Từ khóa: vùng động lực, kỷ nguyên vươn mình, tăng trưởng kinh tế
Summary
2025 is the final year of the first 5-year period of implementing the 10-year Socio-Economic Development Strategy 2021-2030 approved at the 13th National Congress of the Party. In the context of many difficulties and challenges, many crucial results have been achieved with numerous outstanding highlights towards the 14th National Congress of the Party. The article provides an overview of the two dynamic regions in the North and the South according to the National Master Plan, points out the issues, and recommends solutions in the coming time.
Keywords: dynamic region, era of growth, economic growth
GIỚI THIỆU
Đại hội XIV là dấu mốc quan trọng, đánh dấu 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới và đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Các vùng động lực quốc gia theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 |
Kỷ nguyên vươn mình là kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước ta với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao. Để hoàn thành được mục tiêu dài hạn là đến năm 2045 trở thành nước thu nhập cao đòi hỏi nền kinh tế nước ta phải đạt được tốc độ tăng trưởng cao và duy trì trong dài hạn, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Một điều kiện hết sức quan trọng để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là phải có định hướng và cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả, theo đó phải tập trung nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực và địa bàn có vai trò và tiềm năng đóng góp lớn vào tăng trưởng.
Một trong những kinh nghiệm được biết đến rộng rãi là quá trình tăng trưởng cao của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện nay. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng bình quân 10%/năm trong thời kỳ 34 năm (từ năm 1978 đến năm 2011)[1]. Khởi đầu của thời kỳ tăng trưởng cao này được gắn với chiến lược phát triển theo lãnh thổ là ưu tiên trước cho vùng duyên hải, qua việc thực hiện chính sách đặc biệt tại Quảng Đông, Phúc Kiến, xây dựng các đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn… (Nguyễn Xuân Cường, 2010).
Các định hướng chiến lược của Việt Nam cũng đã xác định vấn đề phát triển một số địa bàn đi trước, tạo động lực lôi kéo các vùng và cả nước cùng phát triển. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 có nêu “thúc đẩy các vùng kinh tế trọng điểm phát huy vai trò đầu tàu tăng trưởng nhanh”. Định hướng này tiếp tục được khẳng định và phát triển thêm tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020: “Thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực và tác động lan toả đến các vùng khác”, “lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ở ven biển để xây dựng một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 tiếp tục xác định nhiệm vụ xây dựng các trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá tại một số khu vực có lợi thế đặc biệt.
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bản Quy hoạch tổng thể quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được thông qua tại Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 09/01/2024 của Quốc hội đã nêu bật quan điểm phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi và có nhiều tiềm năng, lợi thế. Trên cơ sở đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định hệ thống các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng quốc gia và đặt ra mục tiêu tập trung phát triển 2 vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với 2 cực tăng trưởng là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của cả nước.
Một trong những nội dung của Kỷ nguyên vươn mình của đất nước là phải có sự thay đổi mạnh mẽ, mang tính bứt phá về tăng trưởng kinh tế, cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Định hướng này càng làm sâu sắc thêm yêu cầu phải tập trung phát triển các vùng động lực với sự đổi mới cả về mặt chất và lượng so với các giai đoạn trước để làm đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam tăng tốc, đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới, đột phá, hoàn thành các mục tiêu chiến lược cho năm 2030 và năm 2045.
VÙNG ĐỘNG LỰC PHÍA BẮC VÀ PHÍA NAM
Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng động lực phía Bắc bao gồm: TP. Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, trong đó TP. Hà Nội là cực tăng trưởng. Vùng động lực phía Nam bao gồm: TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng.
Các vùng động lực được xác định trên cơ sở xác định khu vực có tiềm lực và lợi thế nhất trong phạm vi các vùng kinh tế trọng điểm trước đây (vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam). Hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước. Năm 2023, quy mô kinh tế của hai vùng động lực này (tính theo tổng các đơn vị hành chính cấp tỉnh) chiếm 53% GDP của cả nước, trong đó 2 thành phố là: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm hơn một nửa (28,2%). Hai vùng là nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ chủ lực dẫn đầu cả nước, chiếm tỷ trọng cao (trên 50% của cả nước) đối với đại đa số các nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là các ngành, như: công nghiệp điện tử, cơ khí - chế tạo, hóa chất, dược phẩm, cao su - nhựa, gỗ - nội thất, dịch vụ vận tải - logistics, tài chính, du lịch, thông tin - truyền thông, kinh doanh bất động sản, dịch vụ chuyên môn, hỗ trợ kinh doanh…
Hai vùng động lực cũng là địa bàn tập trung, tích tụ vốn, tích lũy tài sản lớn nhất của quốc gia. Năm 2023, hai vùng động lực chiếm tới 67% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước; trong đó mức độ tập trung rất cao tại TP. Hồ Chí Minh (chiếm 30% cả nước) và Hà Nội (chiếm 21%); tổng tài sản cố định của các doanh nghiệp tại hai vùng chiếm tới 60% của cả nước (năm 2022). Hai vùng động lực cũng là 2 đầu mối giao thương quốc tế lớn nhất cả nước, nơi thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nơi đặt trụ sở doanh nghiệp FDI nhiều nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong hợp tác kinh tế và đối ngoại giữa Việt Nam với khu vực và toàn cầu. Kinh tế phát triển năng động, sáng tạo; trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh năm 2024[2] có tới 6 tỉnh, thành phố thuộc 2 vùng động lực.
