tiềm năng của Donald Trump đối với GDP của Mỹ dự kiến sẽ nhỏ và phần lớn được bù đắp bởi các yếu tố khác. Thuế nhập khẩu tăng sẽ dẫn đến tác động khiêm tốn đến thu nhập cá nhân khả dụng thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) thông qua giá tiêu dùng cao hơn. Sự không chắc chắn về mức độ căng thẳng thương mại có thể leo thang. Ngoài ra, ông Trump cũng đã hứa các chính sách hỗ trợ kinh tế, như bãi bỏ quy định đối với lĩnh vực năng lượng, có thể giúp cắt giảm giá cả và thuế suất thấp, sẽ hỗ trợ thu nhập ròng. Mặt khác, việc Mỹ giảm thuế trong nước, bao gồm khả năng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% xuống 20% (và có thể 15% với một số ngành), có thể kích thích sản xuất tại Mỹ và thu hút dòng vốn đầu tư quay trở lại nước Mỹ.
Các nước bên ngoài sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn bởi chính sách của Donald Trump. Việc tăng thuế quan nhập khẩu của Mỹ có thể sẽ giáng một đòn vào nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) vốn có mức độ phụ thuộc lớn vào lĩnh vực xuất khẩu và đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng ảm đạm cùng nhiều cuộc khủng hoảng chính trị nối tiếp nhau. Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa hàng đầu của EU nói chung và Đức nói riêng, trong đó dược phẩm, máy móc và phương tiện giao thông là những nhóm mặt hàng lớn nhất trong danh sách hàng xuất khẩu của khu vực này sang Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump đã đề xuất áp dụng mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế từ 10%-20% đối với hàng hóa từ tất cả các quốc gia khác. Viện Kinh tế Đức ước tính rằng việc áp thuế quan như vậy có thể khiến quy mô nền kinh tế Đức giảm từ 1,2% đến 1,4% vào năm 2028 so với trong trường hợp không áp thuế quan. Cỗ máy xuất khẩu của EU đang gặp khó khăn do nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga đã cạn, sự chậm trễ của khu vực này trong cuộc cách mạng xe điện và mức độ phụ thuộc quá lớn của nền kinh tế khu vực vào việc bán hàng cho Trung Quốc. Goldman Sachs đã giảm dự báo tăng trưởng của khu vực đồng Euro vào năm 2025 sau kết quả bầu cử của Hoa Kỳ 0,5 điểm phần trăm (quý IV so với quý IV) và có khả năng sẽ cắt giảm thêm nữa, nếu Hoa Kỳ áp dụng thuế quan toàn diện.
Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng do quy mô của các mức thuế quan được đề xuất đối với Trung Quốc và tầm quan trọng của ngành sản xuất đối với nền kinh tế của nước này. Các phản ứng chính sách của Trung Quốc có thể bao gồm đồng việc cho phép đồng Nhân dân tệ yếu hơn và tăng cường các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ.
Các quốc gia khác cũng có khả năng bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại của Mỹ. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại thể chịu ảnh hưởng tiêu cực, trong khi một số quốc gia thị trường mới nổi có thể được thúc đẩy bằng cách giành được thị phần xuất khẩu nếu thương mại chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu có thể chuyển sang tìm nguồn cung ứng từ một quốc gia không bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ. Nhiều công ty đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam và Mexico để thoát khỏi thuế quan mà ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của Donald Trump./.
Tài liệu tham khảo
1. Bình Minh (2024), Kinh tế Mỹ giữ nhịp tăng trưởng dù yếu hơn dự báo, lạm phát giảm nhanh, truy cập từ https://vneconomy.vn/kinh-te-my-giu-nhip-tang-truong-du-yeu-hon-du-bao-lam-phat-giam-nhanh.htm.
2. EC (2024), Autumn 2024 Economic Forecast: A gradual rebound in an adverse environment, retrieved from https://economy-finance.ec.europa.eu/economic-forecast-and-surveys/economic-forecasts/autumn-2024-economic-forecast-gradual-rebound-adverse-environment_en.
3. Financial Times (2024), Central banks should tread cautiously with interest rate cuts, says OECD, retrieved from https://www.ft.com/content/3e84ce4b-d0f5-4e2e-98ca-608fcb361c20.
4. Goldman Sachs (2024), The global economy is forecast to grow solidly in 2025 despite trade uncertainty.
5. IMF (2024), World Economic Outlook, October 2024.
6. Michael Wolf (2024), Japan economic outlook, October 2024, retrieved from https://www2.deloitte.com/us/en/insights/economy/asia-pacific/japan-economic-outlook.html.
7. Thanh Phương (2024), Thế giới 2024: Một năm đầy biến động qua lăng kính của AFP, truy cập từ https://baotintuc.vn/the-gioi/the-gioi2024-mot-nam-day-bien-dong-qua-lang-kinh-cua-afp-20241126134843582.htm.
8. Thời báo kinh tế Việt Nam (2024), Chiến thắng của ông Trump, nỗi lo kinh tế của châu Âu, truy cập từ https://vneconomy.vn/chien-thang-cua-ong-trump-noi-lo-kinh-te-cua-chau-au.htm.
9. U.S. Bureau of Economic Analysis (2024), Gross Domestic Product, Third Quarter 2024 (Second Estimate) and Corporate Profits (Preliminary).
10. WTO (2024), Global goods trade on track for gradual recovery despite lingering downside risks.
TS. Trần Toàn Thắng, TS. Nguyễn Đoan Trang
Ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 02, tháng 01/2025)
[1] https://www.icgam.com/2024/11/27/what-does-trumps-election-win-mean-for-the-global-economy/.
[2] https://www.abrdn.com/en-us/institutional/insights-and-research/what-is-the-impact-of-trump-2-0-on-the-global-economy.
[3] https://www.npr.org/2024/11/07/nx-s1-5181869/trump-wins-global-economics.
[4] Vào tháng 8/2024, số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2024. Du khách nước ngoài là nguồn xuất khẩu dịch vụ lớn của Nhật Bản. Tương tự như vậy, xuất khẩu hàng hóa đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.
[5] https://www.wam.ae/en/article/1488ym9-imf-team-lowers-koreas-economic-growth-outlook-for.
Link nội dung: https://kinhtevadulich.vn/buc-tranh-kinh-te-the-gioi-nam-2024-va-trien-vong-nam-2025-a314629.html