Hai vùng động lực là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao lớn nhất cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) của vùng động lực phía Bắc là 42,3%, của vùng động lực phía Nam là 30,3%, cao hơn trung bình cả nước (27,2%). Lực lượng lao động của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của 2 vùng động lực chiếm 33% của cả nước (năm 2023), nhưng nếu so sánh riêng về lao động đã qua đào tạo thì tỷ lệ này là 44%. Lao động trong các ngành nghề về hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ của hai vùng động lực cũng chiếm tới 66% cả nước (năm 2022). Đặc biệt, nhân lực cho các ngành mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tập trung hầu hết tại hai cực tăng trưởng này (TP. Hồ Chí Minh chiếm đến 76% số kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn của cả nước[3]…). Hai vùng động lực cũng là 2 trung tâm đào tạo lớn nhất cả nước với trên 70% số sinh viên đại học của cả nước, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Hai vùng động lực có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khá phát triển với các công trình đầu mối mang tính cửa ngõ kết nối quốc gia với toàn cầu. Hà Nội có cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài và TP. Hồ Chí Minh có CHKQT Tân Sơn Nhất là hai CHK lớn nhất cả nước. Đặc biệt, 2 vùng động lực có các cụm cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu đều nằm trong nhóm 50 cảng container lớn nhất trên thế giới[4].
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHỦ YẾU ĐẶT RA
Sự phát triển của các vùng động lực trong thời kỳ vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần quyết định vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển cho thấy, còn nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục, nhất là để hai vùng phát huy đúng vai trò “động lực” trong giai đoạn tăng trưởng cao sắp tới của đất nước:
- Sự suy giảm về mức đóng góp vào tăng trưởng của vùng động lực phía Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Giai đoạn 2011-2015, vùng động lực phía Nam đóng góp tới gần 34% vào tăng trưởng của cả nước, tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm xuống còn 27% vào giai đoạn 2016-2020 và 19% trong ba năm 2021-2023. Trong đó, mức đóng góp của TP. Hồ Chí Minh giảm tới gần một nửa từ 19% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 11% trong ba năm 2021-2023[5]. Bên cạnh nhiều nguyên nhân, điều này cho thấy các động lực tăng trưởng truyền thống từ giai đoạn trước của vùng động lực phía Nam đã giảm sút và cần tạo ra các động lực mới. Theo tính toán, mỗi 1% GRDP tăng thêm của 2 vùng động lực sẽ làm gia tăng 0,56% GDP của cả nước; trong đó, mỗi 1% GRDP tăng thêm của vùng động lực phía Nam sẽ góp phần tăng 0,3% GDP của cả nước. Do vậy, việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các vùng động lực là điều kiện tiên quyết để đất nước ta bước vào thời kỳ tăng trưởng cao đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên vươn mình.
- Việc thúc đẩy các động lực mới như chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng động lực, khiến các vùng động lực chưa thể hiện được vai trò đi đầu, dẫn dắt. Theo xếp hạng Đánh giá mức độ chuyển đổi số năm 2022[6], trong số 10 địa phương xếp nhóm đầu của cả nước chỉ có 3 tỉnh, thành phố thuộc các vùng động lực là TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Ninh. Có 3 địa phương khác xếp trong nhóm có thứ hạng từ 11-20; Thủ đô Hà Nội xếp thứ 24, trong đó riêng về kinh tế số xếp thứ 18; hai địa phương có thứ hạng thấp nhất là Hưng Yên (thứ 33) và Đồng Nai (thứ 43).
- Hệ thống kết cấu hạ tầng tuy phát triển nhất so với các vùng khác trên cả nước nhưng chưa theo kịp nhu cầu hiện tại cũng như yêu cầu phát triển trong tương lai. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, kìm hãm sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Nổi bật trong đó là vấn đề hạ tầng giao thông, tắc nghẽn tại các đô thị lớn. Theo nghiên cứu của TP. Hồ Chí Minh năm 2022, tình trạng ùn tắc giao thông của Thành phố gây thiệt hại khoảng 6 tỷ USD mỗi năm[7] (tương đương 9% GRDP). Con số này đối với Hà Nội được ước tính ở mức 1-1,2 tỷ USD/năm[8]. Bên cạnh đó là các hạn chế về hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn tại các đô thị, khiến tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề bức xúc, chậm được khắc phục.
- Năng lực cạnh tranh toàn cầu của các đô thị lớn trong vùng động lực còn thấp. Theo xếp hạng đô thị toàn cầu năm 2024[9], có 3 đô thị thuộc 2 vùng động lực được xếp hạng là TP. Hà Nội xếp thứ 304/1000 đô thị, TP. Hồ Chí Minh xếp thứ 314, TP. Hải Phòng xếp thứ 608. Trong khi đó, các thành phố trong khu vực Đông Nam Á có thứ hạng cao hơn khá nhiều, như: Singapore (42), Kuala Lumpur (135), Bangkok (192), Manila (256), Jakarta (284). Điểm mạnh của các đô thị Việt Nam chủ yếu là về kinh tế, trong khi các mặt khác như: chất lượng cuộc sống, môi trường và nhất là quản trị đô thị còn nhiều hạn chế so với các đô thị trong khu vực và thế giới.
- Liên kết vùng còn mang tính hình thức, chưa có tính chiến lược, lâu dài, chưa tạo được không gian kinh tế thống nhất nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương và toàn Vùng. Phối hợp trong công tác quy hoạch còn hạn chế, hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư giữa các địa phương vẫn còn trùng lặp, cạnh tranh lẫn nhau. Cơ quan điều phối vùng còn mang nhiều tính chất hành chính, chưa có bộ phận tác nghiệp thường xuyên để phát hiện, xử lý các vấn đề về liên kết vùng trên thực tiễn. Cơ sở dữ liệu phục vụ liên kết vùng chậm được xây dựng, mới dừng ở mức trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương.
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ VỀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG ĐỘNG LỰC
Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ về thể chế phát triển. Các tỉnh, thành phố trong vùng động lực có đặc thù là khả năng tự chủ về nguồn lực rất lớn và do vậy cần được tạo điều kiện để sử dụng nguồn lực này để đầu tư các dự án nhằm đáp ứng nhu cầu trên địa bàn. Phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, hạ tầng liên vùng, nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và bố trí nguồn lực phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư; nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, đặc biệt với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp. Xây dựng thể chế vượt trội, có sức cạnh tranh quốc tế để thúc đẩy các mô hình mới tại các vùng động lực như phát triển khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế. Rà soát, điều chỉnh các quy định theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi nhất để phát triển các cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh). Đẩy nhanh việc xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng, chậm triển khai để khơi thông nguồn lực trên địa bàn.
Thứ hai, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối cho phát triển. Hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc kết nối liên tỉnh, liên vùng, các đường vành đai vùng (Vành đai 4, Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh). Phát triển giao thông đường sắt liên vùng, đường sắt kết nối cảng biển quốc tế để giảm áp lực đối với hệ thống đường bộ, đồng thời giảm chi phí logistics. Có cơ chế đặc thù cả về phân cấp quản lý đầu tư và huy động vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại hai thành phố là cực tăng trưởng quốc gia. Đồng thời, triển khai cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ hai bên tuyến đường bộ cao tốc, các công trình nhà ga của tuyến đường sắt qua đô thị gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Hoàn thành cảng hàng không quốc tế Long Thành và phát triển trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế gắn với phát triển đô thị sân bay.
Thứ ba, phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn, và các ngành kinh tế mới. Xây dựng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực trong một số ngành, lĩnh vực; một số địa phương khác thuộc hai vùng động lực thành trung tâm giáo dục - đào tạo cấp vùng và quốc gia. Tăng cường đầu tư, phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và một số trường đại học lớn khác như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Việt - Đức… đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu Đông Nam Á và châu Á; tập trung đầu tư xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, thế giới. Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có quy mô, cơ cấu hợp lý và phân tầng chất lượng. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của xã hội, gắn kết đào tạo với nhu cầu doanh nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục - đào tạo. Ưu tiên một số khối ngành đào tạo theo yêu cầu phát triển: Công nghệ thông tin, điện tử, vi mạch bán dẫn, AI; Cơ khí chế tạo; Hóa chất; Tài chính - ngân hàng; Quản trị kinh doanh; Logistics; Du lịch; Y tế, khoa học sức khỏe, dược phẩm; Công nghệ sinh học; Nông nghiệp... Nhà nước cần ban hành cơ chế hỗ trợ đào tạo trong một số ngành ưu tiên phát triển, đồng thời có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước để phát triển nhanh một số ngành kinh tế quan trọng, mới nổi.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đổi mới cơ chế, chính sách theo hướng chấp nhận rủi ro và độ trễ trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong các lĩnh vực mới, đột phá như công nghệ tài chính (fintech), các mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Có chính sách đầu tư và kêu gọi đầu tư để hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển, đào tạo trong các lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, AI gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương. Khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo thông qua tháo gỡ các vướng mắc về thuế, tăng cường hỗ trợ về nguồn vốn, đất đai, tiếp cận thị trường...
Thúc đẩy chuyển đổi số, hạ tầng số, phát triển nhanh nguồn nhân lực số để phát huy vai trò đi đầu, dẫn dắt của hai vùng động lực trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tạo hiệu ứng lan tỏa đối với các vùng lân cận và cả nước. Tăng cường số hóa trong hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Có chính sách để thu hút nhân lực công nghệ thông tin, nhân lực số chất lượng cao vào các cơ quan nhà nước. Xây dựng, kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp… tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển đô thị thông minh gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị đô thị; mở rộng việc sử dụng các tiện ích, ứng dụng số để tạo thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp và tăng cường tương tác giữa chính quyền và người dân. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh; tạo ra các mô hình kinh doanh mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả liên kết vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng động lực và của các địa phương trong vùng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng nói chung và hai Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ theo hướng trao thêm chức năng, thẩm quyền về phân bổ, sử dụng nguồn lực cho các dự án, công trình, nhiệm vụ có tính chất liên tỉnh, có tầm quan trọng cấp vùng. Trong hoạt động của Hội đồng 2 vùng nêu trên cần chú trọng đến liên kết, hợp tác phát triển theo vùng động lực, hành lang kinh tế (nhất là trong phạm vi các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu), trong đó ưu tiên các nội dung về: (i) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng liên tỉnh, liên vùng; (ii) Xúc tiến, thu hút đầu tư và huy động, sử dụng nguồn lực; (iii) Xây dựng, phát triển các cụm liên kết ngành (cluster) ở phạm vi liên tỉnh. Cần quan tâm kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực của các cán bộ tham gia công tác điều phối phát triển và liên kết vùng; nghiên cứu, hình thành các bộ phận tác nghiệp có tính chuyên nghiệp cao đóng vai trò đầu mối thường trực để theo dõi, điều phối các vấn đề liên quan đến hợp tác phát triển theo vùng động lực, hành lang kinh tế. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các quy định liên quan để tạo điều kiện cho việc phối hợp nguồn lực giữa các địa phương trong đầu tư các công trình, dự án và giải quyết các vấn đề liên tỉnh; nghiên cứu hình thành quỹ đầu tư phát triển hạ tầng vùng.
Ngoài ra, cần xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin có chất lượng phục vụ cho việc ra quyết định của nhiều bên liên quan khác nhau (chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức…) hướng đến mục tiêu tăng cường hợp tác, liên kết vùng. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu này không đơn thuần là tập hợp các thông tin sẵn có về tình hình kinh tế - xã hội nói chung tại các địa phương, mà phải bao hàm được các thông tin ở mức độ đủ làm cơ sở cho các bên liên quan, tùy theo vai trò của mình, có thể ra quyết định về điều phối, huy động, phân bổ nguồn lực hoặc tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh; tùy thuộc vào từng lĩnh vực và mục tiêu hợp tác mà cơ sở dữ liệu này có thể được tùy biến để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin phục vụ việc ra quyết định của các bên./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030.
4. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
5. Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
6. Quốc hội (2023), Nghị quyết số 81/2023/QH15, ngày 09/01/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
7. GS, TS. Tô Lâm (2024), Một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tạp chí Cộng sản, số 1050, tháng 11/2024.
8. Nguyễn Xuân Cường (2010), Liên kết phát triển vùng miền ở trung quốc Nhìn từ hợp tác Vùng Chu Giang mở rộng, truy cập từ http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=189.
9. Số liệu của Tổng cục Thống kê và số liệu Niên giám thống kê hàng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
10. Số liệu của Ngân hàng Thế giới, tại https://databank.worldbank.org.
ThS. Nguyễn Việt Dũng
Phó Trưởng Ban, Ban Chiến lược phát triển vùng
Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2025)
[1] Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
[2] Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
[3] https://nhandan.vn/thieu-hut-nghiem-trong-nguon-nhan-luc-vi-mach-ban-dan-post786722.html
[4] Theo World Shipping Council
[5] Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê và số liệu thống kê của các địa phương.
[6] Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
[7] https://plo.vn/tphcm-un-tac-giao-thong-gay-thiet-hai-6-ti-usdnam-post688687.html
[8] https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-thiet-hai-do-un-tac-giao-thong-len-den-12-ty-usdnam-82893.html
[9] Do tổ chức Oxford Economics công bố